hủ tướng Anh Theresa May ngày 5/4 đề nghị gia hạn Brexit tới ngày 30/6 để có thêm thời gian giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở trong nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại đề xuất một thời hạn linh hoạt hơn: “tối đa 1 năm”. Dù chấp nhận phương án nào, thì trong cả 2 trường hợp này, Anh cũng đều phải tham gia cuộc bầu cử châu Âu vào cuối tháng 5 tới. Đây là kịch bản mà nhiều người Anh không hề mong muốn.
Trong bức thư gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, bà Theresa May một lần nữa yêu cầu gia hạn thêm tới ngày 30/6, với cam kết thực hiện những bước đi chuẩn bị để tham dự các cuộc bầu cử châu Âu. Tuy nhiên, bà vẫn hi vọng Anh có thể không phải thực hiện nghĩa vụ này khi nhấn mạnh, vẫn đang thúc đẩy các nghị sĩ thông qua thỏa thuận chia tay cho phép Anh rời Liên minh châu Âu trước ngày 23/5.
Tại Pháp, văn phòng Thủ tướng nước này cho rằng yêu cầu gia hạn thêm Brexit được đưa ra “hơi sớm” và khẳng định đang chờ đợi một kế hoạch đáng tin cậy của Anh từ nay đến hội nghị thượng đỉnh bất thường EU thảo luận về Brexit vào ngày 10/4 tới.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì cho rằng, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần Anh làm rõ. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố, bước đi này của Anh không trả lời được những câu hỏi của Liên minh châu Âu: “Lá thư của Thủ tướng Theresa May đặt ra rất nhiều câu hỏi, với yêu cầu trì hoãn Brexit đến ngày 30/6. Chúng tôi cần một sự rõ ràng hơn từ nước Anh trước ngày 10/4, đó sẽ là điều tốt nhất. Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra giữa đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh và Công đảng đối lập. Chúng tôi muốn biết chúng sẽ đi tới đâu. Đối với Hà Lan, tất nhiên chúng tôi không mong muốn một Brexit không thỏa thuận. Song câu trả lời rõ ràng phải đến từ nước Anh”.
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk muốn Liên minh châu Âu dành cho Anh một thời hạn linh hoạt hơn, tức là trong thời hạn 1 năm. Điều này cho phép Anh có thể rời Liên minh châu Âu muộn nhất là vào ngày 12/4 năm sau, để ngỏ cánh cửa cho nước này có thể rời đi trước thời hạn nếu các nghị sĩ có thể thông qua được thỏa thuận chia tay mà họ đã 3 lần bác bỏ. Tuy nhiên, đề xuất này dường như sẽ không làm hài lòng tất cả các nước thành viên, vốn lo ngại việc giữ Anh theo kiểu “chân trong chân ngoài” này có thể dẫn tới những sự xáo trộn lớn, thậm chí là hỗn loạn. Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, để tránh sự bế tắc, điều tối quan trọng là phải làm rõ ngay từ đầu mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Anh.
Trong lúc này Thủ tướng Theresa May vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán với Công đảm đối lập nhằm tìm kiếm một sự thỏa hiệp có thể giúp bà nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ và trách kịch bản gây lo ngại nhất hiện nay là một sự chia tay không có thỏa thuận. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận dường như không đạt được bước tiến nào. Các nghị sĩ Công đảng đã bày tỏ lấy làm thất vọng về nội dung cuộc trao đổi. Theo nghị sĩ Kei Starmer, tới nay, chính phủ không đề xuất bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận chia tay./.
Theo VOV