Gần 8 tháng trừng phạt Nga, phương Tây có thu về kết quả như mong muốn?

Thứ năm, 20/10/2022 - 09:14

Gần 8 tháng trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, phương Tây đã thực hiện những biện pháp cứng rắn chưa từng có nhưng liệu họ có thu về kết quả như mong muốn?

Liên minh châu Âu vừa thông qua gói trừng phạt mới chống lại Nga, trong đó có áp giá trần dầu mỏ sau thông báo hôm 30/9 của Mỹ về các lệnh trừng phạt kinh tế mới. Cả hai thông báo đều được đưa ra nhằm phản ứng trước việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine.

Một trạm tiếp nhận khí đốt của Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) ở Đức. Ảnh: Reuters

Mục tiêu của các lệnh trừng phạt là siết chặt khả năng tiến hành chiến dịch quân sự của Nga và giảm khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cần thiết của Moscow nhằm duy trì chiến đấu.

Tuy nhiên, do vẫn còn những quốc gia sẵn sàng mua các sản phẩm từ dầu mỏ Nga, các lệnh trừng phạt Nga đang làm tăng chứ không phải giảm doanh thu của Moscow.

Thậm chí, điều tồi tệ hơn với thế giới là chính các biện pháp trừng phạt này đang đẩy giá dầu toàn cầu và giá khí tự nhiên tăng cao, gây ra lạm phát và giảm khả năng tiếp cận của thế giới với các nguồn kim loại và khoáng sản cần thiết trong quá trình dịch chuyển để hạn chế sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí tự nhiên.

Tác động rộng khắp của các lệnh trừng phạt

Vào đầu tháng 3, các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ Nga đã khiến giá dầu tăng tới 185 USD/thùng và giá khí tự nhiên ở châu Âu gần đạt 500 USD/thùng. Vào cuối tháng 8/2022, giá khí tự nhiên đã hạ xuống 410 USD/thùng.

Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu toàn cầu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia nhận định, giữa bối cảnh mùa đông đến gần, giá khí tự nhiên là 300 USD/thùng hiện nay không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng khí tự nhiên mà còn gây ra khủng hoảng năng lượng.

Điều này đã làm tăng các tác động của lệnh trừng phạt ngoài ngành dầu mỏ và khí tự nhiên, ảnh hưởng đến giá cả các sản phẩm nông nghiệp, khoáng chất, kim loại hiếm cần thiết cho công nghệ xanh cũng như các ngành sản xuất và sản xuất phân bón.

Hiện có một mối lo ngại rằng các chính sách tiền tệ được thực hiện nhằm hạn chế tác động của lạm phát có thể siết chặt nguồn tài chính hỗ trợ từng được chuyển sang đầu tư cho năng lượng xanh trước đó.

Một mối lo ngại nữa là một số quốc gia đang điều chỉnh chính sách an ninh năng lượng về ngắn và dài hạn khi đặt an ninh năng lượng trước sự chuyển đổi năng lượng.

Trừng phạt kiểu lựa chọn

Không giống các lệnh trừng phạt "một quy mô phù hợp cho tất cả" từng được áp lên Iran và Venezuela, các quốc gia tẩy chay Nga đang lựa chọn các biện pháp hạn chế mà họ có thể thực hiện. Giới quan sát cho rằng tất cả các nhà nhập khẩu dầu lớn cần tẩy chay dầu mỏ Nga thì lệnh trừng phạt mới có hiệu quả nhưng cho đến nay, điều đó đã không xảy ra.

Christof Rühl, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Đại học Columbia đã gọi hình thức "trừng phạt kiểu lựa chọn" này là một ván bài rủi ro. Ông cảnh báo, các lệnh trừng phạt năng lượng sẽ gây tác động ngược, khiến giá dầu mỏ tăng cao và dẫn đến tổn thất về kinh tế cho các nước thực hiện trừng phạt.

Bộ Tài chính Mỹ từng cảnh báo châu Âu, việc áp trừng phạt toàn diện lên ngành xuất khẩu năng lượng Nga sẽ khiến giá dầu tăng vọt, điều giúp Nga hưởng lợi nhưng gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

"Châu Âu rõ ràng cần giảm sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng nhưng chúng ta cần thận trọng khi cân nhắc đến lệnh cấm vận hoàn toàn dầu mỏ", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay.

Mặc dù Nga đã giảm giá bán dầu thô trong năm nay nhưng mức giá này vẫn cao hơn so với trước đại dịch Covid-19. Tức là Nga vẫn đang thu về nguồn ngân sách nhiều hơn mức giá tối thiểu cần thiết để vận hành chính phủ và thực hiện các nghĩa vụ tài chính quốc tế.

Ngoài ra, việc xuất khẩu dầu mỏ Nga đang làm xuất hiện 3 nhóm hoàn toàn tách biệt, bao gồm: các quốc gia sẵn sàng làm ăn với Nga, các quốc gia độc lập về năng lượng với Nga và các quốc gia chưa thể đảm bảo an ninh năng lượng nên cần giữ lập trường trung lập. Thực tế trên sẽ ngày càng củng cố hình thức trừng phạt kiểu lựa chọn và được cho là bước lùi của an ninh năng lượng toàn cầu cũng như các mục tiêu chuyển đổi năng lượng.

Nga vẫn kiên cường trước các biện pháp trừng phạt

Bất chấp các biện pháp trừng phạt, xuất khẩu của Nga vẫn tiếp tục tham gia vào dòng chảy kinh tế toàn cầu. Điều đó là bởi dù các công ty ngừng các hợp đồng kinh doanh mới với Nga nhưng họ vẫn tiếp tục tuân thủ hợp đồng trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Những hợp đồng này giúp các công ty trên mua được số lượng dầu mỏ nhiều nhất có thể vào mỗi tháng.

Bên cạnh đó, dù một vài ngành xuất khẩu của Nga chịu tổn thất nhưng dòng chảy xuất khẩu có thể thay đổi. Thay vì đến châu Âu, dầu thô Nga có thể chuyển hướng sang châu Á. Các nhà máy lọc dầu, đặc biệt là tại Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẵn sàng mua dầu mỏ được giảm giá từ Nga.

Để siết chặt ngành xuất khẩu của Nga, châu Âu đang tìm cách thay thế nguồn cung xăng dầu Nga bằng các nguồn cung từ Trung Đông và châu Á. Tuy nhiên, điều này có thể khiến cho giá dầu diesel ở châu Âu tăng lên do chi phí vận chuyển cao hơn.

Trong khi một số chuyên gia cho rằng việc áp trừng phạt lên ngành dầu mỏ Nga, thay vì ngành khí đốt, sẽ hiệu quả hơn thì thực tế dường như không diễn ra như vậy. Lập luận trên cho rằng dầu mỏ là nguồn thu lớn nhất của Nga nhưng dữ liệu từ GDP của Nga và doanh thu của chính phủ không cho thấy điều đó.

Thị trường xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga đã được đa dạng hóa. Nga cũng dịch chuyển khỏi các thị trường phương Tây, hướng đến thị trường Trung Quốc kể từ khi phương Tây áp trừng phạt lên Moscow năm 2014 sau vụ sáp nhập Crimea.

Sự đa dạng hóa nền kinh tế và dịch chuyển khỏi thị trường phương Tây đồng nghĩa rằng việc áp trừng phạt lên ngành dầu mỏ Nga sẽ chỉ có tác động hạn chế đến nền kinh tế nước này.

Chia rẽ phương Tây

Lệnh trừng phạt Nga cũng đang gây chia rẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tập đoàn khí đốt Chevron của Mỹ, đồng thời là một nhà sản xuất khí tự nhiên lớn trên toàn cầu dự kiến sẽ xuất khẩu lượng khí đốt kỷ lục sang châu Âu.

"Chúng tôi đã chứng kiến nhu cầu tăng mạnh từ các các khách hàng châu Âu và chúng tôi đang thích nghi với điều đó", Colin Parfitt, người phụ trách các hoạt động về vận chuyển, đường ống, nguồn cung và giao dịch của công ty này cho hay.

Mỹ đã đạt được mong muốn dài hạn là thay thế khí tự nhiên Nga ở châu Âu. Trong nhiều năm qua, Washington đã yêu cầu châu Âu giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga và cuộc chiến ở Ukraine đã khiến châu Âu đáp ứng yêu cầu đó, thậm chí là áp trừng phạt lên đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đứng đầu thế giới trong nửa đầu năm 2022 bởi tăng nguồn cung sang châu Âu giữa lúc xung đột ở Ukraine diễn ra. Thực tế là châu Âu không có lựa chọn nào ngoài mua năng lượng từ Mỹ bởi Washington đã áp trừng phạt lên các công ty sản xuất khí đốt lớn khác.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Pháp và Đức cáo buộc Mỹ bán LNG quá đắt và sử dụng cuộc xung đột ở Ukraine cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng để kiếm lợi nhuận, đồng thời khiến châu Âu phụ thuộc vào khí đốt Mỹ.

Tập đoàn điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Pháp - GRTgaz sáng 13/10 cho biết đã chính thức cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức sau khi cho rằng Mỹ bán LNG cho châu Âu với giá đắt gấp nhiều lần so với giá bán cho các công ty nội địa của các nước này.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck thậm chí nói rằng Mỹ đang trục lợi nhờ cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire đánh giá châu Âu và Mỹ cần xác lập mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn và châu Âu không thể chấp nhận giá bán LNG cao hiện nay của Mỹ. Ông cũng nhận định: “Việc châu Âu suy yếu về kinh tế sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai”.

Trên thực tế, giới quan sát cho rằng do Nga đóng vai trò quan trọng về nguồn cung năng lượng nên các biện pháp trừng phạt Moscow có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một trong những cú sốc nguồn cung lớn chưa từng có.

Lệnh trừng phạt dầu mỏ có tác động rất hạn chế đến Nga trong khi tác động ngược đến nền kinh tế toàn cầu lại rất nghiêm trọng, cũng như ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo an ninh và sự dịch chuyển năng lượng của một số quốc gia.

Một số nhà quan sát nhận định, đã đến lúc cần đánh giá tổn thất về kinh tế của các lệnh trừng phạt với thế giới và với Nga. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy lạm phát đang là vấn đề cấp bách nhất với người dân nhiều nước. Do đó, các chính trị gia có lẽ cần cân nhắc đến một số biện pháp trừng phạt không hiệu quả và thay đổi chúng./.

Kiều Anh/VOV