Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1990 và trở thành trường đại học công lập từ năm 2006. Đến nay, Trường đã trở thành trường đại học đa ngành trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiệm vụ đào tạo đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội, góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật cho đất nước. Với triết lý giáo dục nhân bản, rộng mở, thực tiễn, hội nhập, Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh khẳng định “mục đích giáo dục là mang lại cho mỗi người cơ hội phát triển tiềm năng của bản thân để trở thành các cá nhân có năng lực sống và làm việc cũng như ý thức trách nhiệm đối với bản thân và môi trường sống và xã hội”(1). Nhà trường rất quan tâm tới GDĐĐ, rèn luyện ý thức trách nhiệm cho sinh viên và đạt được những kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc GDĐĐ cho sinh viên trong nhà trường vẫn tồn tại một số hạn chế về nội dung, phương thức; một bộ phận sinh viên có biểu hiện xuống cấp về đạo đức; hiệu quả GDĐĐ cho sinh viên đôi khi còn thấp, chưa đạt được yêu cầu. Điều này đòi hỏi, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả GDĐĐ cho sinh viên trong nhà trường.
1. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong GDĐĐ cho sinh viên
Vấn đề kết hợp GDĐĐ giữa nhà trường với gia đình và xã hội nhằm tạo sự thống nhất, trách nhiệm, tạo ra sức mạnh tổng hợp để giáo dục các phẩm chất đạo đức phù hợp với sự phát triển toàn diện của sinh viên. Điều này đã được Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện. Thông qua các bộ phận, tổ chức đoàn thể, Nhà trường đã thường xuyên quan tâm, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể trong định hướng, giáo dục sinh viên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDĐĐ cho sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay, theo chúng tôi cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần xác định nội dung phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDĐĐ cho sinh viên. Trong đó, chú trọng phối hợp giáo dục các giá trị đạo đức như: lòng yêu nước, lòng nhân ái, bao dung, lý tưởng đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân... đồng thời, cần có sự phối hợp trong giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp sinh viên có thái độ và hành vi tích cực, có khả năng nhìn nhận vấn đề, giải quyết tình huống theo hướng tích cực, biết thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể; có tinh thần tự chủ, có cách suy nghĩ, thái độ và hành vi tích cực; hình thành lối sống lành mạnh, có đạo đức, có văn hóa. Bên cạnh đó, “cần có sự phối hợp trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở nhà trường, gia đình và xã hội. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên rèn đức, luyện tài, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái độc hại xâm nhập từ bên ngoài”(2).
Thứ hai, xác định trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác phối hợp GDĐĐ cho sinh viên. Trong đó, nhà trường có trách nhiệm chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục. Gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em. Xã hội có trách nhiệm giúp nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho người dạy và người học thực tập, nghiên cứu, góp phần xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến sinh viên.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, sống xa gia đình, do đó, nhà trường cần thiết lập và tăng cường sự kết nối chặt chẽ, thường xuyên với gia đình để kịp thời thông báo cho cha mẹ về tình hình học tập, rèn luyện và những vấn đề liên quan đến sinh viên. Gia đình cũng cần chủ động xây dựng mối liên hệ thường xuyên phối hợp cùng nhà trường theo dõi, giáo dục con em mình. Đối với các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương, nhất là nơi các em học tập, tạm trú, thường trú cần quan tâm, hỗ trợ, chấn chỉnh và giúp đỡ nhà trường trong việc quản lý sinh viên, khen thưởng động viên kịp thời sinh viên có thành tích trong học tập và rèn luyện.
2. Đổi mới nội dung và phương pháp GDĐĐ cho sinh viên
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay tại trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh, trong chương trình đạo tạo các ngành, việc GDĐĐ cho sinh viên chủ yếu tập trung vào các môn khoa học Lý luận chính trị, các bộ môn Luật và một số ngành đào tạo của trường giảng dạy các môn như: Đạo đức kinh doanh, công tác xã hội, chính sách công... Đây là những tri thức khoa học cần thiết, giúp cho sinh viên giác ngộ về ý thức trách nhiệm công dân, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp..., từ đó có tác động tới đạo đức của sinh viên. Các học phần này được bố trí cố định trong chương trình học tập toàn khoá. Chính vì vậy, việc đổi mới nội dung và phương pháp GDĐĐ là tất yếu nhằm định hướng và tạo ra những biến đổi tích cực cả ý thức lẫn hành vi đạo đức của sinh viên.
Việc đổi mới nội dung dạy học các môn khoa học này trước hết, cần làm rõ đối tượng và phương pháp nghiên cứu của môn học, liên hệ chặt chẽ từ kiến thức đến tư tưởng gắn với đạo đức và thực hành đạo đức, khắc phục khuynh hướng chính trị hóa, thoát ly hiện thực. Đồng thời, cung cấp cho sinh viên tri thức khoa học, biết bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, có thái độ đúng đắn, có niềm tin khoa học đối với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung các hoạt động giáo dục ngoại khóa hướng đến mục đích làm tăng hiệu quả GDĐĐ cho sinh viên. Phải lồng ghép các nội dung GDĐĐ cho sinh viên thông qua các sinh hoạt đoàn thể của họ nội dung giáo dục về lối sống, với các chuẩn mực đạo đức, các giá trị truyển thống văn hóa và con người Việt Nam.
Về đổi mới phương pháp GDĐĐ cho sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh cần chú trọng thực hiện một số giải pháp căn bản sau: một là, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của người học, vai trò định hướng, gợi mở của người dạy. Trong đó, tăng cường đối thoại với sinh viên, tạo điều kiện cho họ bộc lộ quan điểm, chính kiến, nguyện vọng. Tuy nhiên, cần khéo léo định hướng về nhận thức và hành vi của sinh viên theo các chuẩn mực và giá trị đạo đức; hai là, đa dạng hóa các phương thức giáo dục, áp dụng nhuần nhuyễn nhiều phương pháp khác nhau để tránh phiến diện, đơn điệu, nhàm chán. Phải rất chú trọng đáp ứng yêu cầu tâm lý, thị hiếu sinh viên hướng đến những cái mới đúng, tốt và đẹp; ba là, khai thác và tận dụng có hiệu quả các nhân vật lịch sử - văn hóa, các điển hình trong đời sống thực tiễn sinh động trong và ngoài nước nhằm làm tăng hiệu ứng và hiệu quả trong GDĐĐ cho sinh viên; bốn là, nắm vững và sử dụng một cách có hiệu quả những phương pháp giảng dạy tích cực để truyền thụ tới sinh viên, trong đó cần kết hợp nhiều phương pháp, từ truyền thống đến hiện đại tăng hiệu quả tiếp thu tri thức cũng như GDĐĐ cho sinh viên.
3. Tích cực hội nhập quốc tế, chủ động tiếp thu tri thức, văn hóa trong GDĐĐ cho sinh viên
Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh xác định: “trường đại học phải hướng đến hội nhập quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu và quản lý nhà trường”(3). Chính vì vậy, trong những năm qua nhà trường đã không ngừng chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế trong liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục và đào tạo toàn diện cho sinh của nhà trường, trong đó có GDĐĐ.
Hợp tác quốc tế về giáo dục đại học cần được mở rộng, chú trọng để tăng cường giáo dục trí tuệ, đạo đức, nhân cách sinh viên. Vấn đề là ở chỗ lựa chọn đúng đối tác, quản lý tốt việc triển khai các chương trình hợp tác, phù hợp nhịp nhàng với các đối tác trong việc thống nhất nội dung, yêu cầu, trao đổi thông tin khoa học, đưa giảng viên đi tu nghiệp, đưa sinh viên đi đào tạo, mời các học giả đến Việt Nam làm việc, tiếp nhận sinh viên quốc tế đến đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam... tạo ra sự giao lưu, tiếp xúc, học hỏi, đối thoại cởi mở, dân chủ, biết chấp nhận cái khác biệt trên tinh thần sàng lọc những hạt nhân hợp lý. Đó là những biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả GDĐĐ cho sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay.
4. Phát huy tính tự giác học tập, rèn luyện đạo đức của sinh viên
Để thực hiện tốt giải pháp này, trước hết cần xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, chuẩn mực về đạo đức, lối sống. Đối với sinh viên, giảng viên có tác động trực tiếp, lâu dài, bền bỉ nhất; người thầy có vai trò lãnh đạo, quản lý, tổ chức, hướng dẫn, thúc đẩy họ theo mục tiêu, theo hệ giá trị. Các bài giảng ở bậc đại học không chỉ là khêu gợi sự hấp dẫn của khoa học, của năng lực trí tuệ mà còn bồi đắp tính tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và văn hóa.
Bên cạnh đó, cần biết tận dụng và khai thác những điển hình tiêu biểu của các thế hệ sinh viên của Trường có nghị lực vượt khó học giỏi, vượt lên khỏi nghịch cảnh, phấn đấu đạt tới đích trong học tập, trưởng thành và có cống hiến cho đất nước. Qua đó, thức tỉnh, cổ vũ sinh viên trong học tập và rèn luyện. Đồng thời, chú trọng tới những hình thức và phương pháp giáo dục có sức mạnh truyền cảm xúc, cảm hứng từ sinh viên thông qua các Diễn đàn thanh niên, Phong trào khởi nghiệp sáng tạo, giao lưu, đối thoại giữa sinh viên với các đại diện ưu tú trong nhiều lĩnh vực như: trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt, các cựu sinh viên đã trưởng thành...
Đặc biệt chú trọng giáo dục sinh viên qua hoạt động thực tiễn, qua các môi trường xã hội, các hoạt động chính trị - xã hội mang ý nghĩa trải nghiệm, rèn kỹ năng sống; các hoạt động có tính thi đua, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh để sinh viên tự biểu hiện, tự đánh giá, tự khẳng định mình; các hoạt động xã hội thiện nguyện;... góp phần tạo nên tính tích cực, tự giác của sinh viên với khát vọng sống đúng, sống tốt, sống đẹp, lập thân lập nghiệp.
5. Xây dựng môi trường đại học lành mạnh, dân chủ, đồng thời tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên
Môi trường đại học là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của đạo đức của sinh viên. Với tính cách là sản phẩm của tồn tại xã hội, do đó, để nâng cao hiệu quả GDĐĐ cho sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay, trước hết cần tạo ra một môi trường đại học thực sự lành mạnh, dân chủ, văn minh như là điều kiện tốt để các chuẩn mực đạo đức tồn tại và phát triển nhằm “xây dựng môi trường học tập thân thiện mang tính giáo dục và sáng tạo cao”(4) theo Nghị quyết của Đảng bộ Trường lần thứ X. Để thực hiện được điều này, cần đảm bảo tính dân chủ giữa thầy- trò, cán bộ nhân viên với sinh viên, giữa bản thân sinh viên với sinh viên. Các chủ thể giáo dục trong nhà trường cần tôn trọng sinh viên, đồng hành cùng sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện đạo đức.
Bên cạnh đó, môi trường học tập của nhà trường cần gắn chặt lý tưởng đạo đức với lý tưởng khoa học, lý tưởng chính trị trong GDĐĐ cho sinh viên, định hướng quá trình trưởng thành nhân cách, lối sống của sinh viên. Trong đó, đòi hỏi phải có sự đồng thuận, hợp tác của tất cả các chủ thể giáo dục, cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc giáo dục sinh viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên. Do đó, việc xây dựng môi trường GDĐĐ cho sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh phải gắn liền với xây dựng đội ngũ giảng viên, các giảng viên phải thực sự trở thành những tấm gương sáng, định hướng đạo đức, nhân cách cho sinh viên.
Ngoài ra, cần xây dựng trường Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh thực sự trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện tri thức, đạo đức, nhân cách cho sinh viên. Tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn - Hội trong nhà trường phát huy vai trò, ảnh hưởng trong giáo dục toàn diện cho sinh viên. Phát động các phong trào thi đua người tốt, việc tốt, xây dựng và giáo dục truyền thống nhà trường. Tổ chức các đợt thi đua trong trường, trong lớp theo các chủ đề có ý nghĩa giáo dục tích cực, thu hút mọi thành viên tự giác tham gia. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống của khoa, của trường và thi tìm hiểu truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc… nhằm giáo dục, xây dựng và phát huy các truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của trường, của dân tộc.
Ý thức đạo đức và ý thức pháp luật có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau và cùng thực hiện chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm ổn định và phát triển xã hội. Theo đó, GDĐĐ và giáo dục pháp luật phải được thực hiện đồng thời để bổ sung cho nhau. Bởi, các quan niệm về: hạnh phúc, lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm, thiện - ác, lẽ sống… muốn được thực hiện và lan tỏa hiệu quả trong đời sống thực tiễn cần có sự điều chỉnh, quy định của các quy phạm pháp luật. Vì vậy, việc tăng cường tính nghiêm minh và đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay nhằm xây dựng thói quen ứng xử và hành vi tuân thủ các quy định của pháp luật.
Có thể nói, các giải pháp được đề cập ở trên không tồn tại một cách riêng biệt, mà chỉ có thể phát huy tác dụng và đạt hiệu quả cao khi chúng gắn kết với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Việc nhận diện rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của từng giải pháp và sự bổ trợ lẫn nhau trong quá trình GDĐĐ cho sinh viên hiện nay là cần thiết. Trong các giải pháp trên, chúng tôi cho rằng trước hết cần chú trọng nâng cao nhận thức của các chủ thể và phát huy vai trò của gia đình - nhà trường - xã hội trong GDĐĐ cho sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Trong đó, việc đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp GDĐĐ là giải pháp cơ bản, trực tiếp và có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao hiệu quả GDĐĐ cho sinh viên. Tuy nhiên, để thực hiện tốt và có hiệu quả những giải pháp đưa ra đòi hỏi cần có những điều kiện về nguồn lực vật chất, nhất là nguồn nhân lực; sự ủng hộ của các lực lượng giáo dục; sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, của các phòng, khoa; đồng thời cần có sự chung tay quản lý và giáo dục của chính quyền địa phương; sự nỗi lực của chính bản thân sinh viên để biến từ khả năng thành hiện thực, qua đó góp phần phát triển toàn diện sinh viên, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
(*) Nghiên cứu này được Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ trong đề tài mã số T2023.12.2
CHÚ THÍCH:
1. Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh, Sứ mạng, tầm nhìn, https:// ou.edu.vn/sumang-tamnhin/, truy cập ngày 6/6/2024.
2. Nguyễn Thị Hoài (2018), GDĐĐ cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội, tr.139.
3. Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh, Triết lý giáo dục, https:// ou.edu.vn/sumang-tamnhin/, truy cập ngày 6/6/2024.
4. Đảng ủy Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.8.
TS. Đỗ Duy Tú - Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh