Giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách về lao động việc làm cho thanh niên

Thứ sáu, 01/11/2024 - 08:00

Việc nghiên cứu các giải pháp cho chính sách lao động việc làm đối với thanh niên là nhằm dự báo, đề xuất và định hướng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ, giải quyết việc làm, ngăn chặn thất nghiệp trong thanh niên là yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay

1. Đặt vấn đề chung

- Quan niệm về thanh niên: Trong bất kỳ quốc gia nào, thanh niên luôn là lực lượng dân số quan trọng cấu thành nên lực lượng lao động chủ yếu của nền kinh tế, là nhóm xã hội giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia. Thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi niên thiếu và tuổi trưởng thành nhưng là nhóm xã hội có tính độc lập. Thông thường ở các quốc gia trên thế giới, người trong nhóm tuổi 15-24 được gọi là thanh niên, nhưng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thanh niên thường được mở rộng sang nhóm tuổi 15-30. Điều này đã được quy định tại điều 1, Luật Thanh niên năm 2020.

- Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế xã hội: Theo số liệu thống kê vào năm 2023, hiện nay tỷ lệ thanh niên chiếm 23.2% dân số và chiếm hơn 21,3% lực lượng lao động xã hội, là một tiềm năng vô cùng to lớn cho sự phát triển đất nước. Có thể nói, thanh niên là lực lượng lao động to lớn nhất và làm ra nhiều của cải nhất cho mỗi quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Thanh niên là lực lượng luôn xung kích, đi đầu,

xung phong tình nguyện tiến quân vào các lĩnh vực khoa học mới, các vùng khó khăn gian khổ trong phát triển kinh tế xã hội.

- Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng số người đến tuổi lao động, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đang tạo ra những áp lực về vấn đề việc làm cho thanh niên ngày càng trở nên khó khăn hơn. Hiện nay hàng năm có hàng triệu thanh niên cần việc làm, bao gồm số thanh niên mới bước sang độ tuổi lao động, học sinh thôi học, công nhân dôi ra từ những xí nghiệp làm ăn thua lỗ, hoặc áp dụng cải tiến công nghệ, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xung phong, lao động từ nước ngoài về nước... chính vì vậy đòi hỏi Nhà nước phải quan tâm đặc biệt và có chính sách việc làm cho thanh niên.

- Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề lao động, việc làm trong đường lối, chính sách thanh niên và đặt làm nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chiến lược phát triển thanh niên qua các thời kỳ cách mạng. Giải quyết các vấn đề về lao động việc làm, thu nhập, thất nghiệp đối với thanh niên là sự quan tâm đến nhu cầu, quyền và lợi ích chính đáng của thanh niên, giúp thanh niên cống hiến và phát triển.

2. Một số chính sách cơ bản mà Nhà nước đã ban hành về lao động việc làm của thanh niên

Một là, Luật Thanh niên năm 2005 đã quy định Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong lao động tại Điều 10. Nội dung đã được ghi rõ:

- Thanh niên có quyền và nghĩa vụ lao động để lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước;

- Thanh niên có quyền và nghĩa vụ chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động; lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù họp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội;

- Thanh niên có quyền và nghĩa vụ rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, tuân thủ kỷ luật lao động; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triên khoa học và công nghệ;

- Thanh niên có quyền và nghĩa vụ trong xung kích thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Luật Thanh niên cũng đã quy định rõ về trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên:

- Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng về học nghề cho thanh niên; phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động; ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triến kinh tế - xã hội; thanh niên của hộ nghèo được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xoá đói, giảm nghèo, vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm;

- Nhà nước có cơ chế, chính sách giao cho tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chương trình, dự án khác đê thanh niên có điều kiện phấn dấu, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp;

- Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất dai để khuyến khích các doanh nghiệp tạo chỗ ở cho lao động trẻ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây nhà cho thuê, bán cho thanh niên theo phương thức trả dần với thời hạn và giá cả hợp lý ở những nơi tập trung đông lao động trẻ;

- Gia đình có trách nhiệm giáo dục ý thức lao động, tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp, việc làm của thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm.

Hai là, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/ 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Nghị định dành riêng chương 4 nói về “Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên”. Đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề khi đáp ứng các điều kiện:

- Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;

- Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực

hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các đối tượng theo quy định tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ:

+ Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn;

+ Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Các đối tượng theo quy định tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp.

- Với thanh niên lập nghiệp, Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng là: Học sinh các trường trung học phổ thông; Thanh niên đang học tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Thanh niên đã tốt nghiệp cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nội dung hỗ trợ là định hướng nghề nghiệp; cung cấp thông tin về việc làm, nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc và làm việc; tham gia chương trình thực tập làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức; cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.

- Với thanh niên khởi sự doanh nghiệp Nhà nước thực hiện hỗ trợ cho nhóm đối tượng là thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp và Thanh niên đã khởi sự doanh nghiệp, với nội dung hỗ trợ là:

+ Cung cấp kiến thức về pháp luật, quản trị doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan khởi sự doanh nghiệp;

+ Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp;

+ Cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.

Ba là, Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với nhóm đối tượng thanh niên là học sinh, sinh viên đang học tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, học sinh đang học tại các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong toàn quốc; Cán bộ, giảng viên, giáo viên, người làm công tác hỗ trợ sinh viên trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp và giáo viên hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong toàn quốc.

Bốn là, Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 [4] (Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg). Trong đó đã quy định rõ các nhóm đối tượng là:

- Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác;

- Cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020.

Năm là, Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 cho nhóm đối tượng là người lao động cư trú dài hạn tại 61 huyện nghèo; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cơ sở dạy nghề cho lao động xuất khẩu.

Sáu là, Luật việc làm năm 2013 quy đinh việc Nhà nước hỗ trợ và tạo việc làm cho thanh niên. Căn cứ tại Điều 21 Luật Việc làm 2013 quy định:

Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tạo việc làm.

Nhà nước hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thông qua các hoạt động sau đây:

- Tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên;

- Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;

- Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

Cùng với các quy định về hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghệ nghiệp, Nhà nước còn quy định về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng. Đây là những chính sách đem lại rất nhiều hiệu quả về kinh tế và xã hội đối với chính sách lao động việc làm của thanh niên.

3. Định hướng và giải pháp cơ bản về chính sách lao động, việc làm cho thanh niên

Việc xây dựng, tổ chức thực thi các chính sách về lao động việc làm luôn là một trong những vấn đề có tính cấp bách trong mọi thời điểm ở mọi quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Giải quyết chính sách về lao động việc làm cho thanh niên trong những năm qua luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, chỉ đạo. Nó đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ nghị quyết của Đảng đến các bộ luật và các văn bản dưới luật. Các định hướng và giải pháp đã quy định đối với chính sách lao động việc làm của thanh niên theo các nội dung sau:

Một là: Tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho thanh niên:

+ Nhà nước tăng cường thể chế và thiết chế đối với hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho thanh, khuyến khích các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội mở các trung tâm, văn phòng tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên.

+ Chuyên nghiệp hóa các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, tăng cường liên kết giữa người sử dụng và người cung cấp việc lao động.

+ Đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho các đối tác tham gia trong hoạt động tư vấn nghề nghiệp.

+ Mở rộng các hình thức tham vấn thông qua việc sử dụng các kênh thông tin, truyền thông và mạng xã hội

Hai là, Tổ chức giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho thanh niên; ngăn ngừa, phòng chống sự cưỡng bức, bóc lột sức lao động đối với thanh niên.

+ Đầu tư, mở rộng các trường, các trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên

+ Tăng cường giáo dục nghề nghiệp: Ý thức nghề nghiệp, lý tưởng nghề nghiệp, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho thanh niên.

+ Đối mới các nội dung và hình thức giáo dục nghề nghiệp, coi trọng chất lượng trong đào tạo và bồi dưỡng nghề đáp ứng đầu ra của doanh nghiệp và yêu cầu xã hội.

+ Mở rộng các hình thức tuyển dụng lao động, công khai, công bằng và đảm bảo các chính sách ưu tiên đối với thanh niên các khu vực, vùng miền khó khăn, thiệt thòi.

+ Tăng cường trợ giúp pháp lý cho lao động thanh niên, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho người lao động khi được tuyển dụng và làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp, ngăn chặn các biểu hiện cưỡng bức, bóc lột sức lao động và lao động trẻ em. 

+ Tổ chức giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên.

+ Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ.

Ba là, Xây dưng thị trường động, tạo điều kiện để thanh niên có việc làm và cơ hội tìm việc làm; tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với từng vùng, miền, gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

+ Xây dựng cơ chế khuyến khích tạo việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, miền núi

+ Đầu tư các khu công nghiệp, các doanh nghiệp cân bằng giữa các vùng miền trong cả nước, nhằm thu hút sử dụng lao động tại chỗ

+ Tăng cường chính sách xuất khẩu lao động đối với thanh niên nông thôn, miền núi, hải đảo nhằm tăng thu nhập và nâng cao nhận thước, kiến thức, kỹ năng làm việc cho các đối tượng này.

+ Tổ chức cung cấp thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực;

+ Ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp;

Bốn là, Hoàn thiện cơ chế, chính sách về vay vốn giải quyết việc làm và lập nghiệp. Tạo mọi điều kiện cho thanh niên được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn tín dụng hợp pháp khác để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.

+ Triển khai các gói ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật

+ Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát trong chính

sách vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm cho thanh khởi nghiệp và lập nghiệp theo hướng công bằng, bình đẳng giữa các vùng miền và khu vực, giữa các đối tượng thanh niên.

+ Tạo điều kiện về môi trường để thanh niên tiếp cận khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

+ Tổ chức các thông tin, tuyên truyền về lập thân, lập nghiệp trong thanh niên, khuyến khích, hỗ trợ thanh niên tham gia thị trường tiêu thụ sản phẩm

+ Khuyến khích đầu tư các hình thức doanh nghiệp, các mô hình hoạt động kinh tế của thanh niên: Hợp tác xã thanh niên; mô hình trang trại trẻ; hội doanh nghiệp trẻ; nhà khoa học trẻ…

+ Khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên theo quy định của pháp luật.

--------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021- 2030, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021

2. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XIII

3. Luật Thanh niên năm 2020, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội

4. Luật việc làm (2013), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

5. Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/ 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm

6. Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020

TS. Trần Văn Trung - Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh