Ngoài các thực thể của Nga, 4 công ty Trung Quốc và 1 công ty Ấn Độ cũng nằm trong danh sách trừng phạt với cáo buộc đã giúp Nga lách các biện pháp được áp dụng trước đây nhằm ngăn chặn việc mua các công nghệ có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Ảnh minh họa: Reuters
Đây là những công ty sản xuất hàng hóa hoặc công nghệ lưỡng dụng, đặc biệt là máy bay không người lái. Các công ty trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản trên lãnh thổ EU và các thực thể từ Liên minh châu Âu bị cấm giao dịch với họ dưới bất kỳ hình thức nào hoặc cung cấp tài chính cho họ.
Việc thông qua các biện pháp trừng phạt mới ban đầu đã gặp sự ngăn cản từ Hungary. Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga là vô nghĩa và chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế của Liên minh châu Âu mà không mang lại hòa bình ở Ukraine. Nó chỉ là một biện pháp giả tạo như một điểm nhấn trước dịp kỷ niệm 2 năm nổ ra cuộc xung đột. Tuy nhiên, cuối cùng Hungary tuyên bố sẽ không phủ quyết gói này.
Trong quá trình thảo luận các biện pháp trừng phạt trong gói 13, Séc còn muốn đưa ra đề xuất của mình nhằm hạn chế sự di chuyển của các nhà ngoại giao Nga trong khu vực Schengen. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky, toàn bộ hoạt động gián điệp diễn ra dưới vỏ bọc ngoại giao là một sự thật đã được công chúng biết đến.
Do đó, Séc yêu cầu các nhà ngoại giao Nga nhận thị thực và giấy phép cư trú chỉ cho phép di chuyển trong nước sở tại chứ không phải trên toàn bộ khu vực Schengen. Đồng thời, Séc muốn EU chỉ chấp nhận hộ chiếu sinh trắc học, loại hộ chiếu khó giả mạo hoặc liên kết với danh tính giả hơn. Mặc dù yêu cầu của Séc vẫn chưa được thực thi. Nhưng Praha hy vọng rằng biện pháp này có thể xuất hiện trong gói trừng phạt khác sẽ sớm được áp dụng.
Hiện các biện pháp trừng phạt vẫn chưa được các quốc gia thành viên chính thức thông qua, vì vậy chúng sẽ trở thành một thủ tục bằng văn bản trong những ngày tới.
Theo VOV