Đừng than vãn mình mất tự do, hãy nhìn đến nhiều người khác còn mất mát hơn mình gấp bội lần

Thứ ba, 24/08/2021 - 09:22

TNV - TPHCM vào đợt cao điểm thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 với nhiều biện pháp nghiêm ngặt, quyết liệt chưa từng có nhằm quyết tâm kiểm soát được dịch vào khoảng ngày 15/9. Các biện pháp đó ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân, như hạn chế đi lại, một số sinh hoạt bị gián đoạn, công việc và thu nhập có thể bị giảm hoặc mất hẳn… Đó là điều chẳng đặng đừng đối với bất kỳ cá nhân nào, với bất kỳ vị lãnh đạo nào của thành phố. Nhưng tất cả vì tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo đảm quan điểm “tính mạng và sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết” của Đảng và Chính phủ.

Ấy vậy mà đâu đó vẫn có ý kiến thể hiện cái nhìn lệch lạc, phiến diện về công tác phòng chống dịch hiện nay. Chẳng hạn, trang tiếng Việt của hãng truyền thông Anh BBC ngày 21/8/2021 đã đăng bài “‘Phong tỏa ở TPHCM’: Họ còn giam mình đến bao giờ?” của tác giả Song May, được giới thiệu là “viết từ Sài Gòn”, hàm ý là một nhân chứng cụ thể về tình hình thực tế của thành phố. Bài viết bắt đầu bằng câu hỏi của một “chàng Văn khờ trong xóm” nào đó với câu hỏi: "Họ còn giam mình đến bao giờ?". Rồi tác giả nêu những khó khăn của những người lao động bị mất việc do thành phố giãn cách nhiều lần, bị thiếu các nhu yếu phẩm, việc đi lại bị kiểm soát, “điểm tích cực duy nhất” là tiêm vaccine thì lại là một loại vaccine không mong muốn… Tác giả đúc kết: “Dân nào tin Trời tin Phật giờ chỉ biết gửi gắm niềm hy vọng vào những lời cầu nguyện”…

Trong một bài viết dài toàn là sự u ám, bế tắc và đầy tiếng than thở, trách móc. Trên thực tế, công tác phòng chống dịch thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng chứ đâu phải như tác giả viết.

Về yếu tố chủ quan, biến chủng Delta của SARS-CoV-2 là vô cùng nguy hiểm, với mức độ lây lan rất nhanh chóng, lại tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau, trong thời gian dài hơn. Hiện biến chủng này đã có mặt tại 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là tình hình của thế giới nên sự kiểm soát rất khó khăn của Việt Nam nói riêng và TPHCM cũng không khó giải thích.

Trong khi đó, nếu ở các đợt dịch trước, gần như chỉ một vài địa phương là “tâm dịch” mà quy mô của từng “tâm dịch” đó cũng không quá lớn, nên sự nỗ lực của địa phương đó cũng sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Y tế và các tỉnh thành khác đã giúp kiểm soát tình hình khá nhanh. Còn hiện nay, mức độ lây lan gần như đã trở thành chuỗi, với nhiều tỉnh thành cạnh nhau, có quan hệ giao thông và kinh tế chặt chẽ với nhau, gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Trong đó TPHCM là địa phương có mật độ dân cư rất đông, sự ra vào của các nhóm dân cư rất dày dẫn đến việc lây lan trở nên khó kiểm soát.

Thêm vào đó, yếu tố tâm lý của một bộ phận dân cư cũng ít nhiều tác động đến công tác phòng chống dịch. Sau 3 đợt dịch trước, tình hình được xử lý khá nhanh nên không ít người tỏ ra chủ quan, lơ là. Ngay cả khi thành phố đã thực hiện biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì vẫn có nhiều người viện các lý do để ra đường mà không chấp hành quy định “ai ở đâu thì ở yên đó”. Kể cả chính quyền một số địa phương cũng còn tỏ ra thiếu kiên quyết trong công tác, dẫn đến nhiều cán bộ lãnh đạo phường xã bị xử lý kỷ luật.

Tất cả những điều đó đã cộng hưởng nhau, làm cho tình hình lây nhiễm trở nên nghiêm trọng.

Dù vậy, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến cơ sở là rất lớn để góp phần giải quyết tình huống. Sự chi viện của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đối với các tỉnh thành đang gồng mình chống dịch hiện nay có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là động lực vật chất lẫn tinh thần vô cùng to lớn cho các địa phương, trong đó có TPHCM, để có thể chống dịch thành công. Hay việc phân bổ vaccine cho TPHCM cũng rất kịp thời để thành phố thực hiện việc tiêm chủng đến nay đạt kết quả tích cực. Ngay cả với vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm ban đầu có người chưa ủng hộ thì sau đó được sự đồng thuận rất cao, hiện đã tiêm được trên 1 triệu liều và đều an toàn. Hoặc việc tìm các đơn thuốc để điều trị có hiệu quả người nhiễm Covid-19 đã đạt được kết quả khả quan, nhằm hỗ trợ tích cực cho những người điều trị tại nhà.

Đặc biệt, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân trong việc chăm lo người khó khăn do dịch là rất lớn. Sự tận tụy, xả thân của đội ngũ cán bộ ở cơ sở là vô cùng đáng quý; lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia của những tình nguyện viên, các nhà hảo tâm… thực sự đã làm lay động rất nhiều người. Những điều đó đã bật lên một chân lý: càng khó khăn thì tinh thần đoàn kết lại càng bền chặt, lòng yêu thương nhau lại càng nồng ấm.

Thành phố tiếp tục giãn cách cho đến ngày 15/9. Người dân được yêu cầu hạn chế ra đường đến mức thấp nhất, trừ những trường hợp được phép và thực sự khẩn cấp. Người dân ở nhà là để tự bảo vệ mình, đồng thời góp phần bảo vệ người thân của mình và những người xung quanh. Đó hoàn toàn không phải là “bị giam” như ý kiến từ BBC đăng tải với dụng ý xuyên tạc sự thật.

Lực lượng vũ trang đã vào cuộc từ ngày 23/8 để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có cả việc bảo đảm an sinh cho người dân, trước hết là người bị khó khăn, người đang nhiễm bệnh và những trường hợp yếu thế khác. Lãnh đạo thành phố quán triệt chỉ đạo của Chính phủ là không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc và đã có nhiều giải pháp thực hiện bằng được nhiệm vụ này.

Nếu ai đó thấy rằng mình đang “bị giam” trong chính ngôi nhà của mình, xin hãy bước ra đăng ký với địa phương thực hiện các công việc tình nguyện vốn đang rất cần người: trực các chốt gác, hỗ trợ phân phối nhu yếu phẩm cho người dân, đi chợ thay cho người dân, tham gia hỗ trợ công tác xét nghiệm, tiêm vaccine, phục vụ các bữa ăn cho người bị cách ly hoặc đang điều trị ở các bệnh viện dã chiến… Có biết bao nhiêu việc đang cần người, tức là những người đang làm các công việc đó đang phải gồng mình, đang thực sự hy sinh.

Trong cuộc chiến cam go này, đã và đang có nhiều người hy sinh. Bên cạnh những người ở tuyến đầu còn có rất nhiều người khác. Việc người dân phải ở nhà cứ cho là hy sinh thì có thấm gì so với sự hy sinh của những người đó. Nên xin đừng than vãn mình mất tự do mà hãy nhìn đến nhiều người khác còn mất mát vì lợi ích chung hơn mình gấp bội lần! Nếu mỗi người phải nỗ lực thực sự, hy sinh thật sự, chung sức thật sự thì dịch bệnh mới sớm được đẩy lùi!

Tấn Tài