Giá điện tăng thêm 3% sẽ tác động thế nào tới “túi tiền” doanh nghiệp sản xuất?

Thứ sáu, 05/05/2023 - 13:39

Với việc giá bán lẻ điện tăng thêm 3%, Mirae Asset ước tính lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xi măng giảm 13%, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép có thể giảm đến 15% lợi nhuận.

Giá điện tăng 3% từ ngày 4.5

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% so với giá hiện hành, tức là tăng 56 đồng/kWh từ 1.864,44 đồng lên 1.920,3732 đồng (chưa bao gồm VAT) từ ngày 4.5.2023. Quyết định này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý về chủ trương.

Từ ngày 4.5, giá điện bán lẻ bình quân sẽ tăng thêm 3% so với giá hiện hành, lên 1.920,3732 đồng/kWh

Như vậy, sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất hồi tháng 3.2019, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng. Sau khi có giá bán lẻ điện bình quân mới, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng.

Theo số liệu công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 được Bộ Công Thương công bố cuối tháng 3, giá sản xuất là 2.032,26 đồng một kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Tức là với mức giá bán lẻ bình quân hiện hành 1.864,44 đồng, EVN đang bán lỗ gần 168 đồng một kWh.

Chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với 2021, nên tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỉ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ EVN năm ngoái gần 26.240 tỉ đồng.

Tập đoàn này cho biết, nếu không được tăng giá điện trong năm nay, ước số lỗ cả năm nay khoảng 64.000 tỉ đồng do tỉ giá USD tăng, giá nhiên liệu đầu vào cho nhiệt điện, điện khí tăng, giá mua điện tái tạo đắt đỏ.

Ngành thép và xi măng bị ảnh hưởng lớn

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Mirae Asset đã có những phân tích tác động của việc tăng giá điện tới ngành điện và các ngành nghề liên quan.

Theo thống kê của Mirae Asset, trong 10 năm (2009-2019), giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, mức tăng trung bình giai đoạn này đạt 10%/năm.

Ngành thép, xi măng sẽ chịu áp lực lớn khi giá điện tăng

Hiện nay, điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI nên giá điện. Nếu tăng 3% sẽ làm trực tiếp CPI tăng 0,105%, còn tăng 5% thì CPI tăng 0,175%. Trước đó, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), đã từng chia sẻ nếu giá điện tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho CPI tăng 0,4-0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp). Như vậy, nếu giá điện tăng 3% thì GDP có thể giảm khoảng 0,14% và CPI tăng 0,17%.

Mirae Asset cho rằng, những tác động của việc tăng giá bán lẻ điện bình quân đến ngành điện là chưa thật sự rõ nét. Cụ thể, các công ty ngành điện đã thỏa thuận dài hạn với EVN nên việc tăng giá điện trong ngắn hạn chưa ảnh hưởng đến doanh thu. Trong khi đó, giá điện tăng có thể tác động tích cực tới những doanh nghiệp phân phối điện nhờ việc mua với giá rẻ nhưng bán với giá cao.

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xi măng, thép có thể giảm đến 15% do sự điều chỉnh giá điện thúc đẩy giá vốn tăng cao

Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, việc tăng giá bán lẻ điện có thể ảnh hưởng tiêu cực tới một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như ngành xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.

Đối với ngành thép, chi phí điện thường chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn.

Với mức tăng giá điện là 3%, giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,18% và giá thành xi măng tăng khoảng 0,45%. Theo đó, Mirae Asset ước tính lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xi măng giảm 13%, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép có thể giảm đến 15% lợi nhuận do sự điều chỉnh giá điện thúc đẩy giá vốn tăng cao.

“Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào”, Mirae Asset nhấn mạnh.

Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận, đâu đó sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện.

 

Hữu Việt