Giải pháp thực hiện tốt chính sách về tăng trưởng xanh tỉnh Bình Dương

Thứ sáu, 19/07/2024 - 16:21

Tóm tắt: Bài viết trình bày về tiềm năng phát triển xanh của tỉnh Bình Dương và các chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh mà Bình Dương ban hành trong thời gian vừa qua.

Từ đó, bài viết kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách tăng trưởng xanh của Bình Dương trong thời gian tới. Những giải pháp này nhằm hỗ trợ Bình Dương trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, đồng thời duy trì và phát triển bền vững trong tương lai.

Từ khóa: Tăng trưởng xanh, thành phố thông minh, phát triển bền vững.

1. Tiềm năng phát triển xanh của tỉnh Bình Dương

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển xã hội. Điểm đặc biệt trong phát triển của Bình Dương là tỉnh định hướng phát triển thành phố thông minh, xây dựng đô thị phát triển bền vững, trong đó nổi bật với những quan điểm, chương trình hành động về tăng trưởng xanh của đô thị.

Hiện tại, Bình Dương đã quy hoạch 33 khu công nghiệp, với tổng diện tích lên tới 14.790 ha, tương đương khoảng 25% diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam và 13% diện tích khu công nghiệp của cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh còn quy hoạch 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 789,91 ha. Trong số này, 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích 11.962,81 ha. Một khu công nghiệp đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng (khu công nghiệp Cây Trường) với tổng diện tích 700 ha. Đồng thời, 10 cụm công nghiệp cũng đã hoạt động với diện tích 648,29 ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp là khoảng 67,4%. Những kết quả này đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu đầu tư của cả các doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Nhìn về phía trước, Bình Dương định hướng chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tập trung vào tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng hiệu quả, cũng như phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu khí nhà kính.

Nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh mới, phù hợp với nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, đang được triển khai hiệu quả trong khu vực tư nhân, tạo ra nhiều cơ hội và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Ví dụ, tại Khu công nghiệp VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam với cam kết trung hòa carbon, theo hướng phát triển xanh và bền vững. Nhà máy này không chỉ đạt mục tiêu không phát thải carbon mà còn góp phần tích cực vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh. Tương tự, nhà máy bia AB InBev (VSIP II-A) đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất 840.600 kWh/năm, tương đương khoảng 20% tổng lượng điện tiêu thụ hàng năm của nhà máy. Gần đây, tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự định đầu tư trên 200 triệu đô la Mỹ để xây dựng Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về sản xuất giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo.

Thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, từ năm 2022, Liên Đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa thêm bộ chỉ số năng lực xanh cấp tỉnh PGI (Provincial Green Index) vào đo lường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương về môi trường kinh doanh xanh bao gồm: mức độ thích ứng với biến đổi khí hậu; mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác. Theo đó, năm 2022, Bình Dương xếp hạng 46/63 tỉnh thành, năm 2023, Bình Dương xếp hạng 22/63 tỉnh thành. Việc tăng 24 bậc trong chỉ số năng lực xanh cấp tỉnh PGI trong một năm là một thành tựu nổi bật, cho thấy Bình Dương đã có những bước tiến rõ rệt trong việc nâng cao các chỉ số liên quan đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Con số này có thể giúp Bình Dương trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho các dự án đầu tư, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp xanh và công nghệ sạch. Đồng thời, sự cải thiện này là kết quả của việc thực hiện hiệu quả các chính sách và chương trình liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, điều này cũng khuyến khích chính quyền tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao các nỗ lực trong phát triển xanh của tỉnh.

2. Các chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh của tỉnh Bình Dương

Năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ và Chương trình số 113/CTr-TU ngày 22/3/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Kế hoạch phấn đấu mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Dương cơ bản trở thành một thành phố thông minh và đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là một trong các đô thị hiện đại, đáng sống, văn minh, nghĩa tình. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới; đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nhất là phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực. Phát triển công nghiệp thế hệ mới hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0 tạo lập một vành đai công nghiệp. Xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước. Đảm bảo tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tổ chức bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2045, Bình Dương phấn đấu trở thành địa phương có cơ cấu kinh tế hiện đại; là một bộ phận quan trọng trong trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và là một trong những trung tâm tài chính của khu vực; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường; đảm bảo tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Sau khi "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030" được triển khai, ngày 04/8/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 3961/KH-UBND về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2030. Đây được cho là động thái nhằm chuyển biến từ nhận thức tới hành động, đồng thời quán triệt các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tập trung thực hiện; gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện kế hoạch với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đã đề ra 18 hoạt động, nhiệm vụ cụ thể, trong đó tỉnh chú trọng xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước gắn với các mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa sống xanh; Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành nghề xanh và bồi dưỡng kỹ năng quản trị điều hành về tăng trưởng xanh. Tại Đại hội XI Đảng bộ tỉnh cũng đưa ra nhiều mục tiêu tổng quát, trong đó có mục tiêu xây dựng và phát triển Bình Dương trở thành đô thị văn minh giàu đẹp, đồng thời, định hướng tương lai, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố với hạt nhân là vùng địa bàn thông minh. Tỉnh Bình Dương cũng đặt mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế qua việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

3. Kiến nghị một số giải pháp thực hiện tốt chính sách về tăng trưởng xanh tỉnh Bình Dương

Một là, cần thực hiện rà soát và đề xuất Trung ương hoàn thiện khung cơ chế, chính sách và pháp luật để thúc đẩy việc cơ cấu lại nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh. Cụ thể, việc tích hợp nguyên tắc tăng trưởng xanh cần được thực hiện trong các chiến lược, quy hoạch tỉnh, và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và vùng lãnh thổ. Điều này nên được thực hiện theo hướng tăng cường tính liên ngành và liên vùng, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính và các chất ô nhiễm, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là đối với các vùng dễ bị tổn thương. Để hỗ trợ quá trình này, cần đề xuất Trung ương hoàn thiện, đồng bộ cơ chế và chính sách đầu tư nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi. Đồng thời, cần chủ động huy động mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh và thúc đẩy tăng trưởng xanh một cách hiệu quả.

Hai là, Đẩy mạnh tăng trưởng xanh dựa trên đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tích cực tham gia, tổ chức hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực, phối hợp nghiên cứu chuyển giao công nghệ thực hiện tăng trưởng xanh; nghiên cứu, đề xuất với các đối tác phát triển về các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho tăng trưởng xanh; hỗ trợ kết nối các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài; chủ động phối hợp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như các thách thức đối với thực hiện tăng trưởng xanh.

Ba là, Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo hướng tăng cường khả năng kết nối và thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức; phát triển kết cấu hạ tầng logistics theo hướng xanh. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch thể thao mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh.

Bốn là, tăng cường truyền thông về các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh trong ngành giáo dục, cộng đồng dân cư và các đơn vị cơ quan, doanh nghiệp. Cần phải tổ chức các chương trình giáo dục, tạo ra các chiến dịch thông tin và tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, từ việc giữ gìn sạch sẽ đến việc tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Đồng thời, cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quản lý và bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tình nguyện và các dự án cộng đồng. Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức với kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý và phát triển đô thị xanh và bền vững.

4. Kết luận

Bình Dương đã chứng tỏ những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện chính sách tăng trưởng xanh, với nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng phát triển bền vững. Các kết quả đạt được, như việc cải thiện chỉ số năng lực xanh cấp tỉnh, cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững. Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các mô hình sản xuất xanh đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh.

Chính sách và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, được triển khai qua các văn bản và kế hoạch cụ thể, thể hiện rõ mục tiêu của Bình Dương trong việc trở thành một thành phố thông minh. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh, đầu tư vào khoa học công nghệ, cải thiện hạ tầng và tăng cường truyền thông về lối sống xanh là những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu dài hạn.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao thành tựu này, Bình Dương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực, cải thiện quản lý và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng. Việc này sẽ không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh mà còn khẳng định vai trò của Bình Dương như một trung tâm phát triển kinh tế và công nghệ xanh trong khu vực./.

Bùi Thị Phương Trâm

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo chỉ số năng lực xanh cấp tỉnh PGI (Provincial Green Index) của Liên Đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI): https://pcivietnam.vn/pgi/ho-so-tinh/binh-duong

- Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương (2023), Kế hoạch hành động số 3961/KH-UBND về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 – 2030, Kế hoạch số 3961/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.