Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

Thứ hai, 02/01/2023 - 11:00

TNV - Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

GDNN cho thanh niên được quan tâm đặc biệt

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, nhất là độ tuổi thanh niên. Do vậy, hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực nhằm tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, đẩy nhanh trí thức hóa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và người lao động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước ta.

Thí sinh Đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 tổ chức tại thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan, thuộc Liên bang Nga (Ảnh: gdnn.gov.vn).

Trên cơ sở quan điểm trên, Bộ LĐTBXH đã đề ra các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, linh hoạt, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, hình thành đội ngũ lao động trẻ, lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Xu hướng phát triển GDNN

Trước xu hướng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đào tạo đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, khu vực; sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông đang và sẽ tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có GDNN; tại Việt Nam, nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của GDNN, đào tạo cho thanh niên đã có sự chuyển biến tích cực; hoạt động đầu tư của nhà nước và xã hội cho GDNN từng bước được nâng lên; các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở GDNN được cải thiện.

Hiện nay, có một số xu hướng về phát triển GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên được các nước trên thế giới quan tâm gồm: Phát triển bền vững GDNN trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển nguồn nhân lực; GDNN phát triển dưới nhiều hình thức và ngày càng mở rộng tới cấp trung học nhằm trang bị cho thanh niên trẻ những kỹ năng cần thiết để sớm bước vào thị trường lao động; Học suốt đời và xây dựng trường học cộng đồng đòi hỏi thanh niên phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng mới cho bản thân để đáp ứng với những yêu cầu của thế giới việc làm; Kỹ năng được coi là một loại tiền tệ toàn cầu; Sự dịch chuyển từ mô hình đào tạo theo số lượng, sang mô hình đào tạo chất lượng, phân tầng chất lượng (nhất là chất lượng cao và trình độ cao) với quy mô thích hợp theo các giai đoạn phát triển kinh tế; chuyển hướng đào tạo từ diện nghề hẹp, chuyên sâu sang đào tạo diện nghề rộng, tích hợp liên ngành, nghề…

Tồn tại nhiều hạn chế

Tuy có nhiều thành quả đáng khích lệ, nhưng quy mô đào tạo tăng chưa tương xứng với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam; Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, trung học phổ thông (THPT) vào GDNN chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra; Cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu người học theo từng vùng, miền, địa phương;  Một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động; Đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia học nghề còn rất thấp và chủ yếu là tham gia khóa học nghề dưới 3 tháng; Sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của một số quốc gia còn hạn chế do các chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và tổ chức hoạt động đào tạo chưa tương thích, khó chuyển đổi; sự dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước còn chậm.

Các giải pháp đột phá

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại; tích cực học nghề, lập thân, lập nghiệp; trước bối cảnh mới, nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, việc phát triển GDNN, Bộ LĐTBXH xác định một số nhiệm vụ giải pháp chính nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên, gồm:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN, nhất là chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, chính sách học nghề cho thanh niên, cơ sở GDNN và doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau phổ thông vào GDNN và từng bước thực hiện phổ cập nghề cho thanh niên; thu hút người học thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm, ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, sức khỏe... và các đối tượng chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lao động tự do, thanh niên lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, thiên tai, dịch bệnh... được tham gia học nghề; hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cho thanh niên qua đào tạo nghề nghiệp.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia tích cực, có hiệu quả của toàn xã hội đối với việc đổi mới, phát triển GDNN, hướng tới hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở GDNN, người học, người sử dụng lao động và người dân.

Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GDNN đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đồng thời với nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nâng cao năng lực số của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp nhằm nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống GDNN.

Bốn là, hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới; xây dựng và triển khai cơ chế định kỳ thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo; đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế tại nước ngoài; thực hiện công nhận kỹ năng, trình độ đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ ở ngành nghề khác chuyển sang làm giáo viên; phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia đào tạo các cấp trình độ của GDNN; triển khai hiệu quả các cộng đồng, mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề.

Năm là, tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; hình thành các trường chất lượng cao, các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề cao của một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn.

Sáu là, xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội; xây dựng các mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.

Bảy là, tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư cho GDNN; tăng ngân sách nhà nước cho GDNN hàng năm; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong các chương trình, dự án của quốc gia, ngành, địa phương.

Tám là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; khởi nghiệp, đôi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; tăng cường nghiên cứu khoa học GDNN theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động; gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng; gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với nhà trường và doanh nghiệp.

Toàn Thắng