TNV - Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách mới về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Các chính sách về BHXH, BHYT đã từng bước được đổi mới, gắn kết hơn với hệ thống an sinh xã hội, hướng vào phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội.
Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT để nhân dân thấy rõ những lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT đối với việc ổn định đời sống nhân dân, ổn định kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các chủ trương, cải cách chính sách BHXH và chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ DN và người lao động duy trì việc làm, tránh sa thải lao động, bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN và người lao động, nhanh chóng đưa người thất nghiệp trở lại làm việc, khắc phục tình trạng trục lợi BHTN.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHYT: Nâng cao năng lực của cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển BHXH, BHYT xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Nâng cao tính tuân thủ pháp luật thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHXH, BHYT đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh việc phân cấp cho các cơ quan BHXH; thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Tổ chức tốt cơ sở dữ liệu về BHXH, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH; Tăng cường công tác phối hợp và tích hợp thông tin dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT và thực thi chính sách hiệu quả.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT: Hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH, BHYT...
Đặc biệt, tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT đi đôi với tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về BHXH; Tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính và hiệu quả đầu tư các Quỹ BHXH, BHYT; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và bền vững; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao.
Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội. Cụ thể:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; Tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và tuân thủ các quy định của pháp luật; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội về chính sách BHXH, BHYT tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Tóm lại, chính sách BHXH, BHYT là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, việc cải cách chính sách BHXH, BHYT là vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong phát triển đối tượn tham gia BHXH, BHYT cần hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Th. Anh