Giảng viên Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tích cực thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ năm, 29/08/2024 - 08:00

Tóm tắt: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, trong đó có đội ngũ giảng viên các trường chính trị nói chung và Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ nói riêng. Thời gian qua, giảng viên của nhà trường đã tích cực, chủ động thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, gắn liền với các hoạt động chuyên môn và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Từ khoá: Giảng viên; nền tảng tư tưởng của Đảng; trường chính trị.

1. Một vài khái quát cơ sở lý luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động"[1].

Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ tấn công, phủ định, xuyên tạc học thuyết Mác-Lênin, đưa ra các luận điệu cổ vũ cho bạo lực, chiến tranh; phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò và thành tựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, họ còn bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhiều thủ đoạn tinh vi; chống phá đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các nghị quyết của Đảng qua từng thời kỳ đều đưa ra những quan điểm, định hướng chỉ đạo công tác này. Cụ thể như Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Chính trị đã nêu rõ: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước"[2]. Mới đây, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…; thường xuyên đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng"[3].

2. Giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn tích cực thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đội ngũ giảng viên trường chính trị cấp tỉnh trong đó có Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn là những người giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của địa phương. Do đó đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Thông qua các hoạt động của mình, giảng viên sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là học viên học tập tại trường có thêm những kiến thức bổ ích, từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho họ về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời vô hiệu hóa các luận điệu và hoạt động chống phá tư tưởng của các thế lực thù địch. 

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ Lạng Sơn, đạt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chức năng nhiệm vụ thực hiện theo Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy định số 09-QĐi/TU, ngày 27/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn.

Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác nhau; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức và lao động có 49 người (trong biên chế 42 người và 05 HĐ lao động theo nghị định 68 (nay là nghị định 111), 02 HĐ có thời hạn. Trong đó: Nam 22 người, Nữ 27 người. Đảng bộ Trường là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, có 05 chi bộ trực thuộc, tổng số 45 đảng viên. Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn viên chức tỉnh, tổng số 49 đoàn viên.

Cơ cấu tổ chức gồm: Lãnh đạo trường: Hiệu trưởng và 02 Phó Hiệu trưởng; 02 phòng tham mưu: Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học và Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu; 03 khoa giảng dạy: khoa Lý luận cơ sở, khoa Nhà nước và Pháp luật, khoa Xây dựng Đảng.

Về trình độ chuyên môn: Trong tổng số biên chế 41 người, giảng viên cơ hữu là 36/41 người, chiếm 87,8%; giảng viên có trình độ thạc sỹ 35/36 người, chiếm 97,2 %; Đại học có 01/36 người, chiếm 2,8% (trong đó đang học cao học 01 người); Giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là 36/36 người, chiếm 100%.

Trình độ Lý luận chính trị: Cao cấp 33/41 người, chiếm 80,5%; trung cấp 07/41 người, chiếm 17,1%; chưa qua đào tạo 01/4, chiếm 2,4%.

Kiến thức quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp và tương đương 09 đồng chí, chuyên viên chính và tương đương 32 đồng chí, chuyên viên 01 đồng chí.  

Cơ cấu ngạch trong giảng viên: ngạch giảng viên chính 20/36 người, chiếm 55,6%, ngạch giảng viên 16/36 người, chiếm 44,4%.

Từ năm 2018 đến nay, giảng viên của nhà trường đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn góp phần tích cực vào thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, giảng viên nhà trường đã trực tiếp tham gia giảng dạy, quản lý 369 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 32.128 lượt học viên (đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch tỉnh giao hằng năm). Trong đó: Tham gia quản lý 06 lớp Cao cấp lý luận chính trị với 381 học viên. Thực hiện giảng dạy 71 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, lý luận chính trị với 4.688 học viên; 284 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng, bồi dưỡng đối tượng 4 với 24.046 học viên. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trường đã thực hiện 14 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 782 học viên.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng viên nhà trường đã tích cực tham gia 15 kỳ Hội thảo và 01 tọa đàm khoa học cấp trường; trên 06 lượt hội thảo khoa học cấp Bộ do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Lạng Sơn và các cơ quan tổ chức; thực hiện 33 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 06 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa; 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, trong đó đề tài năm 2022 đã nghiệm thu. Đặc biệt, hiện nay giảng viên của nhà trường đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với chủ đề Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua hoạt động giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn". Đồng thời giảng viên đã tích cực viết tin, bài cho 14 số Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn.

Một trong những nét nổi bật trong thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch là viêc tham gia các cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua các cuộc thi, giảng viên của nhà trường đã tích cực viết bài dự thi lần 3 và lần 4 với tổng số 67 bài dự thi cấp trường. Trong đó, lần 2 năm 2022 có 2 bài được Ban Tổ chức cuộc thi tặng giấy khen lần 3 năm 2023 có 20 bài dự thi cấp tỉnh và đã đạt 02 giải B, 02 giải C, 01 giải Khuyến khích. Đặc biệt tại cuộc thi Chính luận lần 4 năm 2024 nhà trường có 22 bài dự thi cấp tỉnh, kết quả có 01 bài đạt giải A, 02 bài giải B, 03 bài giải C. Tập thể trường đạt giải Tập thể Xuất sắc.

Với những kết quả đó, giảng viên nhà trường đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chuyên môn, thông qua đó đã góp phần thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Điều này được thể hiện:

Thứ nhất, Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, đội ngũ giảng viên sẽ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức củng cố kiến thức lý luận, nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết gắn lý luận với thực tiễn công tác, củng cố niềm tin vào Đảng, vào chế độ, đây là cơ sở vững chắc cho cán bộ, công chức, viên chức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động.

Hai là, bằng các kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được trang bị, giảng viên đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn biết đấu tranh, phản bác chống lại các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ba là, thông qua hoạt động giảng dạy, giảng viên tuyên truyền đến học viên, giúp nâng cao nhận thức và cùng nhau hành động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Vì vậy, trong giảng dạy, giảng viên góp phần tuyên truyền những giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, thành tựu của công cuộc đổi mới để nâng cao nhận thức cho học viên và khả năng nhận diện những thủ đoạn chống phá, đồng thời đề ra những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Do đó, giảng viên là những lực lượng giữ vai trò nòng cốt, tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

3. Một số giải pháp phát huy vai trò của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Để phát huy vai trò của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường chính trị.

Để đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng viên trường chính trị, bên cạnh việc giỏi về chuyên môn, giảng viên còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng, nắm vững những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, thành tựu của công cuộc đổi mới. Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giảng viên trường chính trị theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực khuyến khích giảng viên không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn gắn với lý luận chính trị, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp; phát huy và nâng cao tính tích cực, tính tự giác của giảng viên trong nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện nhân cách. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cũng góp phần thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn, Đề án Đề án số 09-ĐA/TU về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023-2031

Hai là, giảng viên cần tích cực, chủ động nghiên cứu nhận diện những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Việc phát hiện sớm, nhận diện đúng tư tưởng, quan điểm, hoạt động của các thế lực phản động, thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, phức tạp, vì các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá dưới nhiều hình thức ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Do đó, giảng viên cần phải tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để nhận diện để phát hiện sớm, nhận diện đúng tư tưởng, quan điểm, hoạt động chống phá Đảng ta của các thế lực phản động, thù địch, những phần tử cơ hội. Trên cơ sở nhận diện đúng, giúp giảng viên xác định các nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh phù hợp, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái... Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ba là, giảng viên phải lồng ghép các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thông qua hoạt động giảng dạy, giảng viên cần truyền đạt đến học viên, giúp nâng cao nhận thức cho học viên về những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch để có biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đó. Vì vậy, tuỳ vào nội dung của từng bài giảng, ở một mức độ hợp lý, giảng viên cần lồng ghép các nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách phù hợp. Trong đó, giảng viên cần giúp học viên hiểu rõ nguyên nhân, cách thức và nội dung của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những vấn đề cơ bản theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW. Đồng thời, giảng viên cũng định hướng để học viên nhận biết những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch dùng để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin như: sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin; chủ nghĩa Mác đã lỗi thời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, học thuyết giá trị thặng dư không còn phù hợp,… Bên cạnh đó, giảng viên cần tiếp tục đề cao những giá trị tốt đẹp của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để học viên noi theo. Giảng viên phải giúp học viên thấy được những thành tựu to lớn mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đạt được trong quá trình đấu tranh cách mạng và trong thời kỳ đổi mới, khẳng định tính đúng đắn của nền tảng tư tưởng và con đường mà Đảng ta đã lựa chọn.

Bốn là, duy trì tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 cấp trường, các nhóm chuyên gia, tổ tư vấn, cộng tác viên trong thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để giảng viên được tham gia.

Việc tham gia Ban chỉ đạo 35, các nhóm chuyên gia, tổ tư vấn, cộng tác viên 35 các cấp giúp giảng viên có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu, nhận diện và đưa ra các cách thức, phương pháp để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ việc nghiên cứu, trao đổi, viết bài dự thi về bảo vệ nền tảng tư tưởng do các cấp phát động, giảng giảng viên, học nhà trường sẽ có điều kiện nghiên cứu, học tập những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, giảng viên sẽ gương mẫu thực hiện, tuyên truyền, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đây là hoạt động cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn góp phần không nhỏ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thời gian qua, thông qua nhiệm vụ của mình, giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn đã tích cực thực hiện đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với những kết quả đã đạt được, cùng với những giải pháp để đẩy mạnh thực hiện. Tin tưởng rằng, thời gian tới làm khi làm tốt nhiệm vụ của mình, mỗi giảng viên của nhà trường sẽ là một "chiến sĩ" tích cực trên mặt trận tư tưởng, góp phần vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.

ThS. Nguyễn Trung Thành

Trưởng phòng Quản lý ĐT&NCKH

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2018), Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13 tháng 11 năm 2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

4. Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1.

5. Hội đồng Lý luận Trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về chính trị trong Đảng, Nxb Chính trị quốc gia

6. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Báo cáo số 05-BC/TCT, ngày 11/01/2024, Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

7. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Báo cáo số 62-BC/TCT, ngày 11/6/2024, Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

  2. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

  3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1, Tr40-41