Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp?

Chủ nhật, 25/12/2022 - 14:00

TNV - Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “…Phải coi chất lượng nguồn nhân lực làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; là điều kiện để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…”.

Đây cũng là mục tiêu, là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Giải pháp trong tình hình mới luôn là bài toán cần đặt ra trước yêu cầu mới của sự phát triển khoa học công nghệ…

Ảnh minh họa

Những nỗ lực cho chất lượng

Thời gian qua, các cơ quan Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng và trình ban hành nhiều chính sách và các quy định về GDNN, thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết nhiều bất cập, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống GDNN. Đặc biệt, những kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói chung và GDNN nói riêng đã góp phần thực hiện các mục tiêu chung của cả nước và mục tiêu nhiệm vụ của ngành, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, thời gian qua, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo được tăng cường. Chỉ tính 10 năm trở lại đây, lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người lên 56,2 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên trên 65% năm 2021...

Tính đến thời điểm này trên cả nước đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 85%, những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp thì tỷ lệ có việc làm là 100%. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2020 công bố Chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng 13 bậc so với năm 2018, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia…

Tiếp đó,  trên cơ sở tham mưu của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Ngoài ra, việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phê duyệt và quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là ngày kỹ năng lao động Việt Nam nhằm tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể. Đặc biệt, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai, kiểm tra, giám sát những nội dung chuyên sâu về phát triển GDNN trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Theo đó, đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống GDNN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế. Tập trung đổi mới chương trình, nội dung theo hướng phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân…

Giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn

Như ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “Chúng ta cần đào tạo nhân lực thị trường đang cần chứ không phải đào tạo những gì chúng ta có”. Vậy nên, những nỗ lực và giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực luôn phải được đặt ra trong tình hình mới.

Mặc dù, chúng ta đã đạt được một số thành quả quan trọng về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Theo ông Nguyễn Hữu Bắc, ở bình diện quốc gia, hiện nay mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.

Công tác xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế…

Để có thể khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, theo ông Hữu Bắc thì cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn trong thời gian tới, trong đó tập trung vào một số giải pháp quan trọng đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và mỗi người dân phải nỗ lực, tập trung tâm lực, trí lực, vật lực…

Thứ nhất đó là chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đúng địa chỉ sử dụng; tiếp cận cách làm hay của thế giới. Việc thu hút người tài cần trở thành ưu tiên hàng đầu. Có chính sách phù hợp về cơ chế lương, thưởng đặc biệt đối với nhân tài, nghiên cứu thành lập và sử dụng có hiệu quả “Quỹ nhân tài” để khuyến khích sự phát triển, cống hiến, sáng tạo, gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai là tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề thành thạo, các nhà trường phải trang thiết bị dạy nghề, đào tạo nghề hiện đại phục vụ rèn luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường cao đẳng…

Thứ ba là đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đối với nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế…

Thứ tư là chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo theo hướng chú trọng kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ…

“Tóm lại, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi phải đổi mới trên nhiều phương diện, phải có một môi trường trọng công bằng, kỷ cương, đạo đức, thượng tôn pháp luật được coi làm chuẩn mực; tạo ra một môi trường văn hóa dẫn dắt sự phát triển nguồn nhân lực. Tương lai việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta, những hành động hôm nay sẽ định hình tương lai. Cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Do đó, phát triển kỹ năng trong quá trình làm việc không phải là nhiệm vụ của riêng bên nào mà là của toàn nhân loại, đặc biệt là lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp” – ông Nguyễn Hữu Bắc nhấn mạnh.

Bảo Minh