Giá vàng thế giới rạng sáng nay tiếp tục tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 2,9 USD lên 1.897,2 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.926,0 USD/ounce, tăng 2,3 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng miếng trong nước biến động nhẹ. Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội được niêm yết ở mức 66,9 triệu đồng/lượng mua vào và 67,7 triệu đồng/lượng bán ra (giữ nguyên giá so với hôm qua). Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào thấp hơn 50.000 đồng nhưng bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch ở mức 67,05 triệu đồng/lượng mua vào và 67,67 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng trước đó, giá vàng SJC đồng loạt tăng 100.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán. Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 66,95 triệu đồng/lượng mua vào và 67,60 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng ở chiều mua và 50.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua.
Đồng USD tăng trở lại, gần mức cao nhất trong hai tháng, khi các nhà giao dịch đang chờ đợi Hội nghị chuyên đề Jackson Hole sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,31%, đạt mốc 103,61. Chỉ số DXY tăng sát mức cao nhất trong hai tháng là 103,68, đạt được vào tuần trước do những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và đặt cược lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao đã nâng đồng bạc xanh lên.
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 22-8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 11 đồng, hiện ở mức: 23.886 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.030 đồng. Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ ở mức: 24.736 đồng – 27.340 đồng.
Tín dụng 7 tháng tăng 4,56%. Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp" sáng 22/8, để cùng bàn về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Mức tăng trưởng 4,56% của tín dụng đến cuối tháng 7 là khá thấp, chưa bằng một nửa so với mức 9,5% của cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do những khó khăn chung về kinh tế thế giới khiến nhu cầu vốn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp giảm sút.
Sau một thời gian khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả với ngân hàng khi chi phí đầu vào tăng, còn đơn hàng, doanh thu giảm. Do đó các ngân hàng cũng gặp khó trong việc đánh giá hiệu quả cho vay, vì họ cũng không được hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Hoàng An (TH)