Quán triệt và thực hiện nghiêm túc định hướng trên, những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh không ngừng mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, những năm qua, Đoàn luôn xác định rõ phương châm cơ bản xây dựng tổ chức Đoàn: "Chất lượng cơ sở là trọng tâm; cán bộ là then chốt; đoàn kết, tập hợp thanh niên là nhiệm vụ hàng đầu". Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc XII nhiệm kỳ 2022-2027 xác định, toàn Đoàn tập trung xây dựng Đoàn vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và hành động, xác định phương châm "chất lượng tổ chức cơ sở đoàn là trọng tâm, công tác cán bộ đoàn là then chốt". Thực hiện đồng bộ các giải pháp, xác định xây dựng cơ sở đoàn vững mạnh là khâu đột phá. Nhất quán, kiên trì phương châm phải nắm vững nguyên tắc, bám sát thực tiễn nhưng phải linh hoạt, phù hợp với yêu cầu đổi mới.
Đoàn, Hội chỉ có thể thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình, tác động mạnh mẽ tới đông đảo thanh niên khi khả năng tập hợp, đoàn kết thanh niên của Đoàn, Hội luôn ở mức cao, ổn định. Điều đó có nghĩa, Đoàn, Hội phải có khả năng huy động, thu hút được đông đảo thanh niên tham gia vào các hoạt động phong trào, xây dựng và thực hiện các mô hình do Đoàn phát động, thông qua đó tiến hành giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện cho thanh niên về mọi mặt. Phát huy sức lực, trí tuệ của thanh niên vào giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ của xã hội đặt ra. Cũng có thể nhận định rằng, khả năng tập hợp, đoàn kết thanh niên của Đoàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những thành tích, chất lượng, hiệu quả trong thực hiện công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh niên, trong xây dựng các phong trào hoạt động Đoàn, Hội.
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo thường xuyên của Trung ương Đoàn, tổ chức Đoàn, Hội các cấp đã bước đầu chú trọng tới việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, linh hoạt, sáng tạo trong cách tổ chức thực hiện, thường xuyên có những ý tưởng mới, mô hình hoạt động hay nhằm tập hợp, thu hút thanh niên tham gia. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn chỉ rõ rằng, khả năng tập hợp, đoàn kết đông đảo thanh niên của Đoàn, Hội chưa cao, thiếu tính bền vững. Nói cách khác, các hoạt động của Đoàn, Hội chưa "đủ sức" hấp dẫn để tập hợp, thu hút được đông đảo thanh niên tham gia một cách tự giác, nhiệt tình và có trách nhiệm. Vì thế mới có tình trạng, một số không nhỏ thanh niên "đứng ngoài" các hoạt động, phong trào Đoàn, Hội. Đề cập tới một nguyên nhân quan trọng, cốt lõi, đó cũng là hạn chế của Đoàn trong suốt thời gian vừa qua. Đó chính là Đoàn, Hội chưa có nhiều những mô hình hoạt động thực sự mới mẻ, hấp dẫn, còn thiếu những ý tưởng sáng tạo, cách làm linh hoạt trong tổ chức, triển khai các hoạt động phong trào. Đặc biệt, Đoàn, Hội chưa kịp thời nắm bắt được chính xác và đầy đủ những nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, chưa hướng hoạt động Đoàn vào những nội dung thiết thực đang đặt ra với thanh niên.
Hiện nay, trong thanh niên đang tồn tại nhiều mô hình kết nối thanh niên với nhau, tạo thành những cộng đồng xã hội mà thanh niên là những người vận hành, tham gia và phát triển chúng (những đội nhóm thanh niên tự phát). Những mô hình này đã góp phần quan trọng trong công tác kết nối, tập hợp đoàn kết thanh niên trong và ngoài nước, cả ngoài đời thực và trong thế giới mạng. Nhiều mô hình mang tính tự phát của thanh niên. Có những mô hình hoạt động hiệu quả với phương châm tích cực song cũng có những mô hình hoạt động chưa hiệu quả và thiếu sự quản lý.
Chính vì thế, với vai trò là người dẫn dắt, định hướng hoạt động, Đoàn Hội cần có những giải pháp để hỗ trợ, định hướng hoạt động cho những mô hình đội nhóm này, đồng thời phải thể hiện rõ nét hơn vai trò của mình trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên thông qua các mô hình kết nối xã hội của thanh niên, giúp thanh niên hoạt động một cách tích cực.
Nhóm tự phát thuộc loại nhóm không chính thức. Và theo quan điểm nghiên cứu trong phạm vi đề tài này, nhóm tự phát được xem xét là những nhóm có quy mô nhỏ. Trên thực tế, các nhóm không chính thức tồn tại gần như lẽ dĩ nhiên đồng thời với các nhóm chính thức. Thậm chí trong cùng một tổ chức chính thức, có những nhóm được hình thành một cách chính thức và có những nhóm được hình thành dưới dạng không chính thức. Trong các tài liệu, nhiều người nhất trí rằng, hai loại nhóm chính thức và không chính thức tồn tại và bổ sung cho nhau (Monge & Eisenberg, 1987; Groat, 1997) hoặc thậm chí đan xen nhau đến mức khó có thể phân biệt được (Mintzberg, 1983). Hiện nay, có một số thuật ngữ về "Nhóm tự phát" được dùng với ý nghĩa tương đương hoặc thay thế nhau như: Nhóm tự phát; nhóm tự tổ chức; nhóm tự thành lập; nhóm tự tập hợp; nhóm không chính thức... Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề sau đây:
Các nhóm xã hội dù được tập hợp một cách chính thức hay tự phát đều có cho mình mục đích hoạt động làm động lực để tập hợp nhau lại (mục đích để làm từ thiện, tham gia hoạt động xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, khởi nghiệp,…). Chỉ khi các thành viên hiểu được mục đích hoạt động thì họ mới tham gia vào nhóm. Những người tham gia vào nhóm hiểu được việc mình làm. Mặt khác, trong những nhóm xã hội tự phát (tự tổ chức, tự thành lập) thì đều có nhóm nòng cốt hoặc người thủ lĩnh. Nhóm nòng cốt và người thủ lĩnh giữ vai trò quan trọng trong việc tập hợp các thành viên tham gia vào nhóm.
Thanh niên là "những người trong độ tuổi từ đủ 16 đến 30, là giai đoạn đánh dấu sự phát triển và trưởng thành về sinh học, tâm lý, tình cảm". Ở lứa tuổi thanh niên, những đánh giá về vai trò và giá trị của bản thân phụ thuộc nhiều vào giá trị các nhóm xã hội mà họ là thành viên. Những nhóm này có thể là những nhóm xã hội lớn như: tôn giáo, dân tộc, bạn cùng lứa; có thể là nhóm những người cùng sở thích hay nhóm bạn cùng tán chuyện trên mạng. Theo chúng tôi, dù là nhóm thanh niên do một tổ chức hoặc một đơn vị tập hợp hoặc nhóm thanh niên tự tổ chức - tự tập hợp đều vì một mục đích nào đó.
Như vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thống nhất rằng, nhóm thanh niên tự phát (hay nhóm thanh niên tự tổ chức, tự thành lập, nhóm thanh niên không chính thức) là "những nhóm thanh niên được hợp thành trên cơ sở liên kết, quy tụ một cách tự nguyện của những thanh niên có cùng chung một hay nhiều mục đích, sở thích hoặc một đặc điểm chung, mà không chịu sự quản lý hay định hướng của một tổ chức chính thống nào cả".
Tập hợp các nhóm thanh niên tình nguyện tự phát là hoạt động có mục đích của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam nhằm đưa thanh niên vào tổ chức, định hướng hoạt động và giúp các nhóm này tham gia vào các hoạt động có lợi cho xã hội. Chủ thể của công tác tập hợp các nhóm thanh niên tự phát là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam. Trong đó, Đoàn chỉ đạo, định hướng còn Hội thực hiện. Các hoạt động tập trung của Hội LHTN Việt Nam là giúp đỡ thanh niên thể hiện tình yêu quê hương đất nước bằng các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, bằng việc tự rèn luyện bản thân thành người sống tốt, sống có nghị lực, sống có trách nhiệm. Hiện nay, các đối tượng chú ý tập hợp, vận động tham gia của Hội là các câu lạc bộ, đội, nhóm… Tuy vậy, không phải nhóm thanh niên tự phát nào Hội cũng có chủ trương và mục tiêu phải tập hợp.
2. Thực trạng hoạt động của các đội nhóm thanh niên tình nguyện tự phát hiện nay
Hình thức hoạt động của các nhóm thanh niên tình nguyện tự phát khá đa dạng, bao gồm: Hoạt động online thông qua mạng xã hội, offline ngoài đời thực hoặc kết hợp cả hai hình thức này. Trong đó, quá trình hoạt động thông qua việc kết hợp cả hai hình thức là phổ biến nhất (chiếm 70,3%) (dẫn theo Nguyễn Tuấn Anh, 2019). Mạng xã hội đã trở thành phương tiện hữu ích cho giới trẻ xây dựng, duy trì và phát triển các liên hệ xã hội, từ đó mở rộng mạng lưới xã hội. Việc tạo dựng mới hay duy trì các mạng lưới xã hội vốn có bằng việc tham gia mạng xã hội cung cấp cho giới trẻ những lợi ích về cả vật chất lẫn tinh thần. Việc tham gia các mạng xã hội đã giúp cho giới trẻ thể hiện những thái độ, quan điểm, hành vi, định hướng giá trị trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ công việc, học tập đến vui chơi giải trí (Trịnh Hòa Bình, Lê Thế Lĩnh, 2015). Hầu hết các nhóm tình nguyện tự phát đều có những hoạt động thực tiễn trong đời sống thực chứ không chỉ dừng lại ở kênh trực tuyến.
Kết quả khảo sát bằng phiếu hỏi kết hợp phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và tìm hiểu thực tiễn hoạt động Đoàn, Hội tại các địa bàn cho thấy có nhiều lý do khiến thanh niên mong muốn hoặc không mong muốn nhóm tự phát của mình được định hướng bởi hoạt động.
Tìm hiểu về những lý do thanh niên mong muốn các nhóm tự phát của mình được định hướng bởi Đoàn, Hội cho thấy, thanh niên kỳ vọng rằng khi được Đoàn, Hội định hướng thì: Hoạt động sẽ mang lại hiệu quả cao hơn (66,6%); hoạt động sẽ đa dạng và phong phú hơn (49,5%) và các hoạt động sẽ dễ dàng xin tài trợ, ủng hộ từ các nguồn lực xã hội hơn (43,0%).
Còn ở nhóm thanh niên không mong muốn định hướng bởi Đoàn, Hội thì lý do chính họ đưa ra là: Hoạt động bị gò bó theo các quy định chặt chẽ (61,2%); nhiều hoạt động bị hạn chế do tính chất chính trị của tổ chức (59,7%); nhiều hoạt động phải xét duyệt, bình bầu qua nhiều vòng mới được tham gia (43,3%)... Với ba lý do lớn nhất nêu trên thấy rằng, một tỉ lệ từ gần ½ đến gần 2/3 thanh niên đánh giá những lý do trên là rào cản khiến họ không mong muốn sự đồng hành và định hướng bởi tổ chức Đoàn, Hội. Đây là một kết quả đáng để Đoàn, Hội lưu tâm trong quá trình tổ chức các hoạt động nhằm tập hợp thanh niên nói chung và tập hợp các nhóm thanh niên tự phát nói riêng. Tìm hiểu về quá trình hoạt động của các nhóm tự phát cho thấy, các nhóm thanh niên tự phát này đang gặp phải những khó khăn chủ yếu gồm: Thiếu kinh phí hoạt động; khó thống nhất thời gian hoạt động; các nhóm thiếu tính pháp lý khi tổ chức hoạt động hoặc xin tài trợ; các hoạt động tổ chức nhỏ lẻ... (Nguyễn Tuấn Anh, 2019).
Các nhóm thanh niên tự phát và những thanh niên của các nhóm thanh niên tự phát là bộ phận không tách rời của thanh niên và là đối tượng tập hợp, đoàn kết của Đoàn, Hội. Kết quả khảo sát đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội cho thấy: Tuyệt đại đa số người được hỏi đều cho rằng việc nắm thông tin của các nhóm tự phát thanh niên là cần thiết (tỉ lệ chọn 98,3%). Số còn lại nghĩ rằng việc nắm thông tin này là "có cũng được và không có cũng được. Đặc biệt, không có cán bộ Đoàn, Hội nào cho rằng việc nắm thông tin của các nhóm thanh niên tự phát là không cần thiết. Kết quả này cho thấy, cán bộ Đoàn, Hội được khảo sát thể hiện sự quan tâm rất lớn đến hoạt động của các nhóm tự phát. Mặt khác, đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội rất mong muốn hiểu rõ về quá trình hoạt động của các nhóm tự phát này. Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở việc nắm thông tin, 81,7% đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội được khảo sát còn cho rằng, Đoàn, Hội cần quản lý, tổ chức, định hướng và hỗ trợ hoạt động cho các nhóm thanh niên tự phát (Nguyễn Tuấn Anh, 2019).
Khảo sát ý kiến của thanh niên và cán bộ Đoàn, Hội về những hoạt động của nhóm tự phát nên được tổ chức, định hướng bởi Đoàn, Hội cho thấy: Cả cán bộ Đoàn, Hội và thanh niên đều có xu hướng cho rằng việc quản lý và định hướng hoạt động từ phía Đoàn, Hội là cần thiết. Trong các lĩnh vực hoạt động chính của các nhóm thanh niên tự phát hiện nay, nhóm nghiên cứu nhận thấy, những hoạt động mang tính chất cộng đồng, vì xã hội thì thường có xu hướng được đánh giá cao về tính cần thiết của việc tổ chức, quản lý và định hướng bởi tổ chức Đoàn, Hội. Chẳng hạn: Hoạt động từ thiện; hoạt động bảo vệ môi trường; hoạt động giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự xã hội; hoạt động khám chữa bệnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trên thực tế, những hoạt động mang tính chất xã hội như này nếu được quản lý bởi một tổ chức chính thống chẳng hạn như Đoàn, Hội thì quá trình thực hiện, phối hợp hoạt động với các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Phải thừa nhận rằng, công tác thống kê và quản lý hoạt động của các nhóm thanh niên tự phát hiện nay còn nhiều hạn chế. Theo tìm hiểu tại các địa phương được chọn khảo sát, công tác thống kê về các nhóm tự phát gặp rất nhiều khó khăn và tại nhiều nơi tiêu chí này chưa thành một tiêu chí được thống kê hàng năm. Theo dõi bộ tiêu chí đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi do Trung ương Đoàn ban hành hàng năm cho thấy, tiêu chí thống kê này cũng không phải là tiêu chí được thống kê liên tục hàng năm.
Theo ý kiến của đại đa số thanh niên, tổ chức Đoàn, Hội đã có những hỗ trợ, giúp đỡ cho các nhóm thanh niên tự phát hoạt động tại địa phương mình, trong đó trên 1/2 thanh niên được khảo sát cho rằng, Đoàn, Hội hiện hỗ trợ, giúp đỡ được nhất nhiều; 40,8% cho rằng, sự giúp đỡ của Đoàn, Hội còn chưa đáng kể. Một tỉ lệ rất nhỏ thanh niên đánh giá rằng Đoàn, Hội không hỗ trợ, giúp đỡ được gì cho nhóm tự phát mà họ đang là thành viên. Thanh niên kỳ vọng Đoàn, Hội hỗ trợ nhiều nhất là trong lĩnh vực tài chính (47,7% ý kiến thanh niên đánh giá) và ít nhất là về mặt nhân lực (28,7% ý kiến thanh niên đánh giá). Như đã bàn ở trên, tài chính, kinh phí hoạt động là một trong những khó khăn lớn nhất luôn được nhắc đến, nói đến trong các câu chuyện hoạt động của Đoàn, Hội. Tìm hiểu thực tiễn tại nhiều địa phương (thông qua các cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, các báo cáo đánh giá hoạt động), chúng tôi nhận thấy, vấn đề tài chính cũng là vấn đề mà cả thanh niên và cả đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội tại địa phương mong mỏi được cải thiện và nâng cao trong thời gian tới. Bên cạnh tài chính, nhiều vấn đề, khía cạnh khác thanh niên cũng rất mong muốn được tổ chức Đoàn, Hội quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gồm: hỗ trợ về tư vấn, định hướng nội dung hoạt động; hỗ trợ về cơ sở vật chất; hỗ trợ về truyền thông; hỗ trợ về địa bàn không gian hoạt động; hỗ trợ về mặt pháp lý. Thiết nghĩ, dù mức độ tỉ lệ phần trăm cao thấp khác nhau song chúng tôi cho rằng, việc Đoàn, Hội quan tâm và tìm cách hỗ trợ cho thanh niên một cách toàn diện, đồng thời ở tất cả các khía cạnh, lĩnh vực là điều cũng nên được lưu ý (Nguyễn Tuấn Anh, 2019).
Cần khẳng định lại, việc Đoàn, Hội tập hợp các nhóm thanh niên tự phát là việc làm cần thiết. Nó không chỉ giúp cho sự lớn mạnh và bền vững của tổ chức mà còn đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động nào là phù hợp giữa Đoàn, Hội với các nhóm thanh niên tự phát thì cần phải xác định rõ. Đoàn, Hội không quản lý tuyệt đối nhưng Đoàn, Hội cần có cơ chế giám sát hoạt động của các nhóm này để các nhóm thanh niên tự phát này hoạt động đạt hiệu quả mang lại lợi ích xã hội. Điều này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu mà chúng tôi vừa phân tích ở trên. Bên cạnh đó, thanh niên và cả cán bộ Đoàn nhận thấy sẽ là phù hợp hơn nếu Đoàn, Hội trở thành một tổ chức đồng hành, hỗ trợ cho các hoạt động của thanh niên, thay vì đưa họ vào một tổ chức và bắt họ phải thực hiện theo mọi quy định của tổ chức.
3. Giải pháp đoàn kết, tập hợp các đội nhóm thanh niên tình nguyện tự phát
Từ thực trạng trên, tác giả đề xuất một số giải pháp gồm:
Một là, tăng cường việc quán triệt về tầm quan trọng và yêu cầu của công tác tập hợp thanh niên nói chung và các nhóm thanh niên tình nguyện tự phát nói riêng đến từng cơ sở Đoàn, Hội và đến từng đoàn viên, hội viên, thanh niên.
Hai là, Đoàn cần chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp và nhu cầu chính đáng của thanh niên và các nhóm thanh niên tự phát. Các tổ chức của thanh niên phải củng cố mối quan hệ hai chiều với đoàn viên, hội viên; xây dựng Đoàn, Hội thực sự là tổ chức của thanh niên, do thanh niên và vì thanh niên. Đoàn và Hội tổ chức các hoạt động nhằm chăm lo, hỗ trợ những sáng kiến và sáng tạo của các nhóm thanh niên tự phát trong các hoạt động cộng đồng vì xã hội.
Ba là, Đoàn và Hội đảm bảo quyền tiếp cận của các nhóm thanh niên tình nguyện tự phát. Các cấp của Đoàn và Hội cần phối hợp với các bên có liên quan để tăng cường cung cấp thông tin có định hướng cho những nhóm thanh niên tự phát.
Bốn là, tăng cường công tác chỉ đạo thống nhất và thường xuyên của Đoàn và Hội đối với những nhóm thanh niên tình nguyện tự phát. Thông qua chỉ đạo để các cấp của Đoàn và Hội tổ chức các hoạt động, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác tập hợp những nhóm thanh niên tự phát. Cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tập hợp những nhóm thanh niên tự phát. Vận động những thủ lĩnh của các nhóm thanh niên tình nguyện tự phát tham gia vào các hoạt động của Đoàn, Hội; cùng với Đoàn, Hội bàn bạc, thống nhất tổ chức triển khai các hoạt động. Khi người thủ lĩnh của các nhóm đã thống nhất với Đoàn, Hội thì việc huy động các thành viên khác của các nhóm tự phát sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Năm là, xây dựng, định hướng các nhóm thanh niên tự phát sống tử tế và có trách nhiệm. Đoàn, Hội cần hỗ trợ hoạt động từ thiện của các nhóm thanh niên tự phát để cùng với các nhóm này nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo đúng đối tượng và địa chỉ cần giúp đỡ. Định kỳ phối hợp tổ chức "Ngày hội Tình nguyện quốc gia"; "Giải thưởng Tình nguyện quốc gia".
Sáu là, có sự hỗ trợ phù hợp với từng loại hình nhóm thanh niên tự phát. Tăng cường khả năng xã hội hóa để tạo các nguồn lực hỗ trợ các nhóm thanh niên tự phát khi họ có nhu cầu. Hỗ trợ về mặt pháp lý khi các nhóm thanh niên tình nguyện tự phát có yêu cầu trong quá trình các nhóm tổ chức hoạt động tại các địa phương cần xin phép chính quyền. Đảm bảo về mặt pháp lý, liên hệ địa bàn làm tình nguyện, từ thiện cho các nhóm thanh niên tự phát để đảm bảo tính chính thống. Huy động thanh niên, đoàn viên, hội viên ở địa phương cùng tham gia vào các hoạt động từ thiện của các nhóm thanh niên tự phát để họ cảm thấy có sự kết nối với tổ chức. Tận dụng lợi thế của các nhóm thanh niên tự phát để mở rộng quy mô, phạm vi và chất lượng của các hoạt động từ thiện do Đoàn, Hội tổ chức.
Bảy là, đổi mới tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội để có phương pháp tiếp cận khách quan, khoa học đối với các đối tượng thanh niên và các nhóm thanh niên tự phát. Đổi mới phương pháp tiếp cận thanh niên từ hình thức "nói cho thanh niên biết, thanh niên bàn, thanh niên làm và thanh niên kiểm tra" sang hình thức "nói cho thanh niên hiểu biết, định hướng cho thanh niên thảo luận, tư vấn cho thanh niên làm và kiểm tra".
Tám là, Đoàn – Hội cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác để tăng cường khả năng huy động và kết nối thanh niên và các nhóm thanh niên tự phát. Đồng thời, trong các hoạt động của mình, Đoàn, Hội cũng nên tăng cường khả năng phối hợp, quy mô hoạt động để tạo ra sức mạnh lan tỏa cũng như có thêm nhiều nguồn lực trong tổ chức các hoạt động. Khi các hoạt động của Đoàn, Hội có chất lượng sẽ hấp dẫn và thu hút sự tham gia của các nhóm thanh niên tự phát.
Những giải pháp của Đoàn và Hội có mối quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau, tạo thành hệ thống giải pháp của Đoàn và Hội trong tập hợp những nhóm thanh niên tự phát.
TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu Thanh niên
Tài liệu tham khảo
Tài liệu tiếng Việt
Nguyễn Tuấn Anh (2019), Giải pháp của Đoàn, Hội trong việc tập hợp các đội, nhóm thanh niên tự phát hiện nay, Đề tài cấp Bộ năm 2019, đã nghiệm thu.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2022), Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2022-2027
Trịnh Hoà Bình, Lê Thế Lĩnh (2015), Mạng xã hội trực tuyến của giới trẻ ở đô thị hiện nay, Tạp chí Xã hội học số 1/2015.
Tài liệu tiếng Anh
Groat, M. (1997). The Informal Organization: Ride the Headless Monster. Management Accounting, 75(4), 40-42.
Mintzberg, H. (1983a). The case for corporate social responsibility. Journal of Business Strategy, 4(2), 3-15.
Monge, P. R., & Eisenberg, E. M. (1987). Emergent communication networks. In F. M. Jablin, L. L. Putnam, K. H. Roberts, & L. W. Porter (Eds.)