Sơ đồ hướng tuyến của Vành đai 4 TP.HCM trong mạng lưới giao thông của vùng Đông Nam Bộ
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản gửi các chủ tịch UBND tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình triển khai dự án vành đai 4 TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM đề nghị các địa phương gấp rút triển khai dự án, cân đối nguồn vốn, sẵn sàng triển khai ngay sau khi được thông qua.
Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn tuyến dự án được Thủ tướng Chính phủ giao làm Cơ quan có thẩm quyền.
Theo đề xuất mới nhất, dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều 207 km (đi qua 5 tỉnh, thành là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và Long An. Trong đó, đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18,7 km; Đồng Nai dài 45,6 km; Bình Dương dài 47,45 km; TPHCM 17,3 km và Long An 78,3 km (chiếm tỷ lệ dài nhất của dự án). Tuyến Vành đai 4 sau khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong kết nối giao thông không chỉ giữa 5 tỉnh, thành phố đi qua mà cả khu vực Đông Nam Bộ. Tuyến Vành đai này giao cắt với một loạt đầu mối giao thông huyết mạch của khu vực như quốc lộ 1A, quốc lộ 22, quốc lộ 13, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; cao tốc TP.HCM – Trung Lương; Bến Lức – Long Thành… Bên cạnh tác động tích đến mạng lưới giao thông, Vành đai 4 còn mở ra thêm nhiều không gian để phát triển các khu công nghiệp, logistics, đặc biệt là các dự án đô thị vệ tinh giúp giãn dân cho khu vực nội đô đang ngày càng quá tải. |
Trước đó, tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và lãnh đạo các tỉnh thành đã thống nhất quy mô mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 phần tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc (tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy).
Riêng đối với đoạn Vành đai 4 TP.HCM đã được đầu tư xây dựng (trên địa bàn tỉnh Bình Dương), đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu, đề xuất quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch.
Dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án Vành đai 4 TP.HCM lên tới 105.000 tỉ đồng và đi qua nhiều địa phương.
Do đó, cần có giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, vì vậy thống nhất cần báo cáo, xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT và UBND các tỉnh thống nhất đề nghị UBND TP.HCM đảm nhận vai trò là cơ quan đầu mối để thực hiện tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan đầu mối sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn thiện Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM để báo cáo xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại cuộc họp gần nhất.
Bộ GTVT và các địa phương thống nhất đề nghị TP.HCM chủ trì, thống nhất với các địa phương lựa chọn một đơn vị tư vấn tổng thể để thực hiện rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP.HCM.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM và các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án được giao làm cơ quan có thẩm quyền và hoàn thiện các thủ tục có liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong quý III/2024.
Đối với đoạn Vành đai 4 do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Long An nghiên cứu đề xuất của UBND TP.HCM, chỉ đạo tư vấn bổ sung thêm phương án đầu tư trong đó tách đoạn Vành đai 4 trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM (dài khoảng 3,8km) thành dự án thành phần độc lập và giao TP.HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố.
Đối với vị trí giáp ranh giữa các địa phương, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh trao đổi, thống nhất phương án đầu tư (trách nhiệm giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng) để xuất cơ chế, đặc thù để đầu tư các công trình cầu nằm trên địa bàn của các tỉnh.
Nguyễn Văn