Nga Sơn, một huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích tự nhiên: 144,95 km2, dân số khoảng: 142.526 người, gồm 01 thị trấn và 26 xã, cơ cấu kinh tế: nông nghiệp: 51,4%, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản 19,2%, dịch vụ - thương mại 29,4%. Trên cơ sở chủ trương về cơ cấu ngành nông nghiệp, xuất phát từ thực tế khách quan và đánh giá một cách toàn diện các điều kiện về tự nhiên và kinh tế - xã hội địa phương, ngành nông nghiệp của huyện Nga Sơn những năm qua đã có bước phát triển và chuyển biến tích cực:
Trong lĩnh vực trồng trọt: Cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực; giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, giảm thiểu được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; đưa nhanh các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng, chuyển dịch dần từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng, gắn với thị trường đã góp phần tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; từng bước hướng đến sản xuất tập trung, hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; từng bước ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, phòng trừ dịch hại cho các loại cây trồng như: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Giá trị thu nhập/đơn vị diện tích là 113 triệu đồng/ha/năm (tăng 11% so với năm 2015); chỉ đạo sản xuất 88,8 ha dưa hấu, bằng 229,3% cùng kỳ, giá trị thu nhập 500triệu đồng/ha/năm; có 08 xã (Nga An, Nga Thiện, Nga Mỹ, Ba Đình, Nga Vịnh, Nga Văn, nga Yên và Nga Thạch) sản xuất cánh đồng mẫu lớn diện tích 195 ha; chỉ đạo thí điểm 6 ha vùng rau an toàn theo hướng VietGAp tại 2 xã Nga Thành và Nga Yên; ổn định diện tích cói, đầu tư thâm canh tăng nhanh diện tích cói thu hoạch 2 vụ/năm; chỉ đạo sản xuất khoai tây vụ Đông Xuân 2016 - 2017 diện tích 100,8 ha ở các xã Nga Trường, Nga Yên, Nga Trung, Nga An và Nga Thành đã đem lại hiệu quả cao; chỉ đạo thí điểm mô hình sản xuất lạc che phủ nilon ở vụ Xuân diện tích 50 ha tại xã Nga Giáp, Nga Hải, Nga Lĩnh tăng năng suất 15 - 20% đã và đang tiếp tục được nhân rộng.
Công tác chuyển đổi sử dụng, tích tụ ruộng đất nông nghiệp đã tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, đến nay trên địa bàn huyện có 731máy các loại phục vụ sản xuất; chuyển đổi từ đất 2 lúa sâu trũng sang mô hình lúa - cá và trang trại tổng hợp: đạt 120,8 ha/171,59 ha, bằng 70,4% kế hoạch; chuyển đổi từ đất lúa màu sang đất chuyên màu: đạt 111,9 ha/174,03 ha, bằng 64,3% kế hoạch; chuyển đổi từ đất cói sang trang trại tổng hợp và trồng hoa, cây cảnh: được 159,9 ha/221,17 ha, bằng 72,2% kế hoạch; chuyển đổi từ đất cói sang nuôi trồng thuỷ sản được 90,77 ha, bằng 626% kế hoạch.
Về lĩnh vực Chăn nuôi, Thú y: từng bước chuyển từ chăn nuôi thủ công sang chăn nuôi trang trại tập trung, trang trại công nghiệp. Toàn huyện có 71 trang trại đang hoạt động, trong đó 47 trang trại nuôi lợn quy mô trên 500 con/trang trại; có 24 trang trại gia cầm bình quân 4 ngàn con/ trang trại. Tổng số gia trại chăn nuôi 353 gia trại.
Đối với lĩnh vực thủy sản: đã chuyển dần từ nuôi trồng thủy sản quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh. Diện tích nuôi bán thâm canh là 30 ha; nuôi thâm canh 15 ha đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nuôi. Các xã nghề các đã tập trung đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Đến nay trên địa bàn toàn huyện có 232 phương tiện.
Về cải tạo vườn tạp: tổng diện tích vườn toàn huyện 1.053 ha, trong đó đã cải tạo được 271,63 ha. Đến nay trồng được 131.201 cây ăn quả các loại.
Nhiều nhà vườn thực hiện có hiệu quả phương châm canh tác “Lấy ngắn nuôi dài” theo mùa vụ đem lại thu nhập khá. Hiện nay nhiều nhà vườn có sản phẩm hàng hóa chất lượng bán ra thị trường ngoài tỉnh. Giá trị thu từ kinh tế vườn đạt 300 - 400 triệu đồng 01ha/năm. Riêng bưởi diễn, thanh long ruột đỏ có giá trị thu bình quân 600 - 700 triệu đồng 01 ha/năm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông nghiệp của huyện Nga Sơn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
“Chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ cây lúa còn chậm (nhất là vụ mùa), diện tích cánh đồng lớn chưa hiệu quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao chậm được nhân rộng; sản xuất vụ đông chưa đạt kế hoạch đề ra, chỉ đạo xây dựng vùng rau an toàn tại hai xã Nga Yên, Nga Thành tiến độ chậm, chưa kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; lĩnh vực quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ diện hẹp và trên một số sản phẩm. Hiện tượng bỏ hoang ngày càng nhiều; đất vườn hiệu quả sử dụng còn thấp.
Sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, sản xuất quy mô nhỏ; chất lượng và sức cạnh tranh thấp, lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, rủi ro cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn; sản xuất theo tiêu chuẩn Viet.GAP, hữu cơ còn hạn chế.
Kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển sản xuất còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng đáp ứng sản xuất công nghệ cao; một số đơn vị trong xây dựng nông thôn mới chưa quan tâm dành nguồn vốn thỏa đáng để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân; một số cơ chế hỗ trợ của UBND huyện người dân khó tiếp cận…” 2 .
Cónhững tồn tại, hạn chế trên , nguyên nhân là do: “ Công tác phổ biến quán triệt, lãnh đạo thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu; nhận thức của một số cán bộ, người dân chưa cao, chưa đầy đủ. Trách nhiệm của người đứng đầu một số ngành, cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, chất lượng, hiệu quả điều hành thực thi nhiệm vụ chưa cao; chưa linh hoạt, thiếu giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn; công tác phối hợp có lúc thiếu kịp thời.
Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp; giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất tăng cao, giá nông sản thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định; một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng yêu cầu kỹ thuật cao, đầu tư sản xuất lớn, nông dân thiếu vốn, thiếu kiến thức, do đó diện tích chưa được mở rộng” 3 .
Để nâng cao hiệu quả sản xuất ngành Nông nghiệp ở huyện Nga Sơn trong thời gian tới, cần tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản Nghị quyết về nông nghiệp, nâng cao nhận thức cho cán bộ Đảng viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ, doanh nghiệp và người nông dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tập trung cao nội dung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, tích tục ruộng đất phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao; liên kết hóa trong sản xuất, doanh nghiệp hóa sản phẩm và xã hội hóa đầu tư.
Thứ hai, tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch .
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch nông, lâm, thủy sản hiện có; nghiên cứu bổ sung quy hoạch còn thiếu trên cơ sở phát huy lợi thế các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống của địa phương (dưa hấu, cói,..). Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng tiến khoa học – kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đưa cơ giới hoá vào sản xuất; kêu gọi xây dựng mô hình, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả, nuôi trồng thủy sản toàn theo hướng an toàn; xây dựng thương hiệu Dưa hấu Nga Sơn; hoàn thiện chứng nhận tiêu chuẩn VietGap đối với vùng thí điểm rau an toàn tại 2 xã Nga Yên và Nga Thành.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ cơ sở (Khuyến nông, thú y và công chức nông nghiệp xã) làm cầu nối giữa khoa học công nghệ với nông dân, nông dân ứng dụng KHCN vào phát triển sản xuất; nâng cao năng lực chủ các cơ sở sản xuất nông nghiệp, chủ trang trại, gia trại, Hợp tác xã về kỹ thuật, kỹ năng quản trị cơ sở sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất.
Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp, thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy hải sản Nga Tân, hình thành các liên kết trong chuỗi giá trị giữa Hợp tác xã, Doanh nghiệp với người sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất. Mỗi xã lựa chọn 2-3 cây trồng (con nuôi) chủ lực để ưu tiên phát triển, tạo liên kết vùng để sản xuất khối lượng sản phẩm lớn đồng nhất về chất lượng, tăng tính cạnh tranh mang lại hiệu quả cao.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển dịch vụ nông nghiệp và thị trường
Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, hỗ trợ xây dựng đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, trước mắt quan tâm sản phẩm Dưa hấu, rau an toàn. Duy trì các thị trường truyền thống, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Thứ sáu, thực hiện tốt cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp
Quan tâm đến tạo sự liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, thuê, góp đất nông nghiệp, vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong sử dụng đất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo quy định của Nhà nước.
Như vậy, để hướng tới mục tiêunâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương đòi hỏi huyện Nga Sơn cần thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp trên.
- 1. Báo cáo số 137/BC – UBND tỉnh ngày 24/9/2018 về Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ – TTG ngày 10/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và 3 năm thực hiện Nghị Quyết số 16/-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
2.3 . Báo cáo số:Số 204-BC/HU, ngày 28 tháng 3 năm 2018 Về sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 26/01/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nga Sơn về nâng cao hiệu quả sản xuất ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn, giai đoạn 2016 – 2020.
Ths. Nguyễn Thị Hà