Giải pháp cho công tác ứng dụng giáo dục công nghệ thời kỳ 4.0

Thứ sáu, 20/12/2019 - 14:26

TNV - “Giáo dục thông minh” hay “Giáo dục 4.0” đã và đang ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến giáo dục đại học nói chung, giáo dục lý luận chính trị (GDLLCT) nói riêng để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động mới. Trên cơ sở tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT), nhiều cơ sở giáo dục đại học trên thế giới đã và đang đổi mới toàn diện và theo đó “Giáo dục 4.0” - Mô hình phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Giáo dục thời kỳ 4.0

Từ những yêu cầu đặt ra đối với GDLLCT trong các trường đại học dưới tác động của nền giáo dục 4.0, để có thể đổi mới hoạt động này trong thời gian tới, thiết nghĩ cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp mang tính đột phá sau:

Thứ nhất, về nội dung GDLLCT. Hiện nay chủ trương tách môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trả lại thành ba môn học như trước (Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, CNXH khoa học) là phù hợp với thực tiễn khách quan vì mặc dù đều chứa đựng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, song vốn dĩ nó là ba môn học thuộc ba bộ môn khoa học khác nhau nên có đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu riêng.

Thứ hai, về chương trình GDLLCT. Do tính khái quát hóa, trừu tượng hóa của triết học rất cao, nên hầu hết sinh viên đều thấy khó tiếp thu và hiểu được bản chất vấn đề khi học tập môn Triết học Mác - Lênin (vì nó được bố trí học ngay từ học kỳ đầu tiên trong chương trình đại học, cao đẳng đối với khối không chuyên về khoa học xã hội) trong khi sinh viên mới bước vào trường đại học chưa có sự trải nghiệm thực tiễn nhiều, chưa có phương pháp học tập khoa học. Do vậy, để bảo đảm tính lôgíc trong quy luật nhận thức “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng” của sinh viên, trong thiết kế nội dung, xây dựng chương trình GDLLCT nên bố trí cho sinh viên học những môn có tính thực tiễn cao, tính lý luận thấp trước, sau đó dần dần giảm tính thực tiễn và tăng tính lý luận ở những môn học sau sẽ hiệu quả hơn.

Thứ ba, về phương pháp GDLLCT. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu, song thực tế hiện nay đa số sinh viên các trường (nhất là sinh viên năm đầu) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phương pháp học tập, nghiên cứu ở bậc đại học, cao đẳng. Trong khi đó, trong chương trình đào tạo nói chung, chương trình GDLLCT nói riêng của các nhà trường thì nội dung này mới chỉ lồng ghép vào phần mở đầu của mỗi môn học, bài học chứ hầu như chưa bố trí đưa vào chương trình đào tạo chính. Do vậy, để bảo đảm trang bị cho sinh viên phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học phù hợp, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên trong môi trường giáo dục 4.0 thì nên đưa môn học “Phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học” vào chương trình GDLLCT và thực hiện ở ngay học kỳ đầu tiên của chương trình đào tạo đại học, cao đẳng.

Thứ tư, về hình thức thi đánh giá kết quả GDLLCT. Theo nguyên tắc thi thế nào sẽ học thế nấy, hơn nữa chất lượng và hiệu quả GDLLCT thường được thể hiện qua kết quả thi của từng học phần, tín chỉ. Nếu như trước đây việc tổ chức thi chủ yếu để đánh giá kiến thức mà học viên, sinh viên thu lượm được, thì ngày nay các kỹ năng cần thiết (nhất là các kỹ năng mềm và kỹ năng về CNTT) để sinh viên tốt nghiệp có thể hoàn thành nhiệm vụ theo chuyên môn được đào tạo chính là vấn đề cần được quan tâm và chú trọng để tạo ra đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GDLLCT. Để đánh giá kiến thức và kỹ năng về LLCT của sinh viên một cách toàn diện, cần chuyển đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm khách quan hoặc kết hợp trắc nghiệm với tự luận thông qua việc sử dụng các phần mềm ứng dụng CNTT, hệ thống máy tính kết nối mạng LAN hoặc internet, các phòng thi bằng máy vi tính

Thứ năm, về bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ GDLLCT. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu rất cao đối với nguồn nhân lực, trong đó sinh viên các trường đại học, cao đẳng là lực lượng chủ yếu để bổ sung cho nguồn lực này. Trong khi đó, môi trường đại học thông minh chính là nơi học tập, nghiên cứu, thử nghiệm của nguồn nhân lực chất lượng cao, mà với môi trường đại học thông minh thì CNTT là yếu tố cốt lõi, cơ bản nhất. Do vậy, để có thể ứng dụng CNTT vào hoạt động GDLLCT một cách hiệu quả, bảo đảm sự tương tác, trao đổi thông tin giữa giảng viên - giảng viên, giữa giảng viên - sinh viên, giữa sinh viên - sinh viên được thường xuyên, đầy đủ, kịp thời và bảo đảm tổ chức triển khai hoạt động GDLLCT được thông suốt thì mỗi nhà trường nên kịp thời đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT (internet, wifi, thiết bị phần cứng, camera, cảm biến...) cho phù hợp, hiện đại, đồng bộ để có thể kết nối vạn vật, dạy - học online, hội thảo trực tuyến... trước hết trong từng khoa, từng trường.

Trong xây dựng cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ cho hoạt động GDLLCT cần chú trọng phát triển hệ thống sách điện tử, kho dữ liệu số để đồng bộ với hệ thống CNTT nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác cơ sở dữ liệu, sách điện tử cho người học, ngoài những công cụ mạnh hiện đang sử dụng và phát huy tác dụng như internet, truyền hình, phát thanh, báo chí... cũng cần quan tâm xây dựng và phát huy tác dụng của các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twi74tter,... để vừa bảo đảm tính đa dạng trong công cụ tuyên truyền, vừa tranh thủ được sức mạnh lan tỏa của các mạng xã hội hiện đang rất thịnh hành, phát triển ở cả trong và ngoài nước.

Như vậy, nền giáo dục 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến môi trường đại học, nó đặt ra những yêu cầu mới cho GDLLCT trong các trường đại học (với chức năng định hướng tư tưởng - chính trị, hướng nghiệp, củng cố đạo đức cách mạng cho cán bộ, giảng viên, nhất là sinh viên...) nhằm góp phần xây dựng ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, bản lĩnh dân chủ, kỹ năng cần thiết cho mỗi sinh viên, giúp họ hoàn thiện nhân cách để trở thành những chủ nhân của đất nước, những “công dân toàn cầu” trong tương lai không xa.

PV