Tan vỡ ước mơ đại học
Đa số họ xuất thân từ nông thôn, việc đỗ đại học để đi học nghề, sau này có công ăn việc làm là mơ ước của nhiều gia đình. Do bạn bè lôi kéo, không làm chủ được bản thân nên nhiều sinh viên đã lơ là việc học, sa chân vào trộm cắp, cờ bạc, lô đề, nghiện hút…lúc nào không hay.
Vào những dịp diễn ra những mùa giải bóng đá quốc tế và trong nước, nhiều sinh viên tham gia cá độ bóng đá với mong muốn kiếm trác được chút ít từ món “làm giàu không khó này”. Nhưng lộc chẳng thấy đâu, qua một vài trận, số tiền bỏ ra để trả quá lớn, vét cả túi sinh viên của mình cũng không đủ trả. Và con đường duy nhất để giải thoát được những món cá độ kếch xù là phải vay lãi, mà là lãi theo ngày.
Dần dần, món nợ lên tới hàng vài trăm triệu đồng. Không làm cách nào khác, nhiều sinh viên báo về cho bố mẹ ở quê. Rất giận và đau lòng vì con bởi số tiền đó tuy không lớn nhưng ở quê, nhất là ở vùng cao, thế là đã bằng cả mấy cơ nghiệp rồi. Đành để cho nước mắt chảy vào trong, bố mẹ bán nào là trâu, nào là rừng cây, rồi cả những tạ lúa mà họ một nắng hai sương làm ra để gom góp trả nợ cho con.
Với hy vọng, trả được nợ, con mình sẽ làm lại cuộc đời mình. Từ bỏ giảng đường đại học, nhiều sinh viên đã phải dừng tiến độ học tập, “khăn gói” trở về quê cũ, khóa lại con đường rộng mở với tương lai phía trước.
Đâu là nguyên nhân?
“Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, có nghĩa là bản thân mỗi sinh viên khi không làm chủ được mình sẽ trở nên sa ngã, học đòi và nợ nần. Ban đầu, khi mới bước chân vào trường đại học, cao đẳng, những sinh viên này đều rất ngoan và tràn đầy niềm tin vào giảng đường đại học. Nhưng chỉ hết hai năm đầu, bước sang năm thứ ba, trong khi đa số sinh viên trưởng thành vượt bậc về tri thức và nhận thức cuộc sống thì một số ít sinh viên có dấu hiệu tụt lùi cả về đạo đức, nhân cách và trí tuệ.
Học xa nhà, không chịu sự quản lý trực tiếp của gia đình, được tự do trong mọi việc nên những sinh viên này đã tự ý “đưa chân” vào những tụ điểm của giới trẻ như nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp…Khi đã sa vào con đường này, nhiều sinh viên khó lòng bước chân ra bởi nợ nần và sự ham hố cá nhân.
Tuy không quản lý trực tiếp, song, trách nhiệm phần nào vẫn thuộc về gia đình. Có những gia đình có điều kiện, cung cấp dư thừa tiền cho con em mình khi chúng có nhu cầu mà không hề biết lý do vì sao lại cần những khoản tiền như vậy. Hơn nữa, khi thấy con mình có dấu hiệu đổi khác, một số phụ huynh thường cho qua mà không hề quan tâm hay điều tra vì sao. Chỉ đến khi sự việc vỡ lở, không có cách nào khác, phụ huynh lặn lội đến trường đành “dắt” con về.
Đứng trước thực trạng như đã nêu trên, thiết nghĩ, gia đình, nhà trường và xã hội cần có những giải pháp phù hợp để giúp những sinh viên sa chân vào con đường lầm lỗi. Mỗi gia đình có con em đi học đại học, cao đẳng xa nhà, cần có sự quan tâm đúng mức trong việc sát sao theo dõi tình hình các em. Hơn nữa, khi con em mình có những dấu khác thường thì cần làm rõ và có định hướng tốt để các em nhận ra lầm lỗi của mình. Sự quan tâm thường xuyên, những uốn nắn kịp thời của cán bộ lớp, cán bộ Đoàn - Hội sẽ là cơ hội cho nhiều sinh viên tìm lại con đường đi đúng hướng của mình.
Con đường tương lai phía trước sẽ rộng mở hơn với mỗi sinh viên nếu bản thân các em tự làm chủ bản thân mình, nếu sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô, nhà trường, gia đình và toàn xã hội được đầy đủ và kịp thời. Có như thế, sẽ không còn trong nay mai, những sinh viên đứt gánh giữa đường!.
Nguyễn Thế Lượng