Ảnh minh họa
1. Dẫn nhập
Có thể nói, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, có sức khỏe, có trình độ và khả năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại, đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội” (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 2023, tr.23). Vì thế, đối với thanh niên, việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho họ là cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này sẽ giúp cho thanh niên nhận thức đúng đắn về con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng. Đồng thời, giáo dục lý tưởng cách mạng góp phần nâng cao ý chí, nghị lực, quyết tâm thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tích cực thi đua học tập, lao động
sản xuất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Khái niệm “lý tưởng cách mạng”, “giáo dục lý tưởng cách mạng”
Về khái niệm “lý tưởng cách mạng”, cho tới nay các nhà nghiên cứu cùng chung nhận định là chưa có một định nghĩa đầy đủ mà mới chỉ là những quan niệm về lý tưởng cách mạng. Trong Đại hội Thanh niên quyết thắng toàn quân ngày 18/5/1966, Lê Duẩn đã khẳng định lý tưởng cách mạng là “mục tiêu phấn đấu cách mạng” (Lê Duẩn, 1969, tr. tr.8), trên cơ sở đó ông nhấn mạnh “Lý tưởng cách mạng của thanh niên ta trong thời đại ngày nay là độc lập dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản” (Lê Duẩn, 1969, tr.9). Trên cơ sở đó, theo quan điểm của tác giả lý tưởng cách mạng là những mục tiêu, ước mơ và nguyện vọng của mỗi người và toàn thể dân tộc Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng, mà nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Lý tưởng cách mạng gồm ba yếu tố cơ bản có mối quan hệ biện chứng là tri thức khoa học, tình cảm cách mạng và niềm tin khoa học. Do vậy, có thể khẳng định lý tưởng cách mạng không hình thành một cách tự phát mà nó phải trải qua quá trình giáo dục, bồi dưỡng mới hình thành và phát triển.
Về khái niệm “giáo dục lý tưởng cách mạng”, trong cuốn Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và I.V. Xtalin đã định nghĩa lý tưởng cách mạng là sự hình thành một cách có “mục đích, có hệ thống, có kế hoạch những con người có lòng trung thành với chủ nghĩa cộng sản, có sự phát triển toàn diện, hài hòa, kết hợp một cách hữu cơ niềm tin cộng sản chủ nghĩa với hoạt động hướng vào xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa” (C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và I.V. Xtalin, 1976, tr. 151). Trên cơ sở đó, có thể hiểu giáo dục lý tưởng cách mạng là quá trình tác động có mục đích rõ ràng, kế hoạch cụ thể đến đối tượng giáo dục nhằm bồi dưỡng cho họ thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhân sinh quan cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của thanh niên với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như ý nghĩa của việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho họ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Cụ thể Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật…”. Đến ngày 24/3/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, trong đó khẳng định: “Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Và ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề này: Quyết định số 1331/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tổng quát là xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; ngày 05/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”. Cùng với đó, nhiều quy định liên quan đến giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên cũng được thể hiện trong Luật Thanh niên năm 2020.
Có thể khẳng định, nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay ngày càng đầy đủ và phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại.
4. Nội dung cơ bản của giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự lực tự cường cho thanh niên có ý nghĩa to lớn, động lực nội sinh quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là những giá trị truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc và là sản phẩm của bản thân lịch sử Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên về lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, trung thành với mục tiêu lý tưởng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó, khơi dậy trong họ lòng nhiệt huyết cách mạng, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, tinh thần vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức to lớn. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. Trong những năm tới dự báo tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi rất nhanh và phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức” (Đảng Cộng sản việt Nam, 2021a, tr.13). Hơn thế nữa, “Các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức, giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021a, tr.25). Điều đó đặt ra yêu cầu phải khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chủ động giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, đặc biệt là thanh niên. Với tư cách là chủ thể tham gia vào quá trình lao động sản xuất, thanh niên sẽ đóng góp toàn bộ trí tuệ và năng lực sáng tạo của mình góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ hai, giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên nhằm trang bị cho họ hệ thống những tri thức, lý luận khoa học, thế giới quan khoa học - thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học. Qua đó, thanh niên có trình độ và năng lực tư duy lý luận khoa học để vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào giải quyết các vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra. Do đó, khi đề cập đến vai trò của giáo dục lý luận chính trị, nhà nghiên cứu Dương Xuân Ngọc đã khẳng định đây là “hoạt động nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, phương pháp tư duy và phương pháp làm việc biện chứng, khoa học góp phần nâng cao và phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của chủ thể chính trị trong xã hội trong hoạt động thực tiễn” (Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2004, tr.332). Với ý nghĩa đó, nội dung của giáo dục lý luận chính trị rất rộng bao gồm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói, giáo dục lý luận chính trị góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng, củng cố niềm tin của thanh niên vào lý tưởng của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn và hình thức thâm độc như “diễn biến hòa bình”, vấn đề dân tộc, nhân quyền … để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòng can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Do đó, giáo dục lý luận chính trị trang bị cho thanh niên vũ khí lý luận sắc bén trong thực tiễn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ ba, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa góp phần hoàn thiện nhân cách cho thanh niên giúp họ trở thành những công dân có đủ đức và đủ tài để trở thành những chủ nhân tương lai của nước nhà đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “có đức mà không có tài thì không đủ năng lực điều hành công việc. Có tài mà không có đức dẫn tới hỏng việc, có hại cho cách mạng” (Hồ Chí Minh, 2000a, tr. 172). Điều này càng ý nghĩa trong chiến lược phát triển con người toàn diện phục vụ sự nghiêp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng. Tuy nhiên, trước những thách thức của hội nhập quốc tế, tác mặt trái của nền kinh tế thị trường đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống, sinh hoạt của thanh niên. Một bộ phận thanh niên có tư tưởng tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, sùng bái thần tượng, thiếu trách nhiệm với cộng đồng… Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa suống. Nó đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Nội dung giáo dục đạo đức cho thanh niên là những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc như tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, vị tha, trọng nghĩa tình đạo lý, truyền thống tôn sư trọng đạo…; đồng thời, tiếp nhận, bổ sung thêm những nội dung mới về dân chủ, nhân quyền, dân quyền, bình đẳng…
5. Kết luận
Để phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiên phong của thanh niên công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên luôn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của kinh tế thị trường đã phơi bày sự yếu kém về bản lĩnh chính trị, tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống cá nhân chủ nghĩa… Do vậy, chủ động giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là hết sức cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của họ về lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; về ý thức kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành động xâm phạm lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
----------------------------------------------------------------------- TÀI LIỆU THAM KHẢO
C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và I.V. Xtalin. (1976). Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Hà Nội: Nxb. Sự thật.
Lê Duẩn. (1969). Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Thanh niên. Hà Nội
Đảng Cộng sản Việt Nam. (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia.
Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021a). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Tập 1. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. (2023).
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thanh niên.
Hồ Chí Minh. (2000a). Toàn tập. Tập 9. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (2004). Phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá các môn khoa học xã hội và nhân văn. Hà Nội: Nxb. LLCT.
Cung Kim Tiến. (2002). Từ điển triết học. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin.
Trung tâm Từ điển học. (2007). Từ điển Tiếng Việt. Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng.
TS. Trần Thị Hoa - Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh