TNV - Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nên những năm qua, số doanh nghiệp ngoài nhà nước, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh cả về số lượng, loại hình, quy mô. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, hiện có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên.
Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn Thanh niên là chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, thanh niên. Trong đó, quan tâm chăm lo đời sống, tinh thần cho đoàn viên, thanh niên luôn là mục đích mà các phong trào của tổ chức Đoàn hướng tới. Vì vậy mà sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn Thanh niên và Ban Giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng được cho là tất yếu để có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đề ra góp phần xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên ngày càng phát triển vững mạnh.
Thực tế cho thấy, việc thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước giúp đoàn viên, thanh niên có thêm sân chơi bổ ích, đồng thời giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất - kinh doanh. Chính vì vậy, nhằm củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện nay cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp, thanh niên công nhân lao động về sự cần thiết của việc thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp.
Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tuyên truyền về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Thanh niên, Luật Lao động và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp. Về lợi ích của thanh niên công nhân lao động còn đang trong tuổi Đoàn khi tham gia vào Đoàn, của doanh nghiệp khi có tổ chức Đoàn. Tuyên truyền phổ biến và nhân rộng những điển hình, kinh nghiệm tốt của những nơi thực hiện có kết quả về công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Đoàn, kết quả hoạt động của tổ chức Đoàn.
Chú trọng đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Các cấp bộ Đoàn phải linh hoạt sử dụng nhiều hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Xây dựng được kế hoạch tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tổ chức Đoàn và Chương trình phát triển đoàn viên. Biên soạn các nội dung, pano, áp phích, khẩu hiệu, tài liệu tuyên truyền về tổ chức Đoàn Thanh niên, về quyền lợi của đoàn viên khi tham gia tổ chức Đoàn và trách nhiệm của tổ chức Đoàn đối với đoàn viên; những lợi ích của chủ doanh nghiệp khi có tổ chức Đoàn tại doanh nghiệp. Các tài liệu này phải được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ làm căn cứ để các cấp bộ Đoàn thực hiện công tác tuyên truyền tại đơn vị mình. Dựng Pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, những nơi tập trung đông thanh niên công nhân. Bên cạnh đó cần phải có biện pháp tuyên truyền cụ thể đối với chủ doanh nghiệp như: Gặp gỡ, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp tạo điều kiện để thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên, tuyên truyền về vai trò nhiệm vụ của tổ chức Đoàn. Làm sao cho chủ doanh nghiệp hiểu rằng ngoài việc chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên công nhân, Đoàn còn vận động giáo dục đoàn viên, thanh niên chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, đồng thời Đoàn cũng là người tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Thứ hai, phải đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội đối với việc phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức Đoàn.
Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng luôn yêu cầu các cấp uỷ Đảng phải thường xuyên chăm lo củng cố, tăng cường lãnh đạo công tác thanh vận và hoạt động của tổ chức Đoàn; thông qua tổ chức Đoàn để tập hợp, đoàn kết, vận động đông đảo đoàn viên thanh niên,công nhân, lao động thực hiện đường lối của Đảng về phát triển kinh tế xã hội; xây dựng thế hệ thanh niên thời kỳ mới; phát huy mạnh mẽ vai trò của Đoàn Thanh niên để thực hiện tốt các mặt công tác của Đảng. Vì vậy, các cấp ủy Đảng cần phải tăng cường sự lãnh đạo, quan tâm sâu sát đối với việc thành lập tổ chức Đoàn.
Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ, phối kết hợp các cấp chính quyền, với UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể, chính trị- xã hội để nắm được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, công nhân để kịp thời động viên họ tham gia tổ chức Đoàn.
Thứ ba, thực hiện thường xuyên công tác khảo sát, điều tra, thống kê tình hình đoàn viên thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Để có số liệu thống kê chính xác làm căn cứ lập kế hoạch phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các cấp bộ Đoàn cần phải thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng kế hoạch khảo sát, điều tra, thống kê nắm tình hình đoàn viên, thanh niên và doanh nghiệp ở cả những doanh nghiệp đã có tổ chức Đoàn và doanh nghiệp chưa có tổ chức Đoàn. Trên cơ sở đó, đánh giá, phân tích số liệu thống kê, phân loại doanh nghiệp theo từng địa bàn hoạt động và số lượng đoàn viên, thanh niên, xác định tỷ lệ doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức Đoàn theo quy định của Điều lệ Đoàn và giao chỉ tiêu, doanh nghiệp cụ thể cho các đơn vị có trách nhiệm vận động phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức Đoàn.
Thứ tư , nêu cao vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên trong công tác phát triển đoàn viên, củng cố phát triển Đoàn Thanh niên trong các doanh nghiệp. Đoàn phải chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng linh hoạt, phù hợp, thiết thực với điều kiện cụ thể, chăm lo xây dựng tổ chức vững mạnh, thực sự là sợi dây kết nối lợi ích giữa đoàn viên, thanh niên đang làm việc tại đoanh nghiệp và chủ doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động, căn cứ vào từng thời điểm, từng đối tượng, từng doanh nghiệp cụ thể để có sự vận dụng, hoặc thay đổi nội dung, hình thức sinh hoạt một cách linh hoạt. Không chạy theo số lượng mà phải coi trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn tại những cơ sở hiện tại, xây dựng Đoàn vững mạnh, thực chất. Bên cạnh đó cũng là điều kiện quan trọng để thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, công nhân tham gia Đoàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đoàn cấp trên trong tổ chức và hoạt động của Đoàn cơ sở; lấy mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh niên làm nhiệm vụ trọng tâm, là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của các cấp bộ Đoàn. Mặt khác, tổ chức động viên đoàn viên, thanh niên đẩy mạnh các phong trào thi đua, cùng đồng hành với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Thứ năm, tăng cường thông tin, đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đoàn hoạt động.
Tăng cường xây dựng mối quan hệ với chủ doanh nghiệp thông qua hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ các nhà quản lý doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ, để có thể chia sẻ trực tiếp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để giới chủ doanh nghiệp hiểu rõ về tổ chức Đoàn Thanh niên, sự cần thiết phải phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Đoàn cũng như tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn hoạt động xây dựng mối quan hệ hài hoà, tốt đẹp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng tăng theo cả số lượng và quy mô. Vì thế, để thực hiện những giải pháp trên một cách có hiệu quả, các cấp bộ Đoàn cần nắm chắc thực trạng hoạt động của các tổ chức Đoàn cũng như vận động thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại địa phương và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để phát triển tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cần phải có sự chung tay, phối hợp tốt của các cấp ủy Đảng, các ngành, chính quyền địa phương và sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các doanh nghiệp. Do đó, mỗi cán bộ Đoàn, đoàn viên và các cấp bộ Đoàn cần xác định rõ nhiệm vụ của mình trong việc tuyên truyền, vận động, đoàn kết tập hợp thanh niên, vận động thành lập, xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đoàn về cả số lượng và chất lượng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp nói riêng và tổ chức Đoàn Thanh niên nói chung.
Lê Ngọc Duy
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam