Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đối với thanh niên trong tình hình mới

Thứ tư, 28/06/2023 - 09:05

NCKH - Để xây dựng một xã hội lành mạnh cho người dân có điều kiện để phát triển toàn diện, cũng như góp phần vào việc giữ gìn, củng cố tình hình an ninh, trật tự xã hội, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là xung xung đột Nga-Ukraine; các ngân hàng lớn của Mỹ và Châu Âu phá sản; chính sách Zero Covid của Trung Quốc… đã mang đến những thời cơ, động lực mới cho Việt Nam, nhưng cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, đặt biệt có nhiều vấn đề mới cần tập trung giải quyết, chẳng hạn, nhiều thanh thiếu niên, phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, dụ dỗ tham gia vào các đường dây buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan, sa vào sống trụy lạc, nghiện rượu bia và nghiện chơi game online… kể cả trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 cũng không có xu hướng giảm, gây sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm khuôn khổ đạo đức, phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh, tiến bộ trong xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật hiện hành.

Để giải quyết thực trạng trên, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các ngành, các cấp, của toàn xã hội và hơn hết là vai trò, ý thức, trách nhiệm phòng vệ tự thân của đội ngũ thanh niên đối với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là trong tình hình hiện nay.

  1. THỰC TRẠNG VÀ CÁC HỆ LỤY CỦA TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG THANH THIẾU NIÊN

Thời gian qua, mặc dù ngành tuyên giáo các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông có nhiều nỗ lực trong công tác vận động, giáo dục, tuyên truyền, tuy nhiên, bên cạnh lực lượng thanh niên năng động, sáng tạo, hiếu học, sống lành mạnh, có ý chí vượt khó, vươn lên và tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, vẫn còn một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn ngại khó, lười học tập, lao động, sa vào lối sống hưởng thụ, trụy lạc, dẫn đến mắc các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới cá nhân, gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội.

Thời gian gần đây, những tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mạ dâm, lô đề, cá độ bóng đá, mê tín dị đoan, bạo lực học đường, trộm cắp, cướp giật, hành xử mang tính chất côn đồ… đã len lỏi vào đời sống của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên, đặc biệt, các tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi và có xu hướng bùng phát mạnh trong giới trẻ.

Năm 2022, theo số liệu báo cáo của 40/63 tỉnh, thành phố, số người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ là gần 16.000 lượt người; còn đối với tỷ lệ người nghiện ma túy đang thực hiện điều trị, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy cả nước lên đến hơn 66.000 người; đặc biệt, lứa tuổi thanh thiếu niên đang chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người nghiện và bán dâm hiện nay, lại có chiều hướng gia tăng theo từng năm.

Trong khi, tệ nạn xã hội không những gây ra những tác hại nghiêm trọng của chính bản thân các bạn trẻ, mà còn tạo nên những hệ lụy không nhỏ đối với gia đình và xã hội.

Trước hết, các thanh niên sa vào các tệ nạn xã hội trước hết thường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân như ảnh hưởng về hô hấp, tim mạch, hệ thần kinh...; nếu mức độ nặng còn gây mất khả năng lao động và làm việc do chất kích thích; đặc biệt, làm tha hóa nhân cách sống, rối loạn về hành vi, dễ dẫn đến lối sống buông thả và gây phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật, rất dễ trở thành kẻ tội phạm như trộm, cướp tiền do túng thiếu, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác...

Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình của các thanh niên bị mắc tệ nạn xã hội thường luôn sống trong tình trạng lo lắng, bị chấn thương tinh thần, khủng hoảng tài chính; thậm chí hạnh phúc gia đình còn có nguy cơ cao bị tan vỡ do đối tượng tham gia tệ nạn xã hội thường mắc những bệnh tật nguy hiểm, truyền nhiễm; hoặc rất dễ hành hung người thân để lấy tiền bạc, tài sản; ngoài ra, còn có thể bị các đối tượng cho vay nợ xấu đe dọa…

Không chỉ dừng lại ở phạm vi trên, điều nguy hiểm hơn là tệ nạn xã hội thường có tốc độ lan tỏa rất nhanh trong cộng đồng. Đặc biệt, các đối tượng tham gia tệ nạn xã hội thường cấu kết với nhau thành đường dây, ổ nhóm và luôn có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng, che mắt quần chúng nhân dân… và đặc biệt, các thanh niên tham gia tệ nạn xã hội thường có quan hệ chặt chẽ với tội phạm hình sự, gây nên mối nguy hại lớn cho xã hội. Thực tế cho thấy, đã có nhiều vụ việc thanh niên vi phạm pháp luật, kể cả vụ nghiêm trọng đều có liên quan tới việc tham gia các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy, bởi chính những ảo giác do ma túy mang lại, khiến thanh, thiếu niên dễ đi vào những con đường phạm pháp, tự gây nên sự nguy hiểm cho bản thân và nguy hại cho cộng đồng xã hội.

III. NGUYÊN NHÂN DẪN THANH NIÊN VÀO NHỮNG TỆ NẠN XÃ HỘI

Theo thống kê cho thấy, thanh, thiếu niên là độ tuổi dễ mắc vào các tệ nạn xã hội. Nguyên nhân chính xuất phát từ đặc điểm tâm lý lứa tuổi này chưa có nhận thức đầy đủ về mối nguy hại của các tệ nạn xã hội, lại thường ham vui, thích tìm hiểu, khám phá, thậm chí thích khẳng định bản thân, hiếu thắng, đó là chỗ yếu cốt tử để các tệ nạn tấn công.

Ngoài ra, các bạn trẻ sa vào tệ nạn xã hội thường đến từ những trường hợp gánh chịu áp lực từ gia đình không hạnh phúc trong thời gian dài; hoặc cha mẹ không quan tâm dạy dỗ, hoặc nuông chiều con cái…; trong khi, giới trẻ hiện nay thường có suy nghĩ lệch lạc rằng, việc ăn chơi theo bạn bè là hợp thời, sành điệu và thể hiện được đẳng cấp của bản thân, mà không nhận thức được đầy đủ những cạm bẫy của tệ nạn xã hội, nhất là từ những lời dụ dỗ ngon ngọt của các đối tượng bạn bè xấu; ngoài ra, còn do sự buông lỏng quản lý, thờ ơ của nhà trường và tổ chức… đối với thế hệ trẻ, đã khiến cho không ít thanh, thiếu niên trượt dài trên bước đường sai lầm do tệ nạn xã hội gây nên.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA THANH NIÊN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Để xây dựng một xã hội lành mạnh cho người dân có điều kiện để phát triển toàn diện, cũng như góp phần vào việc giữ gìn, củng cố tình hình an ninh, trật tự xã hội, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, theo tôi cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:

  1. Phát huy trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên:

Những tệ nạn xã hội vẫn luôn hiện diện trong đời sống xã hội, nên mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên cần có những hành động tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đúng đắn.

Trước hết, mỗi bạn trẻ cần nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm và tác hại của các tệ nạn xã hội, để tạo dựng nên ý thức phòng ngừa, tránh xa và tốt hơn nữa là tuyên truyền cho người thân, các bạn bè, người dân nơi cư trú, tham gia đấu tranh, để cùng cảnh giác và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Hai là, mỗi thanh niên cần rèn luyện và hình thành nên thói quen sinh hoạt, học tập lành mạnh, bổ ích, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, vì an sinh xã hội do các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức; cần cảnh giác, tỉnh táo trước những lời dụ dỗ của bạn bè xấu; chủ động nhận thức đối với việc không nên tham gia vào những hoạt động ăn chơi, sa đọa…

Ba là, tuổi trẻ cần sống có hoài bão, ươm mầm ước mơ, xây đắp lý tưởng vững vàng, với những suy nghĩ tốt đẹp, những nghĩa cử cao cả của thanh niên thời đại mới; cùng nhau chung tay, gắng sức xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh, cùng đẩy xã tệ nạn xã hội bằng những hành động thiết thực, cụ thể.

Bốn là, khi phát hiện các hành vi tệ nạn xã hội cần thông báo cho nhà trường, đơn vị, cơ quan công an để có những biện pháp giải quyết kịp thời và nhanh chóng. Tích cực cùng với các tổ chức Đoàn, Hội tham gia tuyên truyền, nâng cao cảnh giác về tệ nạn xã hội ma túy, cờ bạc, mại dâm... trong tổ chức, nhà trường và phạm vi mà mình đang học tập, công tác.

  1. Nêu cao trách nhiệm của tổ chức Đoàn:

Là “người bạn lớn” của thanh niên, tổ chức Đoàn cần có trách nhiệm tăng cường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên trong việc thamg gia phòng, chống tệ nạn xã hội thông qua các hình thức trực quan, sinh động như: tọa đàm, hội thảo, giao lưu, diễn đàn, hội thi, phiên tòa giả định…; tiếp tục học tập mô hình, củng cố, duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ, đội, câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội đang hoạt động có hiệu quả; về nội dung có thể kết hợp hoặc là đi sâu theo từng chuyên đề: phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, nạn cờ bạc, lô đề, rượu bia, sức khỏe sinh sản...

Ngoài ra, cần tăng cường công tác phối hợp giữa tổ chức đoàn với các cấp ủy đảng, nhà trường, gia đình, tổ dân phố, công an địa bàn trong công tác nắm bắt tình hình, phân loại đối tượng phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là đối với đoàn viên, thanh niên, thông qua công tác quản lý đoàn viên; khuyến khích đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn cần quan tâm phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, rà soát, nắm chắc số lượng thanh niên, học sinh, sinh viên chậm tiến, phạm pháp để phân loại theo thái độ tốt, xấu, hoàn cảnh gia đình, điều kiện, mức độ sai phạm, nguyên nhân dẫn đến sai phạm… để phối hợp các ngành phân công trách nhiệm trong cộng đồng thực hiện công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các trường hợp thanh, thiếu niên lầm lỡ được sớm tiến bộ và tái hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, tổ chức Đoàn nên tặng cường xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp để giới thiệu công ăn việc làm ổn định cho thanh, thiếu niên có được việc làm, đảm bảo cuộc sống ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cao tại địa phương.

  1. Trách nhiệm của các cơ quan báo chí:

Một thành phần không thể thiếu đối với việc tham gia đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong giới trẻ nói riêng và toàn xã hội nóng chung là các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Thanh niên, có thể quan tâm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, cần tập trung tuyên truyền cho giới trẻ những tác hại của các tệ nạn xã hội, kèm theo các phương thức phòng, tránh, để mỗi đoàn viên, thanh niên đều tự trang bị cho mình một “lá chắn thép”, “sức đề kháng” mạnh mẽ đối với việc phòng, chống tệ nạn xã hội; ngoài ra, kết hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến tệ nạn xã hội và kết quả đấu tranh, xử lý của các cơ quan chức năng về công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, tội phạm… với hình thức đa dạng, dễ tiếp cận với giới trẻ, nhằm góp phần giáo dục, răn đe, góp phần ngăn ngừa và kéo giảm loại tội phạm và tệ nạn này trong cộng đồng.

Thứ hai, Ban Biên tập các cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống các tội phạm và tệ nạn xã hội, để có sự nhất quán trong việc định hướng các nội dung thông tin, tuyên truyền kịp thời, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn và tình hình cụ thể.

Thứ ba, cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên để thuận lợi hơn nữa trong quá trình tác nghiệp.

Thứ tư, các cơ quan báo chí trong đó có Tạp chí Thanh niên, cơ quan lý luận nghiệp vụ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường phổ biến tuyên truyền những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội; nêu gương những điển hình cai nghiện thành công, những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác tố giác, đấu tranh chống tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy… để lan tỏa các giá trị tích cực trong toàn xã hội, có các tuyến bài hay tổng kết lý luận trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

Thứ năm , cần tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy các cấp trong việc đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội; nhất là đẩy mạnh các tuyến bài tuyên truyền Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên các cơ quan báo chí, nhất là đối với Tạp chí Thanh niên, Cơ quan lý luận nghiệp vụ của Trung ương Đoàn.

Thứ sáu, cần có chế độ khen thưởng, động viên, khuyến khích kịp thời đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện công tác tuyên truyền về đấu tranh, phòng chống tệ nạn xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Tóm lại, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, của gia đình, các cơ quan báo chí, của tổ chức Đoàn, hơi ai hết, bản thân mỗi đoàn viên, thanh thiếu niên cần tự nhận thức, rèn luyện và xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tích cực, góp sức ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra khỏi cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Nguyễn Toàn Thắng

Tổng Biên tập Tạp chí Thanh niên