Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản

Thứ năm, 29/08/2024 - 08:59

Ngày 28/8 tại Hà Nội, Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” đã được tổ chức thành công tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nông nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn do Tạp chí Kinh Doanh thực hiện, với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và hiệu quả chuỗi giá trị nông sản – một yếu tố cốt lõi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh thị trường quốc tế, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông sản một cách hiệu quả đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản, và đặc biệt là xây dựng các liên kết chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc phát triển chuỗi giá trị nông sản hiệu quả là yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bà Vân cho rằng việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị – từ người nông dân, HTX, đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu – là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Một số giải pháp cụ thể được đề xuất bao gồm việc ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, cải tiến giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Đức Viên – Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Ngày nay, những nền nông nghiệp lớn nhất thế giới luôn đi kèm với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các nền tảng công nghệ phát triển vượt bậc, hoàn toàn không phụ thuộc vào diện tích tự nhiên của đất nước đó lớn hay nhỏ. Xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được định hướng theo việc ứng dụng chặt chẽ với những công nghệ mới, tiên tiến nhằm vận hành và sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn hay được hiểu là công nghệ cao với mục đích nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm.

Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là một chiến lược dài hạn để bảo đảm sự thịnh vượng cho nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lại. Trong phần thảo luận, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản.

Một trong những điểm nhấn của Diễn đàn là sự cần thiết phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp bền vững. Các đại biểu đã thảo luận về việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh và nông nghiệp tuần hoàn như những hướng đi cần thiết để đảm bảo sự bền vững. Ngoài ra, việc xây dựng các liên kết dài hạn giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ, cũng được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính bền vững.

Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp đã đưa ra một số biên pháp để đảm bảo sự bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu toàn cầu, Việt Nam cần: Tăng cường xuất khẩu 10 nông sản chủ lực vốn đã có thị trường ổn định; Triển khai việc thực hiện nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi sang thị trường Trung Quốc; Quyết liệt trong tháo gỡ "thẻ vàng" IUU của EU về thủy sản càng sớm càng tốt…; Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kho bãi và hệ thống logistics, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển… Qua đó, tăng thêm cơ hội xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường chủ lực Trung Quốc, và kết nối chặt chẽ với hệ thống thương mại biên mậu với các quốc gia trong khu vực…Cuối cùng là cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, sự minh bạch trong truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng yêu cầu của bên nhập khẩu.

Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt, mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị vẫn còn lỏng lẻo, thiếu tính ổn định và chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Để khắc phục những hạn chế này, các đại biểu đề xuất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của nhà nước, đồng thời cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp.

Diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản" đã khép lại với sự đồng thuận cao về việc cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nhằm đảm bảo chuỗi giá trị nông sản phát triển hiệu quả và bền vững. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

PV