Ngày 7/11, Fed quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ về 4,5-4,75%, tức hạ 25 điểm cơ bản (0,25%). Mức này bằng một nửa so với đợt điều chỉnh hồi tháng 9 (0,5%).
Quan chức Fed nhận định thị trường việc làm tại Mỹ đã bớt thắt chặt và lạm phát đang hướng về mục tiêu 2%. "Hoạt động kinh tế tăng trưởng với tốc độ ổn định", Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed nhận định.
Cơ quan này cũng lặp lại nhận xét cách đây hai tháng, rằng rủi ro với thị trường việc làm và lạm phát "gần như ngang nhau".
Dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng phải mất ít nhất một năm, tác động từ việc điều chỉnh này mới rõ rệt trong nền kinh tế. Điều này lý giải vì sao lãi suất tại Mỹ tăng từ đầu 2022, nhưng một năm sau lạm phát mới bắt đầu hạ nhiệt.
Gần một năm rưỡi qua, Fed đã nâng lãi suất 11 lần để ghìm lạm phát.
Cuộc họp của cơ quan này diễn ra chỉ một ngày sau bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc ông Donald Trump đắc cử có thể tác động đến kế hoạch điều chỉnh lãi suất của cơ quan này, do các chính sách nâng thuế nhập khẩu và giảm thuế trong nước của Trump được dự báo kéo lạm phát tăng trở lại.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi Fed giảm lãi suất
Ngày 7/11, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi Fed giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,66 điểm, tương đương 0,02%, lên 43.738,09 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 44,02 điểm (0,74%) lên 5.973,06 điểm còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 285,91 điểm (1,51%) lên 19.269,38 điểm
Các cổ phiếu truyền thông dẫn đầu mức tăng của chỉ số S&P, với giá cổ phiếu của "ông lớn" truyền thông và giải trí Warner Bros Discovery tăng hơn 10% sau khi doanh nghiệp này công bố đạt lợi nhuận quý III/2024 vượt dự kiến.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức cao nhất 4 tháng qua là 4,479% xuống còn 4,363%.
Theo Chinhphu