Đường cách mệnh với công tác Xây dựng Đảng hiện nay

Thứ ba, 03/10/2023 - 16:10

TNV - Đầu năm 1927, những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu – Trung Quốc đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành cuốn sách với tên Đường Kách mệnh.

Đây được xem là một tác phẩm lý luận vô giá của Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị.Ngay trong mở đầu cuốn sách, Nguyễn Ái Quốc đã trích hai câu trong cuốn Làm gì? Của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động…Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong [1] ”.

Trên con đường tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với rất nhiều nền văn minh, với nhiều học thuyết. Người đều tìm thấy trong các học thuyết của các nhà tư tưởng những hạt nhân hợp lý.Lúc sinh thời, Người đã từng muốn làm học trò của các vị ấy.Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề lý luận chính trị và tuyên truyền lý luận chính trị. Trong Đường Kách mệnh, sau khi giới thiệu tính chất và kinh nghiệm các cuộc cách mạng Mỹ (1776), cách mạng Pháp (1789), Cách mạng tháng mười Nga (1917), Nguyễn Ái Quốc đã đi đến khẳng định trong các cuộc cách mạng này, chỉ có Cách mạng tháng Mười Nga là triệt để, các cuộc cách mạng khác đều “không đến nơi” và “cách mạng An Nam” phải nhớ rõ điều ấy”.

Cũng trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc và lực lượng cách mạng gồm: sĩ, nông, công, thương. Tiếp thu những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt là quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, Đường Kách mệnh chỉ ra rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì vậy phải động viên, tổ chức và lãnh đạo đông đảo quần chúng vùng lên đánh đuổi kẻ thù. Để lãnh đạo nhân dân đứng lên giành độc lập, Nguyễn Ái Quốc xác định công việc đầu tiên phải làm là thành lập tổ chức của những người cộng sản, huấn luyện, đào tạo họ để trở thành những chiến sĩ tiên phong cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: “Trước hết, phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức (…). Đảng có vững, cách mệnh mới thành công [2] ”.Nguyễn Ái Quốc khẳng định đảng muốn vững cần “có chủ nghĩa làm cốt”. Vì vậy phải giáo dục chủ nghĩa Lênin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để những người cách mạng Việt Nam mà trước hết là những người cộng sản luôn là những người tiên phong dám hi sinh, xả thân vì sự nghiệp. Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị đối với sự ra đời và vững mạnh của đảng, Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng việc giáo dục chủ nghĩa Lênin là nguyên tắc đảm bảo cho Đảng có phương hướng, có nền tảng vững chắc. Người cũng cho rằng chỉ theo con đường của Lênin mới đảm bảo cho thành công của cách mạng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin [3] ”.

Là tác phẩm “phổ thông” về lý luận chính trị nên cách viết, ngôn ngữ, văn phong của tác phẩm rất cô đọng, dễ hiểu. Ngay mở đầu cuốn sách, khi nói về lý do cần viết cuốn sách này, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì cũng rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ, trang hoàng gì cả (…). Sách này chỉ ước ao sao cho đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh [4] ”. Nguyễn Ái Quốc đã giải thích cách mệnh là gì, là “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt [5] ”.Nguyễn Ái Quốc đã giảng giải ngắn gọn Cách mệnh là gì?Cách mệnh có mấy thứ?Vì sao mà sinh ra tư bản cách mệnh?Vì sao mà sinh ra dân tộc cách mệnh?Vì sao mà sinh ra giai cấp cách mệnh?Cách mệnh khó hay dễ?Cách mệnh trước hết phải có cái gì?

Đánh giá về giá trị của tác phẩm “Đường Kách mệnh”, trong lời giới thiệu cuốn sách xuất bản năm 1982, đồng chí Trường Chinh đã viết: “Đường Kách mệnh” chẳng những có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong thời kỳ đã qua mà còn soi sáng con đường cho nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong giai đoạn mới [6] ”. Hơn 90 năm sau sự ra đời của tác phẩm lý luận nổi tiếng này đã chứng minh tính đúng đắn trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ xây dựng Đảng về lý luận chính trị luôn được Đảng ta xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, một trong những giải pháp đầu tiên là: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương [7] ”. Việc lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lười học tập lý luận chính trị đã được nghị quyết xác định là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" khẳng định xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là “nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Từ đó, Kết luận 21 cũng nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, một trong những nhiệm vụ giải pháp đầu tiên là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình với yêu cầu: “Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân; xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy ngay ngay từ khi chuẩn bị những điều kiện cho sự ra đời của Đảng và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục lý luận chính trị và giáo dục thực hành lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những nội dung cơ bản của tác phẩm “Đường Kách mệnh” vẫn là những chỉ dẫn quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.



[1] Hồ Chí Minh (1995) (toàn tập), Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 259

[2] Hồ Chí Minh (1995) (toàn tập), Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 267-268

[3] Hồ Chí Minh (1995) (toàn tập), Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 267-268

[4] Hồ Chí Minh (1995) (toàn tập), Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 262

[5] Hồ Chí Minh (1995) (toàn tập), Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 263

[6] Trường Chinh (1982), Lời giới thiệu cuốn sách “Đường Kách mệnh”, Nxb. Sự Thật, H, tr.17 .

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùisự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; Văn phòng Trung ương, H, tr. 36-37.

Trương Vương Khánh – Trường Chính trị tỉnh Bình Dương