Giải quyết mâu thuẫn tư tưởng trong các mối quan hệ xã hội cho thanh niên Quân đội hiện nay

Thứ hai, 12/05/2025 - 15:26

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, xã hội thông tin và hội nhập quốc tế, thanh niên Quân đội - lực lượng nòng cốt kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, đang phải đối mặt với không ít thách thức về tư tưởng, nhận thức và hành vi trong các mối quan hệ xã hội.

Một trong những vấn đề nổi bật hiện nay là sự xuất hiện và gia tăng của các mâu thuẫn tư tưởng, biểu hiện qua sự phân vân, dao động, thậm chí lệch chuẩn trong quan điểm sống, thái độ chính trị và hành xử xã hội. Việc nhận diện và giải quyết những mâu thuẫn tư tưởng đó là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đội ngũ thanh niên Quân đội vững vàng về bản lĩnh tư tưởng, trong sáng về đạo đức và vững chắc về lập trường chính trị.

1. Nhận diện mâu thuẫn tư tưởng trong các mối quan hệ xã hội của thanh niên Quân đội

Thanh niên Quân đội là lực lượng nòng cốt, chiếm số đông ở các đơn vị trong toàn quân, có tuổi đời từ 18 đến 35 tuổi, sống trong môi trường đặc thù vừa chịu ảnh hưởng của kỷ luật Quân đội, vừa chịu tác động mạnh mẽ từ mạng xã hội, lối sống cá nhân hóa, các quan điểm đa chiều trong đời sống xã hội của nền kinh tế thị trường mang lại. Mâu thuẫn tư tưởng trong thanh niên Quân đội hiện nay thường xuất hiện dưới các hình thức như: (1) Mâu thuẫn giữa lý tưởng cách mạng với lối sống thực dụng. Một số bộ phận thanh niên Quân đội bộc lộ sự hoài nghi, thờ ơ với lý tưởng phục vụ Tổ quốc, thay vào đó là tâm lý muốn hưởng thụ, tìm kiếm sự ổn định và tiện nghi vật chất. (2) Mâu thuẫn giữa trách nhiệm tập thể và nhu cầu cá nhân. Thanh niên Quân đội vừa phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa có những mong muốn cá nhân về học tập, phát triển nghề nghiệp, đời sống tình cảm,… Những mâu thuẫn này nếu không được định hướng tốt dễ dẫn đến cảm giác chán nản, mất phương hướng. (3) Mâu thuẫn trong tiếp cận thông tin. Sự đa dạng, nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội khiến nhiều thanh niên Quân đội tiếp cận thông tin không chính thống, dẫn đến dao động tư tưởng, thậm chí lệch lạc về quan điểm chính trị, ảnh hưởng đến lòng tin vào chế độ và tổ chức. (4) Mâu thuẫn trong mối quan hệ với đồng đội, gia đình, xã hội. Một số thanh niên Quân đội thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, dẫn đến hiểu lầm, xung đột với đồng chí, đồng đội hoặc gia đình, xã hội; từ đó ảnh hưởng đến tính cách, hành vi, bản chất của người quân nhân.

2. Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn tư tưởng của thanh niên Quân đội

Thứ nhất, tác động từ môi trường xã hội bên ngoài. Trong thời đại công nghệ số, thông tin lan truyền nhanh chóng, không ít thông tin sai lệch, xuyên tạc về vai trò của Quân đội, các giá trị xã hội, truyền thống cách mạng,... len lỏi vào nhận thức của thanh niên Quân đội. Nếu không có nền tảng tư tưởng vững chắc, rất dễ xuất hiện tâm lý nghi ngờ, hoài nghi hoặc phủ nhận giá trị truyền thống anh hùng, cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, truyền thống yêu nước, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung.

Thứ hai, sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của con người và xã hội khiến cho nhiều giá trị bị xáo trộn. Những chuẩn mực đạo đức, ứng xử, thậm chí lòng yêu nước, ý chí cống hiến,… đang bị đặt lên bàn cân lợi ích. Sự so sánh giữa "bên trong" và "bên ngoài" đơn vị khiến không ít thanh niên Quân đội cảm thấy "thiệt thòi" hoặc mất phương hướng.

Thứ ba, ảnh hưởng từ gia đình, bạn bè và mối quan hệ tình cảm. Có không ít trường hợp thanh niên Quân đội rơi vào khủng hoảng niềm tin, lo lắng về tương lai, hoặc bị chi phối bởi những mối quan hệ cá nhân không lành mạnh, từ đó hình thành xung đột nội tâm, ảnh hưởng đến niềm tin chính trị và đạo đức người quân nhân.

Thứ tư, thiếu kênh hỗ trợ tâm lý hiệu quả trong đơn vị. Nhiều đơn vị chưa chú trọng đúng mức đến việc tư vấn tâm lý, giáo dục định hướng và giải tỏa áp lực cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là thanh niên mới vào quân ngũ, thực hiện những nhiệm vụ khó khăn hoặc đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng.

3. Hệ lụy của mâu thuẫn tư tưởng đối với thanh niên Quân đội

Những mâu thuẫn tư tưởng trên nếu không được phát hiện và giải quyết kịp thời, có thể dẫn đến các biểu hiện tiêu cực như: suy giảm động lực phấn đấu, giảm hiệu quả huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, thậm chí nảy sinh các hành vi cực đoan như tự cô lập, trầm cảm hoặc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị. Bên cạnh đó, nếu nặng hơn tình trạng này còn ảnh hưởng đến sự ổn định về tư tưởng, chính trị trong đơn vị, làm suy yếu trận tuyến tinh thần và lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc của quân nhân trong Quân đội, lực lượng chính trị trung thành, lực lượng chiến đấu tin cậy của nhân dân.

4. Giải pháp giải quyết mâu thuẫn tư tưởng trong các mối quan hệ xã hội cho thanh niên Quân đội

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và lý tưởng cách mạng cho thanh niên Quân đội.

Giáo dục chính trị không nên dừng ở truyền đạt kiến thức, mà phải đi vào chiều sâu nhận thức, xây dựng bản lĩnh và "sức đề kháng" trước các tác động từ bên ngoài xã hội, lối sống thực dụng, mặt trái của nền kinh tế thị trường. Cần đổi mới hình thức, nội dung giáo dục, gắn với thực tiễn cuộc sống, lấy người thật, việc thật để truyền cảm hứng cho thanh niên. Đặc biệt, cần xây dựng hình mẫu lý tưởng thanh niên Quân đội thời kỳ mới, không chỉ giỏi huấn luyện, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị mà còn vững vàng tư tưởng, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và luôn hòa đồng, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, làm việc có ích cho xã hội. Đồng thời, những câu chuyện đẹp về người lính, tấm gương tiêu biểu trong học tập, huấn luyện, công tác xã hội,… cần được lan tỏa sâu rộng trong Quân đội và cộng đồng toàn xã hội.

Thứ hai, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong các đơn vị.

Tổ chức Đoàn là môi trường gần gũi nhất với thanh niên. Cần nâng cao vai trò dẫn dắt, đồng hành và hỗ trợ tâm lý, tư tưởng cho đoàn viên. Mỗi cán bộ Đoàn phải là người bạn, người đồng hành tin cậy, đủ năng lực để phát hiện những biểu hiện mâu thuẫn tư tưởng và cùng cấp ủy, chỉ huy các cấp có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp. Hoạt động Đoàn cần đổi mới sáng tạo, hấp dẫn, giúp thanh niên thấy được ý nghĩa của việc cống hiến trong quân ngũ. Các diễn đàn "Thanh niên với lý tưởng cách mạng", mô hình "Ngôi nhà đồng đội", "Tổ tư vấn tâm lý",... cần được duy trì hoạt động thực chất và nhân rộng.

Thứ ba, tổ chức đối thoại dân chủ định kỳ giữa chỉ huy các cấp với thanh niên Quân đội.

Việc thiết lập các kênh giao tiếp cởi mở giữa cấp trên và cấp dưới giúp phát hiện sớm mâu thuẫn tư tưởng và giải tỏa kịp thời tâm lý tiêu cực. Đối thoại dân chủ là cơ hội để thanh niên nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng và khó khăn, từ đó lãnh đạo có thể điều chỉnh chính sách, biện pháp quản lý phù hợp và gần gũi hơn để đáp ứng nhu cầu của thanh niên Quân đội. Đồng thời, thông qua đối thoại, thanh niên Quân đội cũng được lắng nghe giải thích rõ ràng về các vấn đề xã hội, chính trị đang diễn ra từ các nguồn thông tin chính thống, từ đó tránh bị nhiễu loạn thông tin từ các nguồn thông tin giả mạo, bịa đặt hay thiếu chính thống.

Thứ tư, làm tốt công tác tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho thanh niên Quân đội.

Cần xây dựng hệ thống cán bộ chính trị trong Quân đội có đủ năng lực và kiến thức "vừa hồng, vừa chuyên" thật sự là người anh, người bạn, người gần gũi nhất của thanh niên Quân đội trong việc giải quyết các xung đột nội tâm, khủng hoảng tư tưởng. Các hình thức như tư vấn tâm lý cá nhân, trị liệu nhóm, tập huấn kỹ năng sống, chống stress,… cần được đưa vào thường xuyên trong các diễn đàn, hoạt động ngoại khóa hay chương trình rèn luyện. Đồng thời, để thanh niên Quân đội tham gia đầy đủ các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu kết nghĩa, văn hóa văn nghệ với nhiều sự đổi mới hấp dẫn, sáng tạo, cuốn hút sự tìm tòi, khám phá để huy động được tất cả mọi người tham gia, từ đó nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho thanh niên Quân đội.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình với đơn vị để nắm bắt tư tưởng cảu thanh niên Quân đội.

Gia đình là điểm tựa tinh thần quan trọng đối với thanh niên Quân đội. Đơn vị cần duy trì kênh kết nối với gia đình thanh niên Quân đội, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chia sẻ thông tin giữa gia đình và đơn vị để cùng phối hợp hỗ trợ, động viên, giúp đỡ thanh niên Quân đội kịp thời. Ngoài ra, tổ chức cho thanh niên Quân đội tham gia các hoạt động xã hội, công tác dân vận, đền ơn đáp nghĩa tại địa phương sẽ giúp họ rèn luyện kỹ năng, ứng xử xã hội, mở mang kiến thức, từ đó họ biết cách giải quyết các mâu thuẫn giữa cá nhân với đồng chí, đồng đội và xã hội một cách tích cực hơn.

Kết luận

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hiện đại hóa Quân đội và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng đội ngũ thanh niên Quân đội vững vàng về tư tưởng là nhiệm vụ mang tính chiến lược. Mâu thuẫn tư tưởng trong các mối quan hệ xã hội nếu không được giải quyết kịp thời và hiệu quả sẽ là rào cản lớn đối với sự phát triển toàn diện của thanh niên Quân đội. Do đó, các cấp ủy, chỉ huy các cấp, tổ chức Đoàn và toàn xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong việc chăm lo đời sống tinh thần, giáo dục lý tưởng, củng cố niềm tin và phát huy sức mạnh nội lực của thanh niên Quân đội. Chỉ khi có bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, trí tuệ sắc bén và trái tim kiên cường, thanh niên Quân đội mới đủ khả năng kế thừa, phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong thời kỳ mới hiện nay.

Chu Xuân Đại Thắng, Đinh Xuân Tư, Bùi Tuấn Linh - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng