Giải pháp nâng cao văn hoá ứng xử của thanh niên tại nơi công cộng

Thứ sáu, 28/02/2025 - 09:21

1. Đặt vấn đề: Văn hoá ứng xử là một khía cạnh quan trọng của văn hoá và là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nhân cách của mỗi con người, đặc biệt là giới trẻ. Thanh niên Việt Nam là nhóm xã hội đặc thù, là "rường cột" của nước nhà, chính vì thế, việc nâng cao văn hoá ứng xử của thanh niên không chỉ giúp củng cố văn hoá nước nhà mà còn đảm bảo cho sự phát triển tích cực của thanh niên.

Thời gian vừa qua, tại các không gian công cộng chúng ta đã thấy thực trạng ứng xử đáng báo động của thanh niên. Đó là hình ảnh thanh niên đánh nhau; vứt rác bừa bãi; văng tục chửi bậy; thể hiện tình cảm yêu đương thái quá; ăn mặc phản cảm; vi phạm luật giao thông… Những hiện tượng đó ít nhiều gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của thanh niên nói riêng và của người Việt nói chung. Bài viết này nhằm mục tiêu đề xuất một số giải pháp chủ đạo nhằm cải thiện, nâng cao văn hoá ứng xử của thanh niên tại nơi công cộng, từ đó hướng đến xây dựng môi trường sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, tạo ích lợi cho sự phát triển nhân cách của thanh niên, nhất là trong thời kỳ mới. 

 2. Giải pháp nâng cao văn hoá ứng xử của thanh niên tại nơi công cộng 
  2.1. Nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, về vị trí, vai trò của việc thực hiện chuẩn mực văn hóa ứng xử của thanh niên trong tình hình mới hiện nay. Xác định rõ vai trò của từng cấp ủy, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên trong giáo dục thanh niên nói chung và giáo dục văn hóa ứng xử của thanh niên nói riêng, trong đó, cần thực hiện tốt mục tiêu: "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách" theo tinh thần Nghị quyết số 33 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Đồng thời thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ (Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6-5-2009) nhằm đưa văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo những giá trị tốt đẹp để thanh niên có cơ hội, điều kiện phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn.

Thứ hai, các cấp ủy đảng, chính quyền cần là tấm gương trong rèn luyện đạo đức, thực hành công vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên cần có hành vi ứng xử có văn hóa khi làm việc (trong quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp, nhân dân...), ứng xử có văn hóa trong sinh hoạt (tại khu phố, dân cư, nơi công cộng, địa điểm du lịch...). Thứ bảy, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền trong đẩy mạnh việc thực hiện ứng xử văn hóa của thanh niên phải thông qua sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự lãnh đạo, chỉ đạo này cần gắn đặc thù, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương... gắn với nhiệm vụ cụ thể, đặc điểm của từng đối tượng thanh niên. Thường xuyên phát động các cuộc vận động, chú trọng khuyến khích các cán bộ đảng viên thường xuyên học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh song song với việc làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, quản lý. Thiết nghĩ, những thanh niên là cán bộ công chức, viên chức, thanh niên là đảng viên để thực hiện tốt nếp sống văn minh, có văn hóa ứng xử thì trước hết những thanh niên này phải có tư tưởng, đạo đức, lối sống tích cực. Xây dựng kế hoạch hàng năm liên quan đến hoàn thiện chuẩn mực văn hóa ứng xử của thanh niên, nhất là tại nơi công cộng; đưa nội dung thực hành chuẩn mực văn hóa ứng xử vào các nội dung sinh hoạt của mình gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, thường xuyên tuyên truyền, vận động và giáo dục nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử có văn hóa trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thanh niên với những biện pháp, cách thức phù hợp. Chẳng hạn như những buổi học nghị quyết, chủ trương, những bài thuyết trình về giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục văn hóa ứng xử nên được truyền tải một cách mềm mại, ngắn gọn, biểu cảm, vui tươi, hiện đại... thì sẽ giúp nâng cao hiệu quả giáo dục đối với thanh niên. Trong quá trình tuyên truyền, định hướng giáo dục văn hóa ứng xử cho thanh niên cần quan tâm đặc biệt đến vai trò của gia đình. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần coi trọng vai trò của gia đình trong định hướng, giáo dục thanh niên về cách ứng xử phù hợp, nhất là tại nơi công cộng. Cấp ủy và chính quyền địa phương cần thường xuyên có sự chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... và các tổ chức xã hội nghề nghiệp... cùng phải có trách nhiệm trong chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục văn hóa ứng xử cho thanh niên. Phải xem công việc giáo dục văn hóa ứng xử cho thanh niên là công việc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ tư, các cấp quản lý văn hoá cần quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài lực trong việc tạo dựng, kiến thiết hệ thống các thiết chế văn hóa. Cụ thể, cần đầu tư các thiết chế văn hoá một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân nói chung và thanh niên nói riêng (như hệ thống cảng, nhà ga, sân vận động, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, công viên, khu vui chơi giải trí…). Bởi chính trong không gian, môi trường văn minh, hiện đại với cách bài trí cảnh quan hài hòa, thân thiện, mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, tộc người, chắc chắn sẽ được lan tỏa và hạn chế được những hành vi phi văn hóa của nhiều người, đánh thức và lan tỏa những hành động đẹp, hướng con người đến những giá trị nhân văn, tốt đẹp. Nghiên cứu, tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với nhu cầu của người dân. Thông qua những hoạt động đó, người dân được nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cũng như rèn luyện, trau dồi vốn văn hóa ứng xử của bản thân.

2.2. Nhóm giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức

Một là, xây dựng và phát sóng đều đặn nhiều chương trình phát thanh truyền hình, báo điện tử về chuẩn mực văn hóa ứng xử nói chung và chuẩn mực văn hóa ứng xử tại nơi công cộng nói riêng. Chẳng hạn trên VTV3 nhiều năm nay chiếu series phim ngắn hoạt hình "Quà tặng cuộc sống" trong đó hầu hết mang nội dung về giáo dục cách thức ứng xử, xử sự giữa con người với con người và giữa con người với cảnh quan môi trường. Hay như chuyên mục Truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát sóng nhiều truyện nói về văn hóa ứng xử giữa con người với nhau và giữa con người với môi trường. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội nhiều năm qua cũng nỗ lực xây dựng những chương trình với cùng hướng đi như vậy, ví dụ như: Chương trình Người Hà Nội; Hà Nội của chúng ta; Hà Nội những góc nhìn, Hà Nội đẹp và chưa đẹp; Văn hóa sống; Sống an toàn; Các tiểu phẩm, trailer tuyên truyền cổ động...Các chủ đề của các chương trình tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến về các quy tắc ứng xử ở nơi công cộng; tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa tại các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ quan, các tụ điểm sinh hoạt công cộng và trên mạng xã hội; phê phán những thói hư, tật xấu đang tồn tại trong xã hội hiện đại như: Bệnh thờ ơ, vô cảm; Bệnh thành tích; thói hoang phí; ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa,... đồng thời  nhân rộng những hành động đẹp trong ứng xử của con người, từ đó giúp thay đổi hành vi và ứng xử thiếu văn minh của người dân nói chung và thanh niên nói riêng. Nhìn chung, những chương trình như thế rất hấp dẫn với khán thính giả, nhất là những người trẻ. 

Hai là, các đài phát thanh, truyền hình cần cập nhật trong các bản tin thời sự những hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa đang bị dư luận lên án, cũng như đề cao những cá nhân, tập thể, những điển hình trong về xây dựng lối sống văn hóa trong cộng đồng.Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, nhiều chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử tại các lễ hội, tại nơi công cộng cũng được ghi nhận. Việc tuyên truyền cần phải thực hiện liên tục, trong thời gian dài, không thể ngắt quãng hay theo kỳ cuộc. Có như vậy mới định hình được những chuẩn mực ứng xử có văn hóa trong cộng đồng, từ đó giúp những quy tắc ứng xử đó ăn sâu và bám rễ chặt chẽ trong cuộc sống của thanh niên nói riêng và mọi người dân nói chung. - Các đài phát thanh truyền hình, các báo điện tử, báo in nên có những chuyên mục, chuyên trang chuyên đề định kỳ về giáo dục, bồi dưỡng văn hóa ứng xử cho thanh niên. Những chuyên mục này tập trung vào việc biểu dương ca ngợi những lời nói hay, việc làm tốt, cách ứng xử đẹp trong cộng đồng. - Tổ chức có hiệu quả các hội sách, nâng cao văn hóa đọc cho thanh niên, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, văn hóa ứng xử. 

Ba là, tổ chức định kỳ Giải báo chí về Văn hóa ứng xử. Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải báo chí về chủ đề "Văn hóa ứng xử". Đây là lần đầu tiên giải báo chí về văn hóa ứng xử được tổ chức, là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước. Bốn là, tuyên truyền cho thanh niên về những chuẩn mực văn hoá ứng xử đẹp cần học hỏi của các nước phát triển. Ví dụ, về văn hóa ứng xử nơi công cộng tại Mỹ, Nhật Bản…: "Tiếng xin lỗi và lời cám ơn luôn được sử dụng nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, xe buýt; không phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu trên đường; xếp hàng trật tự khi đi siêu thị, nhà hàng, xe buýt; khi đi ra ngoài mang theo một bịch bóng nhỏ để đựng rác…" Xã hội nào cũng có nhiều nét văn hóa, trong đó văn hóa ứng xử tuy không có gì cao siêu, nó rất giản dị và bình thường, nhưng nó làm cho con người đối xử với nhau tốt đẹp hơn, do đó cần tuyên truyền rộng rãi để xây dựng ý thức tốt đẹp cho thanh niên. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần thông tin kịp thời, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Bên cạnh việc tuyên truyền điều hay, ứng xử đẹp thì cần mạnh dạn lên án, phê bình những hành vi xấu, ứng xử chưa tốt mới có thể cảnh tỉnh những hành vi phản văn hoá, thuyết phục và thay đổi nhận thức, hành vi của người dân nói chung và thanh niên nói riêng. 

 2.3. Nhóm giải pháp về giáo dục, nêu gương

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: "Lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới". Chính vì thế, việc giáo dục nêu gương ngay từ chính những môi trường, con người gần gũi, thân thuộc nhất với thanh niên là việc làm hết sức quan trọng. 

 * Trong gia đình

- Các bậc cha mẹ cần trở thành những tấm gương về văn hóa ứng xử cho con mình thông qua những hành vi ứng xử có văn hóa của mình trong mọi tình huống cuộc sống, trong đó có nơi công cộng. Những hành vi và cách ứng xử văn hóa của các bậc cha mẹ tại nơi công cộng, nhất là trước sự chứng kiến của con cái sẽ là một tấm gương mẫu mực cho các em noi theo.

- Các bậc cha mẹ cũng cần thường xuyên quan tâm, theo dõi thái độ, hành vi của con mình, nhất là tại nơi công cộng, đông người; để ý, quan tâm đến những bài con đăng trên Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác để kịp thời góp ý, uốn nắn, điều chỉnh nếu nhận thấy những hành vi, bài đăng đó chưa thực sự phù hợp.

- Tăng cường các buổi trò chuyện, tâm sự với con để hiểu con hơn. Kịp thời lắng nghe những vấn đề khúc mắc trong quan hệ ứng xử và các mối quan hệ cá nhân của con để cùng đồng hành với con giải quyết những vấn đề đó. Trong trường hợp con có những thái độ hay cách hành xử nơi công cộng hay ở một môi trường nào đó thì cha mẹ nên chọn cách thức nhẹ nhàng phân tích, giảng giải để tự bản thân thanh niên nhận ra những sai lệch của mình và tự điều chỉnh.

- Tránh những hình phạt hay hành vi chửi mắng con khi con vi phạm các quy tắc ứng xử tại nơi công cộng. Cha mẹ cần giữ thể diện cho con mình do lứa tuổi này, cái Tôi của các em phát triển rất mạnh và các em rất dễ bị tổn thương nếu ai đó xúc phạm đến các em. - Cha mẹ cũng có thể lựa chọn những bộ phim, những cuốn sách, truyện... hay có hướng dẫn về hành vi ứng xừ có văn hóa cho lứa tuổi thanh thiếu niên để cùng thưởng thức với con rồi cùng trò chuyện với con về những vấn đề con rút ra được từ những ấn phẩm đó.

- Thường xuyên liên lạc, phối hợp với thầy cô, nhà trường để kịp thời nắm bắt những vấn đề về thái độ, hành vi ứng xử của con mình tại trường. Nếu con có những hành vi không chuẩn mực, thiếu văn hóa thì cha mẹ phối hợp với thầy cô và nhà trường trong giúp đỡ, hỗ trợ con uốn nắn hành vi để tiến bộ hơn.Cha mẹ cũng có thể thường xuyên hỏi tình hình của con thông qua bạn thân của con để hiểu con hơn vì có những vấn đề các con chia sẻ được với bạn nhưng lại khó có thể chia sẻ thẳng thắn với cha mẹ. Bên cạnh đó, để gia đình có thể thực hiện tốt điều trên, rất cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về những giá trị đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa gia đình, những quy tắc ứng xử chuẩn mực giữa các thành viên gia đình…Từ năm 2014 đến nay, chủ đề công tác gia đình là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình". Chủ đề này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai rộng khắp trong nhiều năm qua. Đây cũng là thông điệp nhấn mạnh vị trí, vai trò của gia đình trong việc xây dựng nhân cách, phát triển toàn diện con người.

* Tại trường học

- Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại; các hoạt động trải nghiệm học về giá trị sống, kỹ năng sống để các em dần hình thành thái độ và hành vi ứng xử đúng đắn.

- Lồng ghép các nội dung nói chuyện, tọa đạm về văn hóa ứng xử trong các buổi sinh hoạt đầu tuần hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khó tại trường học để các em cải thiện và nâng cao văn hóa ứng xử của mình không chỉ trong môi trường học đường mà còn trong các không gian công cộng, nơi các em tham gia vào các hoạt động giao thông, vui chơi giải trí và tâm linh tín ngưỡng. Lồng ghép các nội dung về văn hóa ứng xử tại nơi công cộng vào các tiết học ngữ văn, giáo dục công dân để qua đó các em thẩm thấu những quy tắc, quy định chuẩn mực ứng xử một cách tự nhiên nhất.Chú trọng giáo dục truyền thống văn hoá cho thanh niên thông qua việc tuyên truyền, giáo dục những bài học về đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực cho thanh niên. Giáo dục thái độ sống đúng đắn, thuận theo chuẩn mực giá trị của xã hội. Bồi dưỡng cho thanh niên triết lý sống: "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; "nói đi đôi với làm", lấy việc chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ người thân, bạn bè cùng học, người yếu thế trong xã hội làm niềm vui, lẽ sống và hành phúc của mỗi người. Giáo dục ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, đề cao tinh thần yêu nước gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, ham cống hiến, đấu tranh chống tiêu cực, quan điểm sai trái chống phá chế độ, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa.

- Nhà trường có thể phát động những cuộc thi sân khấu, trại sáng tác... về văn hóa ứng xử, nhất là văn hóa ứng xử nơi công cộng để các em có cơ hội được nâng cao hiểu biết và trau dồi các giá trị văn hóa ứng xử phù hợp (với từng đối tượng giao tiếp và trong từng hoàn cảnh, môi trường). Nhà trường cần chọn lựa và giảm bớt các phong trào không thật sự hiệu quả, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chú trọng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: Truyền thống tôn sư trọng đạo; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; lễ phép với thầy cô giáo; kính trên nhường dưới, thân ái với bạn bè; nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên với bản thân, gia đình, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước. Đưa các nội dung tuyên truyền về văn hóa ứng xử, giới thiệu các tấm gương đẹp về văn hóa ứng xử vào các bản tin, phát thanh của nhà trường.Xây dựng và trưng bày hệ thống pano, áp phích về những quy tắc, chuẩn mực ứng xử tại nơi công cộng và trong nhà trường tại một số địa điểm dễ quan sát và thu hút sự chú ý của học sinh.Tạo và duy trì hoạt động hộp thư ý kiến để giáo viên và học sinh kịp thời báo cáo, phản ánh những tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử học đường, bạo lực học đường... đang diễn ra để Ban Giám hiệu nhà trường kịp thời xử lý.

- Kịp thời tuyên dương trước toàn trường những tấm gương thầy cô giáo và học sinh làm được những việc tốt, được xã hội đánh giá cao để các em lấy đó là những tấm gương để học tập và tự hào. - Thầy cô cũng cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi ứng xử lệch chuẩn, thiếu văn hóa của học sinh, kể cả trong môi trường ngoài nhà trường. Dành thời gian chia sẻ, tâm sự, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em để kịp thời phản ánh với Ban Giám hiệu và gia đình các em.

- Nhà trường, thầy cô tuyệt đối không được dùng những lời lẽ xúc phạm hay những hành vi bạo lực đối với những em có hành vi ứng xử chưa đẹp, thiếu văn hóa trong nhà trường hoặc trong môi trường công cộng ngoài nhà trường; thay vào đó, thầy cô, nhà trường cần tìm hiểu rõ sự việc để tìm hướng xử lý giải quyết phù hợp.

- Đề xuất xây dựng mô hình "Đôi bạn cùng tiến – Ứng xử văn minh" trong đó ghép một bạn học sinh, sinh viên có những hành vi tích cực, chuẩn mực với một bạn học sinh, sinh viên thường xuyên thực hiện những hành vi ứng xử chưa đẹp để cùng uốn nắn, điều chỉnh hành vi cho nhau, từ đó còn tăng gắn kết giữa các em trong học tập và trong các hoạt động. - Tăng cường các nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và ứng xử hài hòa với môi trường tự nhiên vào trong nội dung các tiết học giá trị sống, giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tọa đàm...

- Đẩy mạnh việc kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục văn hóa ứng xử cho thanh niên. Đây là giải pháp quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của gia đình, nhà trường, xã hội trong chăm lo, giáo dục thanh niên. Sự thống nhất các tác động giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp cho thanh niên phát triển toàn diện nhân cách. Trong quá trình hoạt động chung, với sự phối hợp giáo dục chặt chẽ của người lớn, ý thức, thại độ và hành vi ứng xử văn hóa của thanh niên được hình thành, kinh nghiệm hành vi ứng xử đúng đắn trong các tình huống khác nhau được tích lũy. Chỉ có thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục thanh niên thì chúng ta mới có thể làm phát triển văn hóa ứng xử, bộ mặt đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng sống và tạo nên những nét đẹp trong lối sống của các em. Có thể nói, sự thống nhất phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là điều kiện tiên quyết trong công tác giáo dục thanh niên.

- Các thầy cô phải thường xuyên tâm niệm nghề giáo của mình là quan trọng, có  ý nghĩa, luôn rèn đức, luyện tài, chuẩn mực trong từng lời ăn, tiếng nói, trang phục, cử chỉ, xứng đáng là tấm gương sáng cho học trò noi theo, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ". 2.4. Nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp lý, chính sách.

Một là, cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng. Tập trung xây dựng, bổ sung những quy tắc, quy định về văn hoá ứng xử (giao tiếp), việc sử dụng từ xưng hô và có hành vi ứng xử đúng chuẩn mực. Đồng thời, cần xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Đối với mỗi ngành nghề, theo tính chất nghề nghiệp, quy định về đạo đức, lối sống của mỗi đối tượng tại nơi làm việc cũng như tại các không gian công cộng cũng cần được quy định chi tiết.

Hai là, có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa giáo dục, vừa răn đe, giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để sống và làm việc tốt hơn và thực thi nghiêm chế tài. Trên thực tế, luật của chúng ta đã có, chế tài cũng đã có nhưng còn chưa thật sự đủ sức răn đe, vì thế cần: tăng nặng mức phạt đối với các hành vi ứng xử thiếu văn hóa tại nơi cộng cộng; thêm chế tài lao động công ích đối với những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng như: quét dọn khu phố; quét dọn công sở, nơi làm việc; đi đổ rác... Các địa phương cần thống nhất xây dựng ban hành các bộ quy tắc ứng xử cho thanh niên và áp dụng cho tất cả các đối tượng thanh niên trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục... Trên cơ sở các bộ quy tắc ứng xử được ban hành, xây dựng, các tỉnh, thành đoàn thực hiện việc khảo sát lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, thanh niên sinh sống trên địa bàn... trước khi ban hành rộng rãi và áp dụng trên thực tế. Nội dung của bộ quy tắc cần bao quát mọi hoàn cảnh ứng xử giao tiếp; mọi địa điểm ứng xử; xác định rõ yêu cầu, nguyên tắc, tiêu chí đánh giá, đo lường về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử (bao gồm cả hành vi ngôn ngữ và hành vi phi ngôn ngữ). Bộ quy tắc nên có những quy định rõ ràng về những hành vi được phép hay không được phép trong quá trình giao tiếp, ứng xử, nhất là tại nơi công cộng. Bộ quy tắc ứng xử cũng nên xác định rõ chế tài (khen/chê; thưởng/phạt; mức độ xử lý...) khi thanh niên vi phạm. Trước khi ban hành rộng rãi, bộ quy tắc ứng xử này cần được áp dụng thử nghiệm để xem ảnh hưởng xã hội của bộ quy tắc ứng xử này đến đâu, triển khai có vướng mắc gì không để tiếp tục điều chỉnh. Trên cơ sở bộ quy tắc ứng xử chung cho tất cả các đối tượng thanh niên thì từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư... sẽ nghiên cứu, ban hành các nguyên tắc, chuẩn mực giao tiếp ứng xử đặc thù, phù hợp với đặc điểm riêng của cơ quan, đơn vị, khu phố mình. Bên cạn đó, cũng cần có tiêu chí cho việc xây dựng văn hóa ứng xử ở từng lĩnh vực cụ thể như: người tham gia giao thông, người dân tham gia các hoạt động tâm linh tín ngưỡng, vui chơi giải trí... Tuy nhiên, dù có những đặc thù riêng thì các nguyên tắc thực hiện hay nội dung điều chỉnh của các quy định không được mâu thuẫn với bộ quy tắc ứng xử chung.

Ba là, tăng cường trách nhiệm xử lý các vi phạm quy tắc ứng xử, nếp sống văn minh cho các cấp xã, phường, thị trấn và kiện toàn tổ kiểm tra liên ngành về thực hiện văn hóa ứng xử, văn minh đô thị. Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa. Chú trọng việc "chuẩn hóa" cán bộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng lồng ghép các phong trào văn hóa trong cuộc vận động thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa ở cơ sở để nhân rộng hơn nữa các địa bàn dân cư có văn hóa, sống văn minh, lành mạnh, không có tệ nạn xã hội. Tăng cường cơ chế phối hợp trong quản lý văn hóa giữa các bộ ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là với các cơ quan giáo dục, thông tin truyền thông, pháp luật, an ninh... trong quản lý, xử lý các hành vi lệch chuẩn xã hội trong môi trường công cộng của thanh niên nói riêng và mọi người dân nói chung.

3. Kết luận

Như vậy, bài viết đã đề xuất một số nhóm giải pháp căn cơ nhằm cải thiện và nâng cao văn hoá ứng xử của thanh niên tại nơi công cộng hiện nay. Để hoạt động này đạt hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đồng thời phải tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát trong áp dụng các biện pháp nêu trên.

TS. Nguyễn Tuấn Anh

Viện Nghiên cứu  Thanh niên