TNV - Tập 5 “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” là cuộc đối đầu của cặp thí sinh phá vỡ kỷ lục về tuổi tác tính đến thời điểm phát sóng hiện tại: Nguyễn Ngọc Dũng 52 tuổi và Nguyễn Minh Tuấn 49 tuổi.
Ứng viên Nguyễn Ngọc Dũng
Trong đó, Nguyễn Ngọc Dũng, 52 tuổi, cử nhân Kinh tế - Ngành Quản trị Kinh doanh Thương mại – Đại học Hà Nội. Nam ứng viên có 23 năm kinh nghiệm làm việc ở môi trường kinh doanh ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), trong đó có 20 năm chuyên sâu ở lĩnh vực thực phẩm. Ông có 18 năm đảm trách vị trí Quản lý Kinh doanh khu vực và Giám đốc Kinh doanh toàn quốc (vùng).
Và Nguyễn Minh Tuấn, 49 tuổi, tham gia hoàn thành lắp đặt và chạy thử nhà máy nhựa hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam, tham gia thiết lập và duy trì Module Planning cho hệ thống ERP. Nam ứng viên thiết lập và duy trì quy trình kế hoạch bán hàng và vận hành, giúp cải thiện mức độ chính xác của dự báo bán hàng, giúp giảm nguyên liệu, hàng tồn kho.
Ứng viên Nguyễn Minh Tuấn
Đến với chương trình, Ngọc Dũng đã có những chia sẻ về hành trình sự nghiệp của bản thân ông, sự vượt khó để học tập và thăng tiến giữa thời bao cấp khi kinh tế chưa mở cửa.
“Thời của chúng tôi, việc học không phải là điều dễ.Ước mơ được bước vào cổng trường Đại học là khó vô cùng, vì đó là thời bao cấp.Với mong mỏi được học và được kinh doanh, tôi kiên trì buôn bán lẻ cùng gia đình, vẫn tìm kiếm những việc làm.Cơ hội đến với chúng tôi là năm 1994, khi Đất nước chúng ta mở cửa và nhiều tập đoàn nước ngoài vào.Tôi quyết định đi học trở lại và tôi học ĐH Mở Hà Nội vào năm 1994 đến năm 1998.Đó là một bước ngoặc trong cuộc đời của tôi.Tôi ra trường, tôi được làm trong một Tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng. Tôi gắn bó với Tập đoàn đó 7 năm, tôi bắt đầu từ vị trí Đại diện Mãi vụ, tôi thăng tiến, được đào tạo để sau đó năm 2004, tôi bước ra ngoài ở giai đoạn mà các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Từ đó, tôi gắn liền với các thương hiệu nổi tiếng về bánh kẹo, về ngành hàng Café” – Ông tâm sự.
Nhìn vào hồ sơ trích ngang của Ngọc Dũng, sếp Lưu Nga(Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang ELISE) đặt câu hỏi: “Lý do gì anh lại ra đi khỏi vị trí công việc ở một tập đoàn ngành hàng tiêu dùng rất nổi tiếng mà anh gắn bó nhiều năm?”.
Nam ứng viên 52 tuổi chân thành chia sẻ: “Trong 23 năm làm việc, tôi làm ở 3 công ty thì mỗi nơi đều làm trên 7 năm. Với công việc, tôi là người phát triển đội ngũ. Việc mà tôi rời đi chính là cơ hội cho các anh em đội ngũ ở dưới người ta lên. Chẳng hạn như ở công ty gần nhất, tôi đã rời vùng kinh doanh quen thuộc để nhận một bộ phận mới hơn.Tuy nhiên, do tình hình Covid-19, bộ phận đó không hoạt động trong thời điểm này.Công ty có trả tôi ngược lại về bộ phận cũ, đảm bảo thu nhập, quyền lợi như cũ nhưng tôi không đồng ý. Vì mình đi là để lại cơ hội cho những người trẻ”.
Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên trung niên vòng Đối mặt trong tập 5 là “Giới trẻ nên khởi nghiệp hay làm thuê?”.
Sếp Nguyễn Thanh Quyền(Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group) lần đầu ngồi ghế nóng thay sếp Thành
Trước một chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, sếp Quyền bảy tỏ quan điểm cá nhân một cách thẳng thắn trong lần đầu ngồi ghế “nóng”: “Tôi bực mình những bạn trẻ khởi nghiệp cảm xúc. Khi chưa chuẩn bị kỹ mọi thứ, các bạn ấy trở thành gánh nặng của xã hội.Nói gì thì nói, chúng ta phải có kinh nghiệm, phải có độ lỳ nữa”.
Trái ngược suy nghĩ với sếp Quyền, sếp Lê Trí Thông(Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ) nhẹ nhàng phản biện: “Không có ai khôn mà không dại! Chẳng qua là mình học.Nên nếu các bạn trẻ khởi nghiệp chỉ bằng nhiệt huyết mà thôi, thì 10-20% trong số đó vẫn học được. Và đó là con đường học đi lên. Còn những chi phí, đó là học phí xã hội cần trả”.
Sếp Ngô Hoàng Gia Khánh – Phó Tổng Giám đốc phát triển Doanh nghiệp TIKI
Đồng tình một phần với quan điểm của sếp Thông về việc người trẻ có quyền được sai lầm, tuy nhiên sếp Quyền vẫn giữ vững lập trường, cho rằng giới trẻ nên chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang trước khi bắt tay vào khởi nghiệp. “Thật ra chỉ có những người không làm mới không sai lầm.Tôi rất khuyến khích các bạn trẻ nếu có đủ năng lực, đủ trí tuệ, có được đánh giá của thị trường, có đủ khả năng khởi nghiệp, thì nên khởi nghiệp, mạnh dạn khởi nghiệp” – Vị sếp Thắng Lợi Group khẳng định.
Xuất thân từ một công ty công nghệ thành công và có nhiều hiểu biết, kiến thức về Khởi nghiệp, sếp Khánh bổ sung ý kiến cá nhân: “Thật ra thì tôi khá đồng ý quan điểm của anh Quyền. Ngoài cảm xúc thì mình có những bài kiểm tra rất nhanh thôi, để biết được là mình có nên đi con đường đó hay không, khách hàng có thật sự cần cái thứ mình làm hay không, liệu mình làm có tốt hơn người khác hay không, liệu người khác có sao chép được thứ mình làm hay không? Khi mình có những câu hỏi cụ thể thì mình có thể đi hỏi những chuyên gia trong ngành, thì mình có thể biết sức của bản thân đến đâu. Nếu mình trả lời được câu hỏi đó và với sự thuyết phục cao thì tỉ lệ phần trăm thành công có thể lên đến 30-40%”.
Kết luận để kết thúc màn tranh luận, sếp Thông chia sẻ: “Tôi nghĩ chọn lọc tự nhiên sẽ giúp chọn ra những người thành công. Những người còn lại, họ chọn con đường khác”.
Văn Quảng