TNV - “Đường lên đỉnh Olympia” là một cuộc thi kiến thức trên truyền hình dành cho học sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục - Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, được sự tài trợ của một số doanh nghiệp. Cuộc thi hàng năm này được bắt đầu tổ chức từ năm 1999 , là chương trình có tuổi đời dài nhất trong các chương trình trò chơi truyền hình của VTV3 . Trong đó mỗi năm có 36 cuộc thi tuần , 12 cuộc thi tháng , 4 cuộc thi quý và 1 cuộc thi chung kết được truyền hình trực tiếp trên VTV3 , đến nay “Đường lên đỉnh Olympia” đã trải qua cuộc chơi lần thứ 20.
Từ trước vòng chung kết cuộc chơi lần thứ 20 và cho đến nay, dư luận trên cộng đồng mạng râm ran về một dòng trạng thái đăng trên tài khoản Zalo: "Hơi sớm để gọi thí sinh thi Olympia là nhân tài quốc gia và đó cũng chỉ là chương trình truyền hình, các người lớn có trách nhiệm làm ơn để trẻ con được yên! Muốn diễn thì làm ơn tránh xa trẻ con mà diễn, chúng không phải là sản phẩm quảng cáo của quý vị…" từ Giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo TP Cần Thơ bà Trần Hồng Thắm.
Theo quan điểm cá nhân, “Đường lên đỉnh Olympia” thật ra là một Gameshow trí tuệ trên truyền hình, một cuộc chơi mà bất kỳ học sinh nào trung học phổ thông đều tự do tham gia, thích thì tham gia, không thì thôi như bao Gameshow khác (phù hợp từng đối tượng, luật chơi). Bà Giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo TP Cần Thơ đã rất thẳng thắn chia sẻ: "Hơi sớm để gọi thí sinh thi Olympia là nhân tài quốc gia…”,
Nhân tài quốc gia là lực lượng rường cột của mỗi quốc gia nói chung, của mỗi một tổ chức, cơ quan nói riêng. Đã có nhiều nhà khoa học, tuỳ theo nội dung và mục tiêu nghiên cứu đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về nhân tài. Từ điển Hán ngữ hiện đại định nghĩa “Nhân tài là người có tài năng và đạo đức; có một sở trường nào đó” . Tác giả Nguyễn Đắc Hưng và Phan Xuân Dũng quan niệm “Nhân tài là những người có tài năng, năng lực vượt trội ở lĩnh vực nào đó: kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học... và có đóng góp cho xã hội” .
Trong Cương yếu quy hoạch nhân tài trung và dài hạn 2010 - 2020 do Chính phủ Trung Quốc ban hành ngày 06/6/2010 có quan niệm rằng “nhân tài là những người có tri thức hoặc kỹ năng chuyên môn nhất định, tiến hành lao động sáng tạo và có đóng góp cho xã hội, là người lao động có tố chất và năng lực tương đối cao trong nguồn nhân lực” …
Vậy, trường hợp một thí sinh tham gia Gameshow trí tuệ lọt vào vòng chung kết (cũng không phải là quán quân) chưa đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành một “Nhân tài quốc gia”, chia sẻ của Giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo TP Cần Thơ là hợp lý.
Theo dõi sau 19 lần diễn ra Gameshow “Đường lê đỉnh Olympia”, có 16 quán quân sau này đều học tập và làm việc ở nước ngoài, duy có Lương Phương Thảo và Lê Viết Hà trở về nước sau khi học tập tại Australia, một quán quân đang chuẩn bị du học (riêng quán quân năm 2019, chưa có thông tin cụ thể kế hoạch sau này).
Cho đến nay, chưa có một thống kê cụ thể về những đóng góp cho xã hội từ những quán quân “Đường lê đỉnh Olympia” qua 19 mùa chơi. Cái được lớn nhất từ Gameshow này chính ở sự cố gắng phấn đấu, tìm tòi, nghiên cứu mở mang kiến thức xã hội của những thí sinh tham gia cuộc chơi và khuyến khích học sinh phấn đấu học tập, tự tin hơn.
Chia sẻ trên Báo Tuổi trẻ ngày 02/10/2019, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh khẳng định: “Lãnh đạo thành phố luôn đánh giá cao và ủng hộ các chương trình truyền hình lành mạnh, khuyến khích học sinh, sinh viên tích lũy kiến thức, đem lại niềm vui, động lực học tập như chương trình Đường lên đỉnh Olypima. Chương trình có ý nghĩa, thu hút sự quan tâm không chỉ của giới trẻ, học sinh sinh viên mà của toàn xã hội” .
Theo dõi nhiều bình luận của cộng đồng mạng, rất ủng hộ quan điểm "Hơi sớm để gọi thí sinh thi Olympia là nhân tài quốc gia…” của bà Giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo TP Cần Thơ.
Thiết nghĩ, để nhận định một quan điểm, ý kiến nào đó đúng, sai hoặc chưa rõ ràng từ một người có tầm ảnh hưởng đến đời sống xã hội cần phải tìm hiểu kỹ, nghiên cứu thật kỹ trong từng giai đoạn, bối cảnh để bày tỏ chính kiến của mình.
Đừng lấy sự chủ quan, thiếu suy xét của mình hoặc theo đám đông không xác định trên không gian mạng để phê phán điều mà mình chưa hiểu, chưa rõ, chưa cụ thể nhằm hạ uy tín của người khác là cái tội.
Nguyễn Ngọc