Thời gian qua, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận, Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các cơ quan, Khoa giáo viên đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Phần lớn giảng viên khoa học xã hội và nhân văn đã nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận trong giảng dạy và đã có ý thức tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu. Nhiều giảng viên đã chủ động trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng đấu trang tư tưởng, lý luận, từ đó vận dụng linh hoạt vào bài giảng; thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực, "đảo chiều", khuyến khích phát triển tư duy độc lập và tư duy phản biện cho học viên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giảng viên khoa học xã hội và nhân văn chưa thực sự chú trọng đến việc bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận, dẫn đến quá trình giảng dạy mang tính một chiều, nội dung mang tính hàn lâm, thiếu tính thực tiễn và chưa thể hiện rõ tính đấu tranh tư tưởng, lý luận; chưa tạo được môi trường tranh luận sôi nổi trong lớp học. Điều này phần nào hạn chế khả năng rèn luyện kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận cho cả giảng viên và học viên.
Về nội dung giảng dạy, mặc dù đã có những nỗ lực trong việc cập nhật, bổ sung kiến thức mới, song vẫn còn tình trạng một số chuyên đề bài giảng chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề nóng trong xã hội. Điều này dẫn đến việc giảng viên đôi khi gặp khó khăn trong việc giải đáp thỏa đáng các thắc mắc của học viên về những vấn đề thời sự, nhạy cảm.
Từ thực tiễn và yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay, việc bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị hiện nay là tất yếu khách quan, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị hiện nay.
Trước hết, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cùng các cơ quan chức năng trong Học viện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Xây dựng và ban hành các văn bản quy định cụ thể về trách nhiệm của từng bộ phận, lực lượng trong bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho giảng viên khoa học xã hội và nhân văn. Thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của toàn thể cán bộ, giảng viên trong Học viện.
Các khoa khoa học xã hội và nhân văn trong Học viện cần chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giảng viên về phương pháp, kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận hiệu quả trong giảng dạy cho các đối tượng. Thông qua các buổi sinh hoạt học thuật, tọa đàm chuyên đề ở cấp Khoa và liên khoa để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tài liệu, cùng nhau nghiên cứu những vấn đề lý luận mới nảy sinh. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ này của bộ môn, giảng viên. Đối với giảng viên, cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong tự bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn. Thường xuyên chủ động đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy; tăng cường tương tác với người học, khuyến khích tư duy phản biện để nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng ngay trong quá trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, Học viện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi cán bộ, giảng viên trong Học viện đều nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn. Các phương tiện truyền thông nội bộ như bản tin, trang web của Học viện cần có chuyên mục riêng về công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận để kịp thời cập nhật thông tin, định hướng dư luận.
Thứ hai, xây dựng môi trường sư phạm thuận lợi tạo động lực thúc đẩy bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị hiện nay.
Trước hết, Học viện cần xây dựng và duy trì một môi trường sư phạm mang tính nhân văn, cởi mở, dân chủ, khuyến khích tự do tư tưởng và tranh luận học thuật; tạo lập mạng lưới kết nối giữa các giảng viên trong và ngoài Học viện. Học viện nên tạo cơ hội cho giảng viên tham gia các hoạt động thực tế, tiếp xúc với các vấn đề nóng của xã hội. Điều này sẽ giúp giảng viên có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về các vấn đề lý luận và thực tiễn, từ đó nâng cao khả năng phân tích, lập luận trong giảng dạy. Bổ sung xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp, đây chính là hành lang pháp lý, động lực quan trọng để giảng viên trẻ an tâm công tác, phát huy cao nhất trách nhiệm chính trị của mình trong nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận; có tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng về năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên. Theo đó, Học viện cần có chính sách khen thưởng hợp lý, khuyến khích kịp thời những giảng viên có bài giảng có tính thuyết phục cao, đấu tranh trực diện với từng quan điểm sai trái, thù địch nên được ghi nhận, tôn vinh kịp thời, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong toàn Học viện.
Việc gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy cũng cần được chú trọng, tạo cơ hội cho giảng viên áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn giảng dạy. Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. Việc trang bị các phòng học thông minh, thư viện điện tử với nguồn tài liệu phong phú, cập nhật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, cần đảm bảo môi trường làm việc thoải mái, dân chủ, cởi mở để giảng viên có thể tự do trao đổi, tranh luận về các vấn đề học thuật. Việc tổ chức các buổi kiểm tra giảng, dự giờ; tổ chức các cuộc thi, hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo sân chơi để giảng viên thể hiện những ý tưởng mới, sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức và đấu tranh tư tưởng, lý luận, từ đó có động lực để hoàn thiện bản thân.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, công bố các công trình nghiên cứu có giá trị là biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực tư duy lý luận. Học viện cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để giảng viên thực hiện các đề tài nghiên cứu. Việc gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy sẽ giúp giảng viên không ngừng đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận trên giảng đường. Cùng với đó, lãnh đạo Học viện cần gương mẫu đi đầu trong việc khuyến khích đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy. Cần tạo cơ chế để ghi nhận, tôn vinh những giảng viên có đóng góp xuất sắc trong công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, từ đó tạo động lực cho toàn thể đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo của Học viện trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, tích cực hóa nhân tố chủ quan của giảng viên nhằm bồi dưỡng năng lực đấu tranh tưởng, lý luận trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị hiện nay.
Đây là biện pháp đóng vai trò then chốt trong nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn tại Học viện Chính trị hiện nay. Trước hết, cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi giảng viên đối với sứ mệnh giáo dục, đào tạo của Học viện. Mỗi giảng viên cần nhận thức sâu sắc rằng việc nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận không chỉ là yêu cầu về chuyên môn mà còn là trách nhiệm chính trị; là vinh dự lớn lao đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Học viện Chính trị trong tình hình mới.
Giảng viên cần tích cực, chủ động, tự giác nâng cao trình độ tri thức toàn diện; nỗ lực tự học tập, tự nghiên cứu, rèn luyện, thường xuyên trau đồi, tự bồi dưỡng kinh nghiệm và dũng khí đấu tranh tư tưởng, lý luận để có kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực, luận cứ sắc bén khi đấu tranh tư tưởng, lý luận; hình thành cho bản thân khả năng tự đề kháng, không hoang mang, dao động trước mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Giảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về những nội dung cơ bản, giá trị và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận, giảng viên cần chủ động nắm bắt, xem xét những vấn đề mới nảy sinh, còn vướng mắc mà lý luận chưa giải quyết hoặc những vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn. Tùy theo tính chất của từng nội dung, luận điểm cần đấu tranh bảo vệ mà người giảng viên trong quá trình giảng dạy các môn khoa học xã hội nhân văn vừa phải vạch trần quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, vừa phải sáng tạo, bổ sung phát triển những luận điểm thông qua mỗi chuyên đề giảng dạy, mỗi hình thức giảng dạy.
Mặt khác, giảng viên cần thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong sư phạm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tích cực rèn luyện kỹ năng viết bài đấu tranh tư tưởng, lý luận, đặc biệt, giảng viên cần tích cực tham gia Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên thường xuyên tự giáo dục, xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm cho mình; kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng chống "diễn biến hòa bình" và ngăn ngừa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, giảng viên, tích cực tham gia xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Tóm lại, Nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn tại Học viện Chính trị hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong toàn Học viện. Thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đề xuất, Học viện Chính trị sẽ nâng cao được chất lượng đội ngũ giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu các môn khoa học xã hội và nhân văn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới, từ đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Thượng tá, TS Hoàng Gia Khánh - Khoa Triết học Mác - Lênin, Học viện Chính trị, BQP
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư "Về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân", Hà Nội.
2. Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), "Chỉ thị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới", số 23-CT/TW ngày 09-02-2018.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", ngày 22/10/2018, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.
5. Cao Văn Trọng (2016), Nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng của giảng viên lý luận trong các nhà trường quân đội hiện nay, Luận án triết học, Hà Nội.