Gần 1.200 người ở Việt Nam đang sử dụng dịch vụ Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) để giảm nguy cơ nhiễm HIV

Thứ ba, 29/05/2018 - 16:00

TNV - Ngày 29/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bô Y tế; Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và PATHphối hợp tổ chức hội thảo sơ kết thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, bà Mei Mei Peng–Phó Giám đốc Văn phòng Y tế của USAID tại Việt Nam; GS. TS. Praphan Phanuphak, Hội chữ thập đỏ Thái Lan, đại diện các tổ chức quốc tế WHO, UNAIDS, APCOM ..., đại diện 11 tỉnh dự án Pepfar, các tổ chức phi chính phủ, các phòng khám tư nhân, các doanh nghiệp xã hội cùng phóng viên các đơn vị báo chí tại TP.HCM.

ANH 1

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm có xu hướng giảm nhanh thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và cộng đồng người chuyển giới lại tăng lên. Đây là thông tin đáng lo ngại. Điều này đòi hỏi song song với các can thiệp truyền thống như khuyến khích sử dụng bao cao su, chất bôi trơn cần có những lựa chọn can thiệp khác cho các nhóm đối tượng này. Một trong những can thiệp được tổ chức Y tế khuyến cáo có hiệu quả là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV mà chúng ta thường quen gọi là PrEP. Các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã chứng minh: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc mỗi ngày. Tuân thủ uống thuốc hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới trên 90%. Việt Nam mong muốn việc triển khai PrEP là một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM.

Dự án được thực hiện từ tháng 3 năm 2017, các can thiệp thí điểm do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Dự án USAID/PATH Healthy Markets và do Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS)hỗ trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới và Cộng đồng (CARMAH) thực hiện nhằm mang dịch vụ PrEP sẵn có đến với những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV (như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV) tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Việc cung cấp dịch vụ PrEP trực tiếp cho khách hàngdo các phòng khám ngoại trú công và phòng khám tư (Thành Danh, Galant, Nhà Mình và Light) và các tổ chức cộng đồng do nhóm đích thực hiện.Gần 1.200 người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tham gia chương trình thí điểm Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bằng đường uống ở Việt Nam nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

ANH2

Khẳng định ý nghĩa của Dự án thí điểm này,PSG.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Kết quả ban đầu của Dự án Thí điểm triển khai PrEP vừa qua là hết sức quan trọng, nó là bằng chứng giúp Bộ Y tế đã quyết định đưa PrEP vào trong Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và đã được Ban hành theo Quyết định 5418/QĐ-BYT ngày 01/12/2017. Trong đó dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV chính thức là một trong những biện pháp dự phòng HIV ở Việt Nam. Kết quả này cũng giúp Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với các đối tác mở rộng việc triển khai PrEP, trước mắt ở 11 tỉnh thành phố với mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt được 5.610 người sử dụng PrEP và đến cuối năm 2020 đạt được 7.300 người”.

Bà Mei Mei Peng, Phó Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam cũngcho biết “PrEP là một bước đột phá của Việt Nam trong những nỗ lực để đạt được mục tiêu 90-90-90 ( 90% người nhiễm HIV sẽ biết tình trạng nhiễm của họ; 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị ; và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định) .  USAID rất tự hào là có thể hỗ trợ Việt Nam, quốc gia thứ haiở khu vực Đông Nam Á triển khai PrEP, nhằm cung cấp thêm các lựa chọn cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong việc bảo vệ bản thân họ và hành động hướng tới loại trừ HIV.”

ANH3

Tiến sĩ Kimberly Green, Giám đốc Dự án USAID/PATH Healthy Markets chia sẻ. “Tất cả các bên đều cam kết rất mạnh mẽ và rõ ràng để dịch vụPrEP trở nên sẵn có đối với tất cả những ai cần. Nhưng cam kết này chỉ có thể thực hiện được nếu có nguồn tài chính bền vững hỗ trợ cho PrEP. Trong khi một số người có khả năng chi trả cho PrEP, những người khác sẽ cần được hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế. Một phân tíchchi phí-hiệu quả do USAID/PATH Healthy Markets và Đại học Washington thực hiện cho thấy nếu được chi trả thông qua bảo hiểm y tế, PrEP là can thiệp có tính chi phí-hiệu quả và có thể ngăn chặn được 31.226 ca nhiễm HIV và 7.296 ca tử vong do AIDS tại Việt Nam.”.

ANH4

Chia sẻ vềđịnh hướng tương lai của PrEP tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế từ Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Hội Chữ thập đỏ Thái Lan và Cục Y tế bang New South Wales thuộc Bộ Y tế Úc – hai cơ quan từ hai quốc gia có chương trình PrEP đã được mở rộng cũng cho rằng, từ kinh nghiệm trên Thế giới có thể cho thấy PrEP rất có ý nghĩa trong việc bổ sung như một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV một cách có hiệu quả.

PrEP là viên kết hợp hai loại thuốc kháng vi rút, nếu dùng hằng ngày theo kê đơn, có thể  giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92% đến 99 % ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Theo một nghiên cứu do PATH thực hiện năm 2016, phần lớn trong số 799 nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ đều tự đánh giá bản thân có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng và chi trả cho PrEP, khi dịch vụ này sẵn có tại Việt Nam.

PV