Cục Thống kê (GSO) vừa công bố tình hình kinh tế ba tháng đầu năm. Kinh tế Việt Nam trong quý 1 khởi sắc, tăng 6,93%.
Cục Thống kê cho biết, kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý 1/2025 của kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP , nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8% do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70% , đóng góp 53,74%.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,56%; công nghiệp và xây dựng là 36,31%; còn dịch vụ 43,44%. Cơ cấu này tương đồng với cùng kỳ năm ngoái.
Quý 1 cũng chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp, đạt hơn 202 tỷ USD. Mức này tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 10,6%, nhập khẩu 17%. Cán cân thương mại hàng hoá xuất siêu 3,16 tỷ USD.
Nhiều lĩnh vực phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Theo Cục Thống kê, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn lập mới, quay lại thị trường.
Trong tháng 3, cả nước có hơn 15,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 126,3 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, giảm 4,7% về số vốn đăng ký.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 39,9% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 9,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,3% so với tháng trước và gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2024.
Tính chung quý 1/2025, cả nước có 36,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 356,8 nghìn tỷ đồng.
Tính chung trong quý 1 năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 61,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Diệu Trang