Giá vàng thế giới ổn định với vàng giao ngay giảm 1 USD xuống 1.912,2 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.948,9 USD/ounce, giảm 1,7 USD so với rạng sáng trước đó.
Giá vàng miếng trong nước biến động nhẹ, duy trì trên 67 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,65 triệu đồng/lượng mua vào và 67,35 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự nhưng bán ra thấp hơn 50.000 đồng so với khu vực Hà Nội. Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng thu mua mức 66,7 triệu đồng/lượng và bán ra 67,32 triệu đồng/lượng. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 66,75 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên mức giá ở chiều mua nhưng giảm 50.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng trước đó.
Đồng USD đã tăng trở lại vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố cho thấy mức tăng vừa phải vào tháng trước, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,14%, đạt mốc 102,63. Đồng bạc xanh đã leo lên mức cao nhất trong 5 tuần so với đồng yên Nhật là 144,735, và chốt phiên giao dịch ở mức tăng 0,7%, đạt mốc 144,71 yên. Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng 10,4% so với đồng yên Nhật.
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 10-8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 5 đồng, hiện ở mức: 23.826 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 24.967 đồng. Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ ở mức: 24.833 đồng – 27.446 đồng.
WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 2 năm tới. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và sẽ mạnh lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Tuy nhiên sẽ có sự chững lại. Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn đứng vững, với tốc độ tăng 6% so cùng kỳ năm 2022, tuy có giảm nhẹ xuống dưới mức tăng trước đạt dịch là 7% hồi năm 2019.
Chỉ số CPI dự kiến tăng nhẹ từ mức bình quân 3,1% trong năm 2022 lên bình quân 3,5% trong năm 2023. Tác động giảm phát khi tăng trưởng chững lại và chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được triển khai trong nửa cuối năm 2023 là đủ đề bù lại cho đợt tăng lương công chức 20,8%. Lạm phát CPI sẽ được bình ổn ở mức 3% trong năm 2024 và 2025 trên cơ sở kỳ vọng giá năng lượng và thương phẩm sẽ ổn định trong năm 2024.
Hoàng An (TH)