Đến nay, ngoài phát triển nghề dệt zèng đến hầu khắp các hộ đồng bào Tà Ôi, ở A Lưới đã có nhiều cơ sở dệt zèng được thành lập ở các xã, thị trấn. Tiêu biểu, tại thị trấn A Lưới nghệ nhân Mai Thị Hợp, người đã mạnh dạn đứng ra lập xưởng dệt thổ cẩm. Hợp tác xã có trên 40 chị em tham gia. Mỗi tháng, 1 lao động dệt được khoảng 2 tấm zèng, có thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng. Tại xã A Đớt, từ năm 2004 đã hình thành cơ sở dệt zèng do chị A Viết Thị Tâm làm chủ nhiệm, từ 38 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã thu hút được 62 người. Hợp tác xã đã mở nhiều đợt dạy nghề, thu hút nhiều chị em trên địa bàn tham gia. Đây thực sự là nghề giúp bà con thoát nghèo hiệu quả.
Bà Mai Thị Hợp bên các sản phẩm dệt zèng A Lưới (Nguồn ảnh sưu tầm)
Sản phẩm dệt zèng A Lưới được tiêu thụ mạnh do chất lượng tốt và có tính sáng tạo rất cao. Để tạo nên một tấm zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, từ những bàn tay khéo léo, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự tỉ mỉ trong việc đính cườm đã tạo nên những sản phẩm hoa văn độc đáo. Ngoài cung cấp cho các địa phương truyền thống có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung, những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến A Lưới để được tận mắt nhìn thấy những công đoạn dệt dzèng và mua sản phẩm zèng. Sản phẩm dệt zèng A Lưới cũng đã bước đầu xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng. Ngày nay, các sản phẩm dệt thủ công của người dân huyện miền núi A Lưới đã xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, từng bước nâng tầm vị thế nghề dệt zèng A Lưới.
Các sản phẩm của dệt zèng A Lưới rất được du khách yêu thích (Nguồn ảnh sưu tầm)
Chính những tinh hoa mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tà Ôi mà dệt zèng A Lưới mang lại, ngày 21 tháng 11 năm 2016, nghề dệt zèng A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với chủ trương khôi phục và phát huy các làng nghề truyền thống, dệt zèng A Lưới là một trong những nghề truyền thống đặc sắc được giới thiệu, quảng bá tại các kỳ Festival nghề truyền thống Huế. Có thể thấy, Festival nghề truyền thống Huế là nơi quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của dệt zèng A Lưới, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt zèng, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.
Huỳnh Thị Ly