Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông

Thứ tư, 30/10/2019 - 10:15

TNV - Giáo dục hương nghiệp có mục đích chung là hình thành khả năng tự chủ trong việc lựa chọn nghề của học sinh trên cơ sở của sự phù hợp giữa năng lực, hứng thú, sở thích cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động trong các lĩnh vực của xã hội. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả lao động xã hội và làm tốt công tác phân luồng học sinh sau mỗi bậc học.

Riêng đối với bậc trung học phổ thông, giáo dục hướng nghiệp nhằm mục đích giúp cho học sinh có được ý thức như là chủ thể trong sự lựa chọn nghề nghiệp, có định hướng khi chọn nghề dựa trên cơ sở hiểu biết khoa học về nghề nghiệp, về nhu cầu thị trường lao động cũng như năng lực, sở trường, sức khỏe của bản thân.

Về kiến thức: hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai; biết cách tìm hiểu bản thân, tìm hiểu nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân; biết được một số thông tin cơ bản về định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước và khu vực. Về kỹ năng: tự đánh giá được sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân và điều kiện gia đình trong việc định hướng nghề nghiệp; tìm kiếm được thông tin nghề, thông tin thị trường tuyển dụng lao động và các cơ sở đào tạo cần thiết; lựa chọn và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân. Về thái độ: chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trong và ngoài nhà trường để tăng thêm nhận thức về bản thân, nhận thức nghề nghiệp; tự tin thực hiện kế hoạch nghề nghiệp của bản thân sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông

Hướng nghiệp qua hoạt động dạy nghề phổ thông và dạy môn công nghệ. Có thể nói môn công nghệ và dạy nghề phổ thông có khả năng hướng nghiệp rất lớn. Mặc dù học sinh chưa đi sâu vào kỹ thuật nghề nghiệp nhưng qua việc tìm hiểu một số ngành nghề chủ yếu (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ), học sinh có điều kiện hiểu về những ngành nghề trong xã hội. Đặc biệt, với hoạt động dạy nghề phổ thông (tin học, điện dân dụng, chụp ảnh, nấu ăn,…), học sinh có điều kiện được thực hành một cách nghiêm túc, đầy đủ, được thử sức mình với hoạt động kỹ thuật cụ thể, nhờ đó, các em phát hiện và đánh giá đúng hơn năng lực kỹ thuật của bản thân. Hướng nghiệp qua các buổi sinh hoạt hướng nghiệp. Có nhiều cách tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp như giao lưu với người thành đạt trong nghề; tìm hiểu các ngành nghề đang cần nhân lực, nhất là những ngành nghề nằm trong dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương; tìm hiểu hệ thống các cơ sở đào tạo; tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn về nghề nghiệp tương lai… tất cả đều nhằm mục đích giáo dục thái độ yêu lao động cũng như cung cấp cho học sinh một cái nhìn toàn cảnh về các ngành nghề trong xã hội, các “luồng” mà học sinh có thể đi tiếp sau khi tốt nghiệp cũng như nhu cầu về nhân lực của quốc gia và địa phương. Hướng nghiệp qua các hoạt động tham quan ngoại khóa. Các hoạt động này có khả năng hướng nghiệp to lớn bởi chúng thúc đẩy sự phân hóa năng lực, sự phát triển năng khiếu diễn ra càng mạnh mẽ, nói cách khác, sự nảy sinh hứng thú, thiên hướng, năng lực của học sinh thường xuất hiện trong các hoạt động ngoại khóa.

Thu Hà