Giá vàng thế giới rạng sáng nay tiếp đà giảm với vàng giao ngay giảm 2,5 USD xuống 1.888,9 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.919,1 USD/ounce, giảm 9,2 USD so với rạng sáng trước đó. Vàng thế giới tiếp tục giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng khi lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng sau biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đã được chiều chỉnh tăng 50.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 66,9 triệu đồng/lượng mua vào và 67,65 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM vàng thương hiệu này đang mua vào thấp hơn 50.000 đồng nhưng bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 67 triệu đồng/lượng mua vào và 67,62 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 50.000 đồng ở cả 2 chiều. Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 66,95 triệu đồng/lượng mua vào và 67,55 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng trước đó.
Đồng USD dao động quanh mức cao nhất trong hai tháng vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách vừa qua, để ngỏ khả năng tăng lãi suất nhiều hơn, đồng thời dữ liệu trong tuần này cũng chứng minh rằng, nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giữ nguyên ở mốc 103,42.
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 17-8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 33 đồng, hiện ở mức: 23.951 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.098 đồng. Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ ở mức: 24.735 đồng – 27.339 đồng.
Evergrande đệ đơn xin phá sản. Theo Reuters, tập đoàn bất động sản China Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15, cho phép tòa án về phá sản của Mỹ công nhận một thủ tục phá sản hoặc tái cơ cấu nợ liên quan đến nước ngoài. Phá sản theo Chương 15 trao cho các chủ nợ nước ngoài quyền tham gia vào các vụ phá sản của Mỹ và cấm phân biệt đối xử đối với các chủ nợ nước ngoài đó.
Evergrande từng vỡ nợ năm 2021, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, dẫn đến hàng nghìn ngôi nhà chưa hoàn thành trên khắp nước này. Ước tính hiện Evergrande đang nợ khoảng 2.437 tỷ Nhân dân tệ (340 tỷ USD) - tương đương 2% GDP Trung Quốc. Việc Evergrande đệ đơn xin phá sản được diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang nhưng bộ phận khác của nền kinh tế nước này khi tăng trưởng chậm lại.
Hoàng An (TH)