Giá vàng thế giới rạng sáng nay “lao dốc” không phanh với vàng giao ngay giảm 19,5 USD xuống 1.938,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.937,7 USD/ounce, giảm 32,1 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng trong nước rạng sáng nay đảo chiều tăng với mức tăng cao nhất là 250.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang niêm yết mức 69,3 triệu đồng/lượng mua vào và 70,32 triệu đồng/lượng bán ra, tại TP.HCM, bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng 200.000 đồng cả 2 chiều. DOJI tại khu vực Hà Nội, TP.HCM cũng được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 69,3 triệu đồng/lượng và 70,3 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 69,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 70,4 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều. Giá vàng miếng PNJ niêm yết ở mức 69,4 triệu đồng/lượng mua vào và 70,45 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng ở chiều mua và 250.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua.
Đồng USD hạ nhiệt, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,10%, xuống mốc 105,81.
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch 11-11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 12 đồng, hiện ở mức: 24.014 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.164 đồng. Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 24.337 đồng – 26.899 đồng.
Giá xăng dầu bật tăng. Giá dầu Brent tương lai tăng 1,42 USD, tương đương 1,8%, lên mức 81,43 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 1,43 USD, tương đương 1,9%, lên mức 77,17 USD.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 11-11 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.614 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 23.929 đồng/lít; Dầu diesel không quá 21.940 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 22.305 đồng/lít; Dầu mazut không quá 16.240 đồng/kg.
Các ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Biểu lãi gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tháng 11 cho thấy lãi suất huy động tiếp tục giảm, với mức giảm phổ biến từ 0,1% - 0,5%. Việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động được kì vọng sẽ tiếp tục là tiền đề để các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dịp cuối năm.
Khảo sát ở một số ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động phổ biến cho kì hạn 12 tháng từ 5 - 6%, giảm mạnh so với mức 9 - 10% hồi đầu năm. Nhiều ngân hàng hạ mức lãi suất huy động xuống còn thấp hơn thời điểm dịch COVID-19.
Hoàng An (TH)