Đường Vành đai 5 nằm trong quy hoạch thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Không chỉ giúp kết nối 8 tỉnh trọng điểm kinh tế của khu vực phía Bắc với thủ đô Hà Nội, khi hoàn thành, tuyến đường được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển chung cho những địa bàn nó đi qua.
1. Thông Tin Chung Về Đường Vành Đai 5
Đường Vành đai 5 Hà Nội cũng là một phần của đường vành đai đô thị Hà Nội, được quy hoạch, thiết kế với một số đặc điểm sau:
Về Quy Mô
Tổng chiều dài đường Vành đai 5 Hà Nội là 331,5 km. Ngoài ra, còn có hơn 40 km trùng với các tuyến đường khác gồm: quốc lộ 3, cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên.
Đây sẽ là một trong bảy đường vành đai góp phần phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ của Hà Nội, tạo sự liên kết nội vùng cũng như liên vùng, tiến tới xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại.

Theo Quyết định về chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 5 năm 2013, tổng số vốn để thực hiện dự án lên tới hơn 85 nghìn tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác.
Đường Vành đai 5 được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012 với bề rộng của nền đường phải đạt tối thiểu là 25,5-33,0m; quy mô 4 tới 6 làn xe, có đường song hành, đường gom.
Đường Vành đai 5 Đi Qua Đâu?
Cũng theo thiết kế, đường sẽ đi qua tới 8 tỉnh thành, gồm có: Hà Nội, Hòa Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.
Có thể nói, theo như quy hoạch này, đây được xem là đường vành đai đi qua nhiều tỉnh thành nhất ở phía Bắc cho tới hiện tại, tạo nên sự kết nối cho vùng. Đồng thời, sẽ mang tới những tác động rất lớn tới kinh tế, xã hội, nhất là những địa bàn mà nó đi qua.

2. Bản Đồ Quy Hoạch Đường Vành đai 5
Đường Vành đai 5 theo quy hoạch sẽ đi qua 36 quận, huyện, thành phố, trực thuộc 8 tỉnh, thành là: Hà Nội, Hòa Bình; Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, độ dài cũng như các điểm mà đường đi qua cụ thể như sau:
Đường Vành đai 5 Hà Nội : dài 48 km
Đoạn này có chiều dài khoảng 48 km. Từ điểm bắt đầu ở cầu Vĩnh Thịnh, đường sẽ nhập vào, chạy trùng đường Hồ Chí Minh trong khoảng 21,5 km. Sau đó, giao với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình (hướng đi về tỉnh Hòa Bình) tại xã Yên Bình – huyện Thạch Thất.
Khi chạy tới khu vực Chợ Bến, đường sẽ rẽ theo hướng Đông để vượt sông Đáy và vào địa phận của tỉnh Hà Nam.
Đường Vành đai 5 qua Hà Nam : 35,3 km
Khi qua sông Đáy, đường sẽ chạy theo hướng song song rồi nhập vào Quốc lộ 21B tại đoạn chợ Dầu – Ba Đa giao với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Đường tiếp tục nhập vào nút giao giữa Cầu Giẽ – Ninh Bình với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để hướng về địa phận Thái Bình. Ở địa phận Hà Nam.
Đường Vành đai 5 qua Thái Bình : 28,5 km
Đường đi vào địa phận Thái Bình theo hướng Tây. Điểm bắt đầu là cầu Thái Hà, giao với đường ĐT.499, chạy song song với đường ĐT.455 rồi qua sông Luộc để sang Hải Dương.

Đường Vành đai 5 qua Hải Dương : 52,7 km
Trên địa phận Hải Dương, đường vượt sông Luộc, đến đường ĐT.392, chạy song song với Quốc lộ 38B, gặp cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ở Tứ Kỳ. Sau đó, chạy trùng với đường vành đai 2, đi vào cao tốc Nội Bài – Hạ Long tới nút giao Quốc lộ 37 rồi sang địa phận Bắc Giang.
Đường Vành đai 5 qua Bắc Giang : 51,3 km
Đường Vành đai 5 qua Bắc Giang chạy song song với Quốc lộ 37 rồi đi qua sông Lục Nam, tránh thành phố Bắc Giang, giao với Quốc lộ 1 trên cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn tại địa bàn xã Tâm Dĩnh, huyện Lạng Giang. Sau đó, tiếp tục chạy song song với Quốc lộ 37 rồi rẽ hướng Tây sang Thái Nguyên.
Đường Vành đai 5 qua Thái Nguyên : 28,9 km
Tổng chiều dài đoạn qua tỉnh Thái Nguyên là 28,9 km, giao với Quốc lộ 37 ở huyện Phú Bình rồi vượt sông Cầu, chạy trùng với đại lộ Đông Tây. Từ nút giao Yên Bình chạy trùng với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên 12 km. Chạy trùng với Quốc lộ 3 đoạn đường dài 2,5 km từ nút giao trạm cân Quá Tải, sau đó đường chạy tiếp qua thị xã Sông Công, vượt đèo Nhờn, đèo Nhe dãy Tam Đảo để vào Vĩnh Phúc.

Đường Vành đai 5 qua Vĩnh Phúc : 51,5 km
Độ dài của đường là. Từ đèo Nhe của dãy Tam Đảo, đường sẽ chạy theo hướng đường tỉnh ĐT.301 và ĐT.301B. Tới điểm nút giao Bình Xuyên, sẽ có 14,5 km chạy trùng với cao tốc Nội Bài – Lào Cai rồi tới nút giao quốc lộ 2C. Lúc này, đường Vành đai 5 sẽ tiếp tục trùng với đường Hợp Thịnh – Đạo Tú tới quốc lộ 2, 2C. Sau đó, qua cầu Vĩnh Thịnh để vào địa phận Hà Nội.
Đường Vành đai 5 qua Hòa Bình : 35,4 km
Toàn bộ chiều dài đường Vành đai 5 qua Hòa Bình chạy trùng với đường Hồ Chí Minh và song song Quốc lộ 21. Sau đó, cắt Quốc lộ 6 ở phía Đông Khu Công nghiệp Lương Sơn – Chợ Bến rồi hướng về phía Đông để vào Hà Nội.
Tóm tắt nhanh:
Đường Vành đai 5 đi qua | Chiều dài |
Đoạn đi qua Hà Nội | 48 km |
Đoạn đi qua Hà Nam | 35,3 km |
Đoạn đi qua Thái Bình | 28,5 km |
Đoạn đi qua Hải Dương | 52,7 km |
Đoạn đi qua Bắc Giang | 51,3 km |
Đoạn đi qua Thái Nguyên | 28,9 km |
Đoạn đi qua Vĩnh Phúc | 51,5 km |
Đoạn đi qua Hòa Bình | 35,4 km |
3. Nội Dung Điều Chỉnh Và Tiến Độ Thi Công Đường Vành đai 5
Ngày 3/4/2021, dự án được Thủ tướng Chính phủ ký đồng ý chủ trương điều chỉnh. Theo đó, quy mô, điểm đầu, cuối và bản đồ quy hoạch gần như được giữ nguyên, chỉ có một vài thay đổi ở Km68 tới Km75.
Cụ thể, tại km 68, đường được đổi sang hướng Đông Bắc, đi về địa phận xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức. Sau đó, đường vượt sông Đáy sang địa bàn xã Lưu Hoàng của huyện Ứng Hòa rồi chạy song song với Quốc lộ 21B để sang địa phận Hà Nam.
Việc điều chỉnh này mang nhiều mục đích, đó là vừa tạo nên sự đồng bộ và tính phù hợp với các dự án khác trong khu vực, vừa giúp giảm khối lượng mặt bằng cần giải phóng và đền bù, tạo sự kết nối với Quốc lộ 38 mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra.
Cho tới thời điểm hiện tại, trừ đoạn qua Thái Nguyên, ở các tỉnh, thành phố còn lại việc thi công thực hiện dự án chưa được tiến hành.

Riêng ở Thái Nguyên, cuối năm 2018 đã thi công đoạn đường hơn 9km kết nối với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên từ thị xã Phổ Yên tới huyện Phú Bình. Cho tới nay, đã hoàn thành các nội dung như: đổ nhựa, xây vỉa hè, hoàn thiện dải phân cách (hơn 80% tiến độ).
4. Vai Trò Của Đường Vành đai 5 Đối Với Sự Phát Triển Chung Của Vùng
Tuyến đường đường Vành đai 5 sau khi hoàn thành sẽ mang tới những hiệu quả lớn cho 8 tỉnh phía Bắc mà nó chạy qua, giúp thúc đẩy lưu thông liên vùng, mang tới cơ hội phát triển mọi mặt cho các địa phương này, trong đó có lĩnh vực bất động sản .
Thúc đẩy lưu thông
Tuyến đường Vành đai 5 sẽ tạo một vòng tròn khép kín trong khu vực, kết nối 8 tỉnh phía Bắc, các khu kinh tế trọng điểm và cả các đô thị vệ tinh với Hà Nội. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân mà còn rất thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Đây chính là điều kiện cơ bản, tiên quyết thúc đẩy sự hình thành, phát triển và mở rộng các khu công nghiệp, không chỉ ở Hà Nội mà cả các địa phương có đường chạy qua.
Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội
Đặc biệt là các địa bàn vùng sâu vùng xa bởi việc kết nối một cách dễ dàng với trung tâm của tỉnh, với thủ đô sẽ là động lực làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội của khu vực.
Cùng với đó, tại các địa bàn mà đường chạy qua sẽ hình thành các khu đô thị mới, trung tâm kinh tế, tài chính, nâng tầm cảnh quan, thu hút một lượng lớn dân cư tới sinh sống.
Tạo động lực cho lĩnh vực bất động sản
Điều kiện giao thương, đi lại trở nên thuận lợi sẽ khiến cho thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn. Giá đất các vùng lân cận sẽ tăng mạnh, cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các dự án căn hộ , khu đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, sự dịch chuyển về nơi ở của người lao động.

Có thể nói, đây là dự án có tầm vóc và ý nghĩa quan trọng với 8 địa phương liên quan và cả khu vực, mang tới những kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ và hiện đại hơn trong tương lai. Batdongsan.com.vn sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin về đường Vành đai 5 trong các bài viết tiếp theo, độc giả quan tâm có thể theo dõi chuyên trang Thông tin quy hoạch trên website để không bỏ lỡ bất kỳ nội dung hữu ích nào nhé.
Hà Linh
Xem thêm: