Những ngày này, dư luận đang bàn luận nhiều đến câu chuyện "thương mại hóa dâng sao, giải hạn". Xảy ra tình trạng này là do phần đông người dân chưa có sự hiểu biết đầy đủ. Tích thiện, làm phúc, làm điều tốt thì may mắn sẽ đến. Lấy lành tránh dữ thì hạn xấu tiêu trừ.
Những người làm những việc tốt ấy, họ rất đỗi bình dị. Đó là chị Đỗ Thị Lan và chị Nguyễn Thị Minh, là hai nhân viên gác chắn đường sắt trên đường Nguyễn Thành Phương, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khi phát hiện bà cụ Phan Thị Cẩm (77 tuổi), cố tình đi qua chắn và bất ngờ vấp té nằm vắt ngang đường ray khi đoàn tàu hướng Bắc - Nam đang đến cách khu vực trên khoảng 30 mét, hai chị đã kịp băng ra kéo bà cụ vào lề đường, giúp cụ thoát chết trong gang tấc. Ban Thi đua khen thưởng, Ủy ban nhân dân, Ban An toàn Giao thông Đồng Nai, Công ty Cổ phần đường sắt Sài Gòn đã kịp thời trao bằng khen và trao tiền thưởng hai nữ nhân viên này. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã gửi thư khen hai nữ nhân viên đường sắt dũng cảm.
Người đã trả lại 102 triệu cho người nhà bệnh nhân ở bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) là chị Trần Tuyết Oanh (46 tuổi, ngụ ấp 4, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, nhân viên vệ sinh của bệnh viện). Người phụ nữ này cần mẫn với công việc dọn dẹp vệ sinh ở bệnh viện trong suốt 10 năm qua. Chị thường xuyên nhặt được của rơi và trả lại người bệnh, khi thì là giấy tờ cá nhân, điện thoại hoặc vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Với số tiền quá lớn, hơn 100 triệu đồng chị Tuyết Oanh không ngần ngại trả lại cho người mất chỉ vì "bản thân từng đánh mất chỉ 200.000 đồng đã thấy tiếc đứt ruột rồi, đằng này số tiền người bệnh đánh mất quá lớn, chắc họ sẽ đau khổ lắm, nên nếu trả lại được cho họ là thấy vui lắm rồi".
Trái ngược với cảm giác về những câu chuyện tốt vừa nêu, dư luận thực sự có cảm giác nhức nhối trước hình ảnh người dân ngồi tràn xuống vỉa hè ở cổng chùa Phúc Khánh (Hà Nội) dâng sao, giải hạn. Hình ảnh đặc kín người dự các buổi lễ dâng sao, giải hạn cũng không phải hiếm gặp tại các đền, chùa lớn trong những ngày đầu Xuân mới này.
Ngoài khía cạnh về sự thương mại hóa như nhiều người đã phân tích, ở đây còn là quan niệm sống. Dường như con người đang thiếu niềm tin về những điều tốt đẹp trong chính bản thân mình và trong cộng đồng. Trong khi đó, trong cuộc sống của chúng ta, không ít người dù tuổi cao, sức yếu vẫn ngày đêm miệt mài tham gia công việc thiện nguyện; có người dù nghèo vẫn nhường manh áo ấm, nhường tấm bánh mì với người khó khăn hơn mình.
Nhiều người đi dâng sao, giải hạn là theo tâm lý đám đông. Theo giáo lý nhà Phật, từ trong ý nghĩ, trong tâm tính và trong hành động đều nghĩ đến điều thiện, chính là cách tiêu trừ hạn xấu hiệu quả nhất. Từ xưa đến nay, cha ông ta cũng luôn răn dạy mỗi chúng ta phải nỗ lực làm những điều tốt đẹp, làm việc lành, tránh việc ác, giúp đỡ người, không hại người, sống tích cực...
Có một câu ngạn ngữ như thế này: “Khi bạn quay lưng về phía mặt trời, bạn chỉ nhìn thấy cái bóng của mình”. Khi đối mặt với khó khăn, mỗi chúng ta thay vì than vãn, thất vọng, chỉ trích... hãy nỗ lực để làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy quay mặt về phía mặt trời, để bóng tối ở sau lưng chúng ta. Hãy gieo mầm việc thiện, để gặt hái quả ngọt tốt lành./.
Mai Hồng/VOV