Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12, đồng thời nằm trong chuỗi chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 25/11 - ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ đến ngày 10/12 - ngày quốc tế nhân quyền), tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và Chiến dịch UNiTE 2024.
Tham dự hoạt động có ngài Raman Hailevich, Trưởng đại diện của UNAIDS tại Việt Nam; bà Caroline Nyamayemonbe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, các mạng lưới các tổ chức xã hội hoạt động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (GBVnet), các mạng lưới cộng đồng như VNP+, VNWA+, VNMSM và các bên liên quan khác. Hoạt động có giới thiệu các mô hình sinh kế bền vững do phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV và người LGBTQ+ làm chủ.
HIV và bạo lực trên cơ sở giới có mối liên hệ chặt chẽ, vì cả hai đều chịu ảnh hưởng lớn từ sự bất bình đẳng giới và sự mất cân bằng quyền lực. Các nạn nhân của bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, có nguy cơ cao mắc HIV do những yếu tố như quan hệ tình dục cưỡng ép, không thể thương lượng về việc thực hiện quan hệ tình dục an toàn, và hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe. Trên toàn cầu, đại dịch HIV/AIDS vẫn là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, với hàng triệu người sống chung với virus và hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày.
Tại Việt Nam, phụ nữ sống với HIV, phụ nữ chuyển giới, người đồng tính nam và những người nam quan hệ tình dục đồng giới khác đang phải đối mặt với mức độ tổn thương cao hơn đối với bạo lực trên cơ sở giới và HIV. Chính phủ và các tổ chức liên quan tiếp tục nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa HIV, chăm sóc sức khỏe, đồng thời giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến cả HIV và bạo lực trên cơ sở giới. Mục tiêu là xây dựng một xã hội công bằng, nơi quyền lợi và sức khỏe của tất cả các cá nhân, đặc biệt là những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV và bạo lực trên cơ sở giới, được bảo vệ và phát triển.
Năm nay, Ngày Thế giới phòng chống AIDS và Chiến dịch UNiTE 2024 đồng hành dưới một khẩu hiệu thống nhất với chủ đề "Công bằng và Bình đẳng", nhấn mạnh cách tiếp cận giao thoa để chấm dứt HIV/AIDS và bạo lực trên cơ sở giới. Những sáng kiến toàn cầu này làm nổi bật sự cấp bách trong việc giải quyết hai đại dịch HIV và bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời nhận thức rằng việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với các dịch vụ y tế và xóa bỏ bạo lực là điều kiện thiết yếu để đạt được các mục tiêu về quyền con người và phát triển bền vững.
Mục tiêu của Chiến dịch UNiTE trong việc ngăn ngừa và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của Ngày Thế giới phòng chống AIDS, tạo ra sự cộng hưởng mạnh mẽ, thúc đẩy các thay đổi hệ thống và các giải pháp do cộng đồng dẫn dắt. Bằng cách tập hợp các bên liên quan, bao gồm chính phủ và cộng đồng bị ảnh hưởng, các chiến dịch này tạo ra một môi trường hợp tác nhằm vượt qua kỳ thị, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy bình đẳng giới. Thông qua các nỗ lực phối hợp, Ngày Thế giới phòng chống AIDS và Chiến dịch UNiTE 2024 mong muốn xây dựng một thế giới mà tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, có thể sống mà không còn phải sợ hãi về HIV/AIDS và bạo lực trên cơ sở giới.
Hoạt động gặp gỡ thường niên "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV và bạo lực trên cơ sở giới" được diễn ra là sự khẳng định một lần nữa cam kết của Liên Hợp Quốc trong việc xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên giới và liên quan đến HIV. Sự kiện chung này sẽ cung cấp một nền tảng quan trọng để các chính phủ, cộng đồng và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, chia sẻ các mô hình, sáng kiến và giải pháp sáng tạo và bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa HIV, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ tài chính, nâng cao chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy các nỗ lực phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Sự hợp tác này hướng tới việc tạo ra một xã hội công bằng, không có kỳ thị và bạo lực cho tất cả mọi người.
Công Minh