1. Mở đầu
Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, dưới sự tác động của kinh tế thị trường, sự mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Nước ta đã tiếp thu được nhiều thành tựu văn minh của nhân loại góp phần làm phong phú hơn nền văn hóa dân tộc Việt Nam nhưng bên cạnh đó, cũng xuất hiện không ít những tư tưởng lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo đồng tiền, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc bị mai một. Do đó, việc giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc có ý nghĩa to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn.
2. Nội dung giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc
2.1. Giá trị đạo đức truyền thống và một số giá trị đạo đức truyền thống dân tộc
Giá trị đạo đức là một yếu tố cấu thành của hệ thống các giá trị tinh thần của đời sống xã hội, là những chuẩn mực, những khuôn mẫu lý tưởng, những quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh và chuẩn hóa hành vi của con người. Vì vậy, giá trị đạo đức được đánh giá “có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, được lương tâm đồng tình, dư luận biểu dương. Giá trị đạo đức vì thế có ý nghĩa thiết yếu đối với đời sống xã hội” (2, 1,51).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng ( khóa XIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc một lần nữa khẳng định: “ Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp lên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh và dựng nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống” (1, 56)
Từ quan điểm trên, chúng tôi cho rằng giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của dân tộc Việt Nam gồm:
Tinh thần yêu nước
Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết
Truyền thống nhân nghĩa bao dung
Cần cù sáng tạo trong lao động
Lòng dũng cảm bất khuất
Tinh thần hiếu học, lạc quan, thủy chung,
Tinh thần yêu nước: Có thể nói tinh thần yêu nước là giá trị hàng đầu, là thước đo giá trị nhân phẩm của con người là “hằng số” trong mỗi con người, là sợi chỉ đỏ xuy- ên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay. Tình yêu nước của người Việt Nam được bắt nguồn từ những tình cảm rất đỗi giản dị và gần gũi, đó là tình yêu đối với những người thân thiết, ruột thịt, tình yêu đối với xóm làng, quê hương. Tình yêu đó cứ lớn dần cùng với sự trưởng thành của con người và phát triển mức cao nhất trở thành tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân
Yêu nước nồng nàn, làm tất cả vì lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc. Do đó, người Việt không chấp nhận và vô cùng căm ghét những hành động làm tổn hại đến lơi ích quốc gia, dân tộc. Với người Việt Nam, tội phản bội Tổ quốc là tội lớn nhất. Do vậy, yêu nước đã trở thành mạch tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt, chi phối đời sống đạo đức, tinh thần là chuẩn mực đạo đức cao nhất của người Việt Nam
Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết: Tinh thần đoàn kết là một trong những giá trị đạo đức truyền thống được hình thành trên cơ sở những yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trải qua thử thách của lịch sử, tinh thần đoàn kết được cha ông ta khai thác và gìn giữ, phát triển như một triết lý sinh tồn. Cùng với tinh thần đoàn kết, tinh thần cố kết cộng đồng, đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong lúc gian nan hoạn nạn là những giá trị cao quý, nó trở thành sức mạnh tinh thần nội sinh của dân tộc và cốt cách của con người Việt Nam
Truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động: Cần cù, sáng tạo trong lao động là một đức tính quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn, bồi đắp và phát huy. Do điều kiện tự nhiên hết sức đa dạng, phức tạp, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn trở ngại cũng vô vàn, chiến tranh liên miên gây hậu quả nặng nề về mọi mặt kinh tế xã hội, để tồn tại và phát triển người Việt Nam đã cần cù, nhẫn nại, đối mặt với những thử thách, tìm cách chinh phục tự nhiên, bắt tự nhiên phải cúi đầu, phục vụ cho cuộc sống của con người. Với sự thông minh và óc sáng tạo, cha ông ta đã tìm tòi và khám phá, từ đó có những phát hiện lý thú và hữu ích về tự nhiên, dần tích lũy thành những kinh nghiệm sản xuất giúp cho lao động bớt phần nặng nhọc mà năng suất lao động vẫn tăng lên, hạn chế những tác hại của thiên tai. Sự cần cù khéo léo của người Việt Nam còn được thể hiện ở rõ nét ở sự hình thành ngành nghề truyền thống có từ hàng ngàn năm nay. Cần cù lao động còn được thể hiện ở những tấm gương lao động miệt mài và sáng tạo của những danh nhân đất Việt như nhà bác học Lê Quý Đôn, lương y Hải Thượng Lãn Ông, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Truyền thống nhân nghĩa bao dung: Từ ngàn xưa, trong cuộc sống, lao động, sản xuất, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Người Việt Nam luôn biết đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ, cưu mang lẫn nhau để vượt qua những khó khăn, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và cùng nhau làm nên chiến thắng kẻ thù. Lấy tình yêu thương làm cơ sở cho cách cư xử, làm phương châm sống. Lòng nhân nghĩa bao dung còn được thể hiện với cả những ngươi lầm lỗi, lạc đường, những kẻ thù từng gây hại cho mình nhưng họ biết ăn năn hối lỗi. Lòng nhân ái của con người Việt Nam còn được thể hiện thái độ phân biệt yêu ghét rõ rệt.
Thương người là thế nhưng người Việt Nam cũng hết sức căm ghét những hành động xấu xa, phi nghĩa chà đạp lên quyền sống, quyền tự do của người lương thiện. Do đó tinh thần nghĩa hiệp đứng lên đấu tranh loại trừ cái xấu xa, tiêu cực, chống áp bức, bất công nô dịch, giành lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân mình, dân tộc mình
Lòng dũng cảm bất khuất: Tinh thần dũng cảm kiên cường bất khuất: là những đức tính khá nổi bật trong hệ giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Nhờ có tinh thần dũng cảm, kiên cường bất khuất, dân tộc ta mới dám đương đầu, và giành thắng lợi trước mọi thiên tai, dịch bệnh, giặc ngoại xâm tưởng chừng như không vượt qua được, làm nên những chiến thắng vẻ vang, tô thắm truyền thống anh hùng của dân tộc. Mỗi trang sử của dân tộc gắn liền với những chiến công vẻ vang trong cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Trong những cuộc chiến tranh ấy dân tộc ta phải đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh, đông đảo hơn gấp chúng ta nhiều lần, nhưng kẻ thù càng mạnh bao nhiêu thì chiến công của chúng ta càng oanh liệt bấy nhiêu.
Tinh thần hiếu học, lạc quan, thủy chung:
Tinh thần hiếu học: Đây là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Truyền thống ấy được bồi dắp và củng cố bởi sự ra đời sớm của nền giáo dục nước ta, được khuyến khích và đãi ngộ của các triều đại đối với các nhà khoa bảng vì hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Truyền thống hiếu học được bổ sung liên tục những giá trị qua các thế hệ. Ngày nay dưới sự tác động của kinh tế thị trường, kinh tế tri thức thì truyền thống hiếu học cần được giữ gìn phát huy để bồi đắp nhân cách của con người Việt Nam
Tinh thần lạc quan: Trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và sự đe dọa thường xuyên của địch họa, người Việt Nam vẫn luôn yêu đời, lạc quan tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng. Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, truyền thống lạc quan của dân tộc ta được nâng lên thành tinh thần lạc quan cách mạng. Với tinh thần lạc quan này nó tạo nên cơ sở vững chắc của sự nhận thức sâu sắc những quy luật tất yếu của cuộc sống, của lịch sử, để tự tin vững bước trên con đường đã lựa chọn
Thủy chung, chân thật: Người Việt Nam luôn coi trọng lòng thủy chung sâu sắc trước sau như một, chân thật coi trọng chữ tín, đó là những phẩm chất tốt đẹp mà con người được bồi đắp từ tấm bé. Người phụ nữ Việt Nam đức tính này được coi trọng bậc nhất đó là sự chung thủy với chồng, sự thành thật với mọi người. Sống thủy chung, trọn tín nghĩa trở thành nét đẹp truyền thống và được các thế hệ tiếp nhau giữ gìn và phát huy.
Các giá trị đạo đức truyền thống trên không tồn tại một cách riêng biệt mà có quan hệ mật thiết với nhau, lồng vào nhau, là tiền đề, điều kiện của nhau. Các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam thực sự là tài sản quý giá mà cha ông ta đã dày công xây đắp, giữ gìn và truyền lại cho con cháu mai sau.
2.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên hiện nay
Một là: Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội
Các tổ chức chính tri- xã hội luôn nắm trong tay sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, do đó vai trò của chúng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho mọi quá trình kinh tế- xã hội là hết sức quan trọng và mang tính quyết định. Việc giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên ngày nay thì vai trò của các tổ chức này lại càng có giá trị hơn bao giờ khác. Do đó, cần nâng cao nhận thức của các tổ chức chính trị- xã hội (Đảng, Nhà nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) trong việc thực hiện giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên.
Hai là: Xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh, nhằm nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục giáo trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên.
Đạo đức của mỗi con người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những tác động của đời sống đạo đức xã hội, do đó cần phải xây dựng một môi trường đạo đức lành mạnh và sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục giá trị đạo đức của sinh viên. Nhân cách đạo đức của con người trước hết ảnh hưởng từ giáo dục gia đình, do vậy, trong mỗi con người thường mang dấu ấn của gia đình, dòng họ. Tình yêu thương, đùm bọc chia sẻ giữa những người thân thiết ruột thịt trong gia đình là ngọn nguồn sâu xa của tình yêu thương làng xóm quê hương, lòng yêu Tổ quốc, nghĩa tình đồng chí, đồng bào.
Bên cạnh nhà trường và gia đình, môi trường xã hội lành mạnh cũng là điều kiện rất quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Tác động của dư luận có ảnh hưởng sâu sắc đến việc điều chỉnh hành vi của con người, khi dư luận đúng nó kích thích hành vi tích cực, nhưng khi dư luận sai có thể làm cho cá nhân hoang mang, mất lòng tin, mất phương hướng điều chỉnh hành vi. Quá trình giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và hỗ trợ nhau từ ba chủ thể, gia đình, nhà trường, xã hội.
Ba là: Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên
Giáo dục đạo đức là phương pháp quan trọng trong việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Thông qua giáo dục đạo đức các em sẽ từ tiếp cận, đi đến lĩnh hội, vận dụng các khái niệm, phạm trù các giá trị đạo đức một cách khoa học một cách sâu sắc, từ đó làm cho các em có thể kiểm nghiệm, đánh giá điều chỉnh hành vi của chính mình, từ đó các hoạt động của các em sẽ phù hợp với yêu cầu mới của xã hội. Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống sẽ là cầu nối quan trọng giữa thế hệ trẻ với quá khứ, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy lòng tin, niềm tự hào dân tộc
Bốn là: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập gương người tốt, việc tốt
Noi gương là một phương pháp giáo dục rất hiệu quả trong suốt chiều dài lịch sử đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên “ Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính được” (3, 644). Cả cuộc đời sống và hoạt động cách mạng của Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho thế hệ chúng ta noi theo. Để những tấm gương người tốt việc tốt có thể tỏa sáng và thấm nhuần trong tư tưởng của sinh viên thì cần phải chú ý tìm tòi, phát hiện, tôn vinh kịp thời và nhân rộng những cá nhân, tập thể biết tôn trọng và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, có lối sống, nếp sống đẹp, khuyến khích phong trào thi đua học tập và làm tấm gương tiêu biểu trong thanh thiếu niên. Như vậy, những tấm gương người tốt việc tốt có tác dụng rất lớn trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên, giúp họ xây dựng và củng cố niềm tin, tạo chỗ dựa vững chắc. tự tin bước vào đời. Soi vào đó, các bạn sinh viên có thể thấy được những điều mình nên làm, những điều không nên làm để làm người có ích cho xã hội, để những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mãi trường tồn cùng lịch sử.
Năm là: Nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu, học tập giá trị đạo đức truyền thống dân tộc
Ý thức đạo đức đòi hỏi sự tự nguyện lựa chọn giá trị, không vụ lợi khi thực hiện các nghĩa vụ đạo đức, là sự tự nhận thức và hành động đúng chuẩn mực, gí trị đạo đức xã hội. Xây dựng đạo đức chính là xây dựng ở con người năng lực chủ động, tự giác điều chỉnh thái độ, hành vi của bản thân cho phù hợp với yêu cầu khách quan của đời sống xã hội, năng lực chuyển hóa những yêu cầu khách quan ấy thành nhu cầu nội tâm vững chắc và thành thói quen hành vi đạo đức tích cực ở con người. Vì vậy, tự ý thức, tự tu dưỡng rèn luyện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và khẳng định nhân cách lối sống đạo đức của cá nhân. Nếu không tự nguyện tiếp thu, rèn luyện của cá nhân thì các giá trị đạo đức có tốt đẹp đến đâu, nội dung, phương pháp giáo dục có phong phú sinh động cũng không thể có kết quả như mong muốn.
Các giá trị đạo đức truyền thống trên có quan hệ mật thiết với nhau, làm tiền đề cho nhau phát triển để hoàn thiện mỗi con người.
3. Kết luận
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã rèn luyện và tạo ra những thế hệ người Việt Nam giàu lòng yêu nước, yêu thương con người, cần cù sáng tạo, đoàn kết, thủy chung, bao dung, độ lượng, hiếu học, lạc quan …. Những đức tính đó đã trở thành những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam mà chúng ta luôn nâng niu, quý trọng. Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc nhằm giúp cho sinh viên nhận biết, hiểu biết về giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, qua đó giữ gìn và phát triển nó trong cuộc sống hiện đại, giúp cho sinh viên nêu cao tinh thần dân tộc.
----------------------------------------------------------------------- TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, nxb Chính tri- Quốc gia Hà Nội
2. Vũ Khiêu (1975) Lao động- nguồn vô tận của mọi giá trị, nxb Thanh niên Hà Nội
3. Hồ Chí Minh (2004) ( toàn tập), tập 5, nxb Chính tri Quốc gia , Hà Nội
Th.s Nguyễn Thị Hằng - Học viện Hàng không Việt Nam