Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm

Thứ tư, 18/07/2018 - 09:43

TNV - Vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với  phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã tổ chức Hội thảo Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam công bố con số ghi nhận sự tăng trưởng tốt của thị trường bảo hiểm do Cục Quản lý Bảo hiểm công bố năm 2017. Theo đó thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng bền vững, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 40,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,61% (so với năm 2016). Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, doanh nghiệp nghiệp kinh doanh bảo hiểm và người mua bảo hiểm thường phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Một số rủi ro có thể tránh được bằng biện pháp phòng ngừa kịp thời nhưng một số không thể tránh khỏi và nằm ngoài tầm kiểm soát của một doanh nghiệp.

anh 1 Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, tranh chấp bảo hiểm phát sinh là điều khó tránh khỏi. Thống kê cho thấy tranh chấp bảo hiểm có xu hướng tăng trong thời gian gần đây với tính chất ngày càng phức tạp hơn, điều này đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi tham gia các quan hệ hợp đồng bảo hiểm.

Vì vậy, phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh: Với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các doanh nghiệp và cộng đồng.

Cũng tại Hội thảo, bà Phạm Thanh Hải  - Trưởng Ban bán chuyên trách, Ban Pháp chế phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - về thực trạng tranh chấp bảo hiểm trong thời gian gần đây. Bà Hải cho biết: "Qua thời gian, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, các vụ việc tranh chấp HĐBH tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng về số lượng vụ việc và ngày càng phức tạp về nội dung với nhiều nguyên nhân khác nhau." Bà cũng nhận định rằng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các DNBH  sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án.

anh 2 Quang cảnh hội thảo

Còn bà Trương Thanh Thủy - Trọng tài viên VIAC đã trình bày về Thực trạng giải quyết tranh chấp bảo hiểm tại VIAC lưu ý dành cho doanh nghiệp. Theo Bà Thủy, các loại tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng bảo hiểm mà VIAC đã giải quyết trong thời gian qua bao gồm: Thứ nhất là Tranh chấp về DNBH thực hiện nghĩa vụ giải thích điều kiện; Thứ hai là Tranh chấp về hiệu lực của đơn bảo hiểm; Thứ ba là Tranh chấp về nộp chậm phí bảo hiểm và cuối cùng Tranh chấp trong việc nhận “Thế quyền” truy đòi bên thứ 3. Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, Bà Thủy đã giúp các khách mời tham dự Hội thảo có được rất nhiều bài học quí báu trong việc giải quyết tranh chấp bảo hiểm sao cho hiệu quả.

Bên cạnh phương thức trọng tài thương mại, một phương thức giải quyết tranh chấp mới cũng đang được doanh nghiệp quan tâm hiện nay đó chính là hòa giải phương mại. Ông Phan Trọng Đạt – Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã trình bày những vấn đề liên quan đến hòa giải tại VIAC cũng như các nội dung cơ bản, các nguyên tắc của Quy tắc Hòa giải của VMC (“Quy tắc VMC”). Qua đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tìm thấy hướng đi mới trong giải quyết tranh chấp bảo hiểm hiện nay.

PV