Giải pháp bồi dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên ở Hà Nội hiện nay

Thứ hai, 19/08/2024 - 14:30

Thanh niên là lực lượng đông đảo trong xã hội góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, cần phải giáo dục, rèn luyện thanh niên vừa hồng, vừa chuyên, mà để có thể làm được điều đó, để thanh niên tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp cao đẹp này thì cần phải bồi dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên ở Hà Nội, trái tim của cả nước nói riêng

1. Tầm quan trọng của việc bồi dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên ở Hà Nội hiện nay

Chính trị có từ khi xã hội phân chia thành giai cấp và xuất hiện Nhà nước. Do vậy, chính trị cũng là những quan hệ và hoạt động xã hội mang tính quy luật khách quan của xã hội có giai cấp. Chính trị trước hết và chủ yếu là quan hệ giữa các giai cấp (tương quan lực lượng giữa các giai cấp, các tập đoàn xã hội với nhau).

Chính trị là một lĩnh vực hoạt động bao trùm, thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong kinh tế, tư tưởng, khoa học, nghệ thuật. Trong xã hội còn giai cấp, chính trị lôi cuốn tất cả mọi thành viên trong xã hội vào các hoạt động xã hội và về thực chất thì không ai có thể đứng ngoài chính trị. Vì chính trị, trước hết, là quan hệ giữa các giai cấp trong vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực Nhà nước. Do đó, ý thức chính trị, điều đầu tiên cần kể đến là những hiểu biết, những nhận thức của một giai cấp nhất định về địa vị lịch sử, về đường lối, chiến lược, sách lược và những nhiệm vụ của giai cấp mình trong sự phát triển của lịch sử. Bên cạnh đó, ý thức chính trị còn thể hiện ở quan điểm giải quyết mối quan hệ giữa các lợi ích chính trị mà các giai cấp, tầng lớp xã hội đó đang theo đuổi; ở sự liên minh giai cấp, đấu tranh và hợp tác giữa các giai cấp, tầng lớp vì những yêu cầu nhất định...

Ý thức chính trị - một bộ phận của ý thức xã hội trong xã hội có giai cấp, là hệ thống quan điểm, lý luận, thái độ của một giai cấp hoặc một cộng đồng người về địa vị lịch sử, nhiệm vụ chính trị, chiến lược, sách lược của giai cấp đó trong tiến trình phát triển của lịch sử nói chung, trong phát triển của từng quốc gia dân tộc nói riêng.

Trong giai đoạn hiện nay, thanh niên là chủ nhân của thời đại và là tương lai của đất nước. Việc xây dựng những giá trị hình mẫu thanh niên không chỉ có ý nghĩa cá nhân mà còn mang ý nghĩa thời đại. Thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên ở Hà Nội nói riêng là lực lượng chủ yếu trong cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay, có nhiệt huyết, có lòng say mê học tập, nghiên cứu khoa học, năng động, sáng tạo và giàu lòng yêu nước đang ngày càng nỗ lực để phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Thời đại công nghệ thông tin, công nghệ số với sự nở rộ của các phương tiện truyền thông và các nền tảng mạng xã hội ngày nay đang ngày càng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với thanh niên ở Hà Nội hiện nay. Một mặt tạo ra những thuận lợi trong việc tìm hiểu, học hỏi và tiếp xúc nhanh với những thành tựu khoa học công nghệ, thuận lợi trong khai thác thông tin,…Tuy nhiên, cùng với thuận lợi là những nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Những thông tin trên các nền tảng mạng xã hội có những thông tin chưa được kiểm chứng đã được quay và tung lên các nền tảng mạng xã hội tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, có những trường hợp cắt ghép clip, ảnh để nhằm bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của một cá nhân hay tập thể rồi sau một thời gian báo chí chính thống vào cuộc đính chính lại thông tin thì mọi thứ có lẽ đã quá muộn. Không thể phủ nhận rất nhiều thông tin phát tán trên các nền tảng mạng xã hội bị các thế lực thù địch trong và ngoài nước khai thác sử dụng làm yếu tố để chống phá chế độ ta, mang màu sắc chính trị rõ nét tuy nhiên do một bộ phận thanh niên chưa có nhận thức sâu sắc về ý thức chính trị đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho việc chia sẻ, phát tán thông tin, đây là điều hết sức nguy hiểm cần phải có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và cả hệ thống chính trị trong việc giáo dục ý thức chính trị cho thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên ở Hà Nội nói riêng.

Hiện nay, vấn đề “Diễn biến hoà bình” đang ngày càng có những hình thái diễn ra phức tạp, khó lường mà trong đó là vấn đề an ninh phi truyền thống được đặt ra. Các thế lực thù địch phản động trong và ngoài nước đang tích cực sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chúng dùng những thủ đoạn thâm độc như đánh tráo khái niệm cho rằng công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam là “miền Bắc xâm lược miền Nam”, cho rằng đó là cuộc chiến “nồi da xáo thịt”, nói rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” chứ không phải là chiến tranh giải phóng dân tộc. Mới đây nhất, các thế lực thù địch, phản động còn lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng việc những người có chức sắc trong cộng đồng tôn giáo để bôi nhọ tôn giáo, kích động các tôn giáo với nhau, kích động những người theo và không theo tôn giáo cho rằng Đảng, Nhà nước ta đàn áp tôn giáo,…Những điều này đã tác động rất lớn đến thanh niên. Chính vì vậy vấn đề giáo dục ý thức chính trị cho thanh niên lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong đó, pháp luật là tối thượng, nhân phẩm, tính mạng con người là bất khả xâm phạm. Quyền con người được đề cao, quyền công dân được ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên nói chung và thanh niên ở Hà Nội nói riêng vẫn chưa thực sự ý thức đuợc điều này, vẫn còn thờ ơ với những hoạt động chính trị - xã hội của đất nước, vẫn chưa tuân thủ pháp luật, vẫn còn những biểu hiện thách thức các cơ quan chức năng, vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, nhà trường, xã hội và với chính bản thân mình nên đã sa vào những tệ nạn xã hội. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” chỉ rõ: “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp”1, Văn kiện Đại hội X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, của Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá: “Một số ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, lệch lạc về quan điểm sống, dễ bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không lành mạnh, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Không ít sinh viên thiếu ý chí phấn đấu, không tích cực học tập, thiếu kỹ năng thực hành xã hội, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động sau khi ra trường”2. Vì vậy, việc giáo dục ý thức chính trị cho thanh niên ở Hà Nội hiện nay là hết sức quan trọng nhằm giúp định hướng về tư tưởng cho thế hệ trẻ, đào tạo ra được những con người vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Giải pháp bồi dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên ở Hà Nội hiện nay- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Một số giải pháp bồi dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên ở Hà Nội hiện nay

Một là, cần tích cực tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong công tác bồi dưỡng, giáo dục ý thức chính trị cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng. Đây phải được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tiên, cần phải chú trọng đến việc “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh đó, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”3 để từ đó các cấp chính quyền địa phương có những phương án giáo dục, bồi dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên ở Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội cần kết hợp với gia đình và toàn xã hội trong việc tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ngày 24-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên. Thứ hai, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. Thứ tư, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho thanh niên. Thứ năm, phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, cần tạo ra môi trường chính trị lành mạnh ở các trường đại học, cao đẳng cùng với những trung tâm văn hoá, câu lạc bộ của thanh niên để từ đó góp phần quan trọng vào bồi dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên hiện nay. Đầu tiên cần phải phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, cần chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên, đây là một trong những vấn đề quan trọng cso ý nghĩa thiết thực nhằm xây dựng môi trường chính trị ở các trường cao đẳng, đại học lành mạnh, trong sạch tác động đến tư duy, tình cảm và ý thức của mỗi thanh niên. Phát huy dân chủ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên phải được thể hiện ở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; ở nội quy, quy định của nhà trường một cách cụ thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu và lợi ích hợp pháp của thanh niên, tạo ra những động lực thúc đẩy phong trào thi đua học tập vì ngày mai lập nghiệp, phát huy được vai trò làm chủ, tích cực, tự giác của mọi cán bộ, giảng viên và thanh niên trong trường, huy động mọi tiềm năng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chuyển hóa tích cực quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của sinh viên.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên. Cần phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để từ đó có những đánh giá, nhận định về ý thức chính trị của thanh niên, kịp thời có những chấn chỉnh, uốn nắn nếu như thấy có dấu hiệu, biểu hiện lệch lạc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cần tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước ta thực sự “vừa hồng, vừa chuyên” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”; cần làm tốt hơn nữa “công tác giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”4.

Bốn là, cần nâng cao hơn nữa chất lượng bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thanh niên mà trọng tâm là các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm chính trị, trường chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nôi.

Cần phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giáo dục ý thức chính trị cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Triển khai Kết luận số 94-KL/ TW, ngày 28-3-2014, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, các trường đại học, cao đẳng cần có biện pháp tổ chức giảng dạy, học tập phù hợp để việc học thực chất, hiệu quả, người học được trang bị những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lê- nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có nhận thức và niềm tin chính trị đúng đắn. Trước hết, nội dung giáo dục lý luận chính trị cần phải gắn giữa lý luận với thực tiễn, thường xuyên cập nhật những lý luận và tổng kết thực tiễn cho phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chính trị, các môn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch nhằm tạo ra môi trường chính trị giúp thanh niên có những phương pháp nhận diện và đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc.

Bên cạnh đó cũng cần phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên thực hiện nội dung về bồi dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên. Đây là vấn đề quan trọng cần phải có sự định hướng, có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Năm là, cần phát huy tính tích cực, chủ động của thanh niên thành phố Hà Nội trong việc học tập, tự bồi dưỡng, nâng cao ý thức chính trị cho bản thân, tích cực tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền pháp luật đến nhân dân, nhận diện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của cácthees lực thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới hiện nay.

Kết luận

Bối dưỡng ý thức chính trị cho thanh niên ở Hà Nội hiện nay là vấn đề hết sức cấp bách, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Muốn phát triển nhanh, mạnh và bền vững đất nước, muốn có một nền chính trị ổn định thì cần phải có sự chung tay, vào cuộcc ủa toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Cần phải phát huy vai trò của thanh niên trong công tác giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền, cổ động cho các hoạt động mang màu sắc chính trị để từ đó dần dần giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói chung và thanh niên ở Hà Nội nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Trần Phúc Quyết Thắng - Lớp K69A Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

CHÚ THÍCH:

1. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”.

2. Hội Sinh viên Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hà Nội, 2018, tr. 23.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2021, t. I, tr. 168

4. Xem: Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Báo điện tử Chính phủ, ngày 15-12-2022, https://baochinhphu.vn/toan-vanphat-bieu-cua-tong-bi-thu-taidai-hoi-doan-toan-quoc-lan-thuxii-102221215163712032.htm

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”.

2. Hội Sinh viên Việt Nam (2018), Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội.

4. Xem: Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Báo điện tử Chính phủ, ngày 15-12-2022, https://baochinhphu.vn/toan-vanphat-bieu-cua-tong-bi-thu-taidai-hoi-doan-toan-quoc-lan-thuxii-102221215163712032.htm