1. Đặt vấn đề
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng: “non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không là nhờ công học tập của các em”1 những thanh niên của Tổ quốc. Tuy nhiên, để thanh niên ra sức học tập trở thành người tài giỏi góp công xây dựng quê hương giàu đẹp thì cần trang bị cho thanh niên ngoài những kiến thức khoa học, kỹ năng sống, xây dựng ý chí kiên cường, có dũng khí của tuổi thanh niên để có ước mơ, hoài bảo lớn.
Hòa với phong trào cả nước hưởng ứng thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời thực hiện quan điểm về “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” hiện nay. Cần nêu cao tấm gương sáng ngời về sự lạc quan, ý chí kiên cường vượt khó của Bác nhằm giáo dục thế hệ thanh niên hiện nay để các em có được những lý tưởng sống tốt đẹp và chung tay vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Sự lạc quan, ý chí kiên cường vượt qua vô vàn khó khăn của Bác
Tuổi thơ chịu nhiều bất hạnh: mới 11 tuổi đầu, người thiếu niên Nguyễn Tất Thành đã phải mồ côi mẹ, người em út Nguyễn Sinh Nhuận còn quá nhỏ cũng mất sau đó; không được sống bên cha, chị và anh của mình... cuộc sống xa người thân giúp Nguyễn Tất Thành sớm hình thành ý thức tự lập, ý chí kiên cường vượt khó khăn và lòng yêu nước tột độ. Nên đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.
Những tháng ngày cơ cực nơi xứ người: Ngày 5/6/1911, với tên Văn Ba bắt đầu hình trình ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trải qua 30 năm, Văn Ba đã đi qua nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với nhân dân lao động bằng nhiều nghề cực khổ như: phụ bếp, đốt lò, quét tuyết, bồi bàn… để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Dù công việc rất vất vả, nhưng Người vẫn dành thời gian để học ngoại ngữ.
Về quê hương (Việt Nam) cũng sống trong điều kiện vô cùng thiếu thốn: Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, đến ngày 28/01/1941, lần đầu tiên Người trở về nước và đặt chân lên vùng đất tỉnh Cao Bằng tham gia hoạt động cách mạng (1941-1945). Trong khoảng thời gian từ ngày 08/02 đến trung tuần tháng 3/1941, Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng sống ở Hang Cốc Bó.
Hang Cốc Bó rộng khoảng 80m2, độ sâu của hang khoảng hơn 20m, cửa hang chỉ vừa một người đi. Trong hồi ký, đồng chí Lê Quảng Ba kể lại: “Cửa hang này nhỏ, luôn luôn ẩm ướt, phải bíu tay vào thành đá mới có thể chui được vào bên trong... Ở trong hang không khí ẩm thấp, nhất là ngày mưa, nước thường nhỏ giọt theo nhũ đá xuống nền lách tách không bao giờ ngớt”2.
Chiếc giường của Bác cùng một số đồng chí khác ngủ chỉ là những tấm ván, trên chỉ trải ít lá cây rừng để nằm. Có những đêm mưa lớn, nước nhỏ lênh láng vào cả chỗ nằm. Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh, Hành trình 79 mùa xuân” có đoạn kể lại: “Sau những đêm vật lộn với mưa gió và sương lạnh, bọn thanh niên chúng tôi đã đau xương, mỏi lưng, ê ẩm khắp người. Người vẫn không phàn nàn nửa lời nhưng chắc Người đã phải chịu đựng vất vả hơn chúng tôi nhiều.”3
Bữa ăn của Bác rất kham khổ, ngày chỉ có hai bữa, món ăn chính là cháo bẹ, rau măng, rau rừng, cơm độn bắp, uống nước lá ổi thay chè. Thỉnh thoảng mua được cân thịt lại mang đi kho thật mặn làm “món ăn chiến lược” để ăn dần. Cách chế biến thịt cũng nằm trong kế hoạch tiết kiệm hết mức: 1kg thịt, 1kg muối, 1 nửa kg ớt xào lên cho chín rồi để vào ống để dùng dần. Mỗi bữa cơm, Bác chỉ ăn hai bát... Bác thường căn dặn anh em chú ý tiết kiệm, ăn uống tuyệt đối không được để thừa hoặc đổ đi.4
Cuộc sống thiếu mọi thứ về vật chất như thế, nhưng Bác luôn lạc quan:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang, Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng, Cuộc đời cách mạng thật là sang.”5
Những ngày bị tù đày gian khổ ở Quảng Tây (Trung Quốc): ngày 27/8/1942, Bác bị Tưởng Giới Thạch bắt vì bị tình nghi là gián điệp. Từ đây, Bác đã trải qua hành trình gian khổ, bị giải khắp 13 huyện, 18 nhà lao ở Quảng Tây.
Tập thơ “Nhật ký trong tù” ra đời là một minh chứng cho ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan tin vào tương lai, thậm chí khó khăn còn là động lực để Người rèn luyện ý chí, tinh thần:
“Nghĩ mình trong bước gian truân, Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.”6
Có thể nói rằng, trong mọi hoàn cảnh, Bác Hồ vẫn luôn lạc quan, kiên cường, biết cách để vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng. Những phẩm chất đó chính là giá trị sáng ngời để giáo dục thế hệ thanh niên hôm nay - “người chủ tương lai của nước nhà” trong sự nghiệp xây dựng đất Việt Nam nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
3. Những vấn đề đặt trong thanh niên hiện nay
(1) Sự thích nghi với mọi hoàn cảnh, điều kiện khó khăn. Với nhiều em hiện nay, do xuất thân trong gia đình giàu, khá, cuộc sống trong cảnh đầy đủ, sung sướng trở thành thói quen. Cho nên, trước một số hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nào đó nhất thời thì các em không thể thích nghi được (không có điều hòa, không có niệm; 01 bữa ăn đạm bạc…). Thậm chí không biết làm những công việc đơn giản nhất như: làm cá, nấu cơm, rửa bát, lau nhà, giặt đồ.v.v… Thế nên, cần thiết phải rèn luyện cho các em sự thích nghi trong mọi hoàn cảnh và hình thành ý chí tự lập.
(2) Ý chí kiên cường, lạc quan để hướng đến một tương lai tốt đẹp. Xã hội diễn biến phúc tạp, khó lường. Chẳng may, có những thanh niên lại gặp phải những biến cố nào đó. Vì không được toi rèn nên thiếu ý chí, nghị lực để vượt qua nên nhiều thanh niên mù quáng trong chọn cách giải quyết. Thế nên, rất cần thiết để trang bị cho thanh niên một ý chí kiên cường để vượt qua mọi hoàn cảnh.
(3) Giáo dục niềm tin và phấn đấu trở thành người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam để được cống hiến cho Tổ quốc. Với sự phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập hiện nay đang là thời cơ và thách thức đối với thanh niên. Trong đó, nhiều thanh niên biết tận dụng mặt tích cực để phát huy; ngược lại, nhiều thanh niên bị ảnh hưởng những mặt tiêu cực (tự do thái quá, lối sống trụy lạc, tệ nạn xã hội; thậm chí tham gia các tổ chức phản động…). Cho nên, cần hướng đến giáo dục, chăm bồi để thanh niên hiểu đúng và đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cũng như có ý chí phấn đấu trở thành những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai.
4. Một số giải pháp để giáo dục lý tưởng “khát vọng phát triển để nước” cho thanh niên hiện nay
Sinh thời, Bác khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”7. Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã dành cho thanh niên những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Có lẽ vì vậy, trong Di chúc, Bác căn dặn Đảng ta “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”8. Qua nghiên cứu tinh thần lạc quan vượt khó của Bác, có thể hướng đến giáo dục thế hệ thanh niên hiện nay một số nội dung cơ bản như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giáo dục đạo đức cho thanh niên. Đảng chỉ đạo: “Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ”9 cho nên:
Về mặt nội dung, bên cạnh những nội dung trọng tâm, cần chú trọng giáo dục thanh niên nâng cao kỹ năng sống, xác định mục đích sống. Tiếp tục lan tỏa những tấm gương tiêu biểu vượt khó, giàu nghị lực ở độ tuổi thanh niên. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với thanh niên ngày càng sâu rộng hơn nữa.
Về phương thức giáo dục: cần đa dạng phương thức giáo dục như tài liệu, phim, ảnh, truyện tranh, thi viết bài, thi sáng tác, thi kể chuyện, sân khấu hóa, mạng xã hội... Tùy vào những điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể mà chủ thể giáo dục lựa chọn những phương thức phù hợp để truyền tải những nội dung đến thanh niên hiệu quả nhất.
Hai là, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên phải là những người thực sự nhiệt huyết để truyền cảm hứng.
Đội ngũ tuyên tuyền viên nòng cốt trong thanh niên là những cán bộ làm công tác Đoàn, Hội,… và thầy cô giáo. Những người đó phải thật sự mẫu mực, phải là tấm gương về học tập, đạo đức, nhân cách, lối sống và hết lòng cống hiến cho công việc…thì mới có ý nghĩa thiết thực cho việc truyền cảm hứng cho thanh niên.
Ở góc độ tổ chức (Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể…) cần tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời tất cả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch…về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đến với mọi đối tượng. Riêng Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên cần có biện pháp tập hợp thanh niên và ra sức tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên.
Ở góc độ cá nhân, mỗi tuyên truyền viên phải chủ động, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho mình. Người cán bộ Đoàn, Hội hay thầy cô giáo phải là một tấm gương ngoài đời thực để thanh niên noi theo. Sinh thời Bác nói: “...một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”10. Đồng thời, phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo để ngày càng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thanh niên.
Ba là, xây dựng và tổ chức đa dạng các chương trình thực tế thiết thực cho thanh thiếu niên tham gia. Nếu chỉ nghe, xem, đọc…trên hội trường những nội dung liên quan về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên thì cần cụ thể hóa thành một hoạt động thực tế để thanh niên tham gia trải nghiệm. Chương trình thực tế có thể là cắm trại, tham quan về nguồn hay tham gia một cuộc mít tin, giao lưu một tấm gương cụ thể nào đó… đều mang lại giá trị thực tiễn cho công tác giáo dục.
Với các trường học, xây dựng chương trình tổ chức, cần hướng đến cho các em tự trải nghiệm như biết dựng lều, trại, biết tổ chức bữa ăn, biết nấu nướng…; tổ chức các sân chơi: thi nấu ăn, giao lưu văn hóa, văn nghệ để các em tham gia, giúp các em được học hỏi và tự tin, mạnh dạn hơn; cho các em ngủ lại tại lều, trại để tập cho các em sự thích nghi trong mọi hoàn cảnh sống.v.v…
Tăng cường hơn nữa số lượng các khóa “Học kỳ quân đội” vào hè hàng năm để thanh niên có điều kiện tham gia nhiều hơn. Tùy vào từng lứa tuổi và qua các chủ đề huấn luyện sẽ mang lại đầy đủ sự trải nghiệm và hình thành các kỷ năng sống, tạo dựng nền nếp cho thanh niên trưởng thành hơn, có mục tiêu, lý tưởng sống cao đẹp hơn.
Bốn là, tăng cường vai trò của Ban tuyên giáo các
cấp trong hoạt động giáo dục thanh niên hiện nay. Để việc giáo dục thanh niên có được lý tưởng sống cao đẹp, bên cạnh các chủ thể khác tham gia thì cần thiết phát huy vai trò của Ban tuyên giáo các cấp.
Trong đó, tăng cường công tác chỉ đạo kịp thời các tổ chức có liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục thanh niên quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng. Hướng hoạt động giáo dục để tuổi trẻ có hoài bão, khát vọng, ý chí vươn lên, làm chủ khoa học, công nghệ… để tham gia nghề nghiệp được tốt nhất.
Tiếp tục tổ chức thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 152- HD/BTGTW ngày 16/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành về công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị ngày càng sâu rộng và phù hợp với đối tượng thanh thiếu niên ở từng môi trường cụ thể.
Trong các ngày kỷ niệm lớn của thanh niên và của đất nước, Ban tuyên giáo cần sớm xây dựng các kế hoạch tuyên truyền cũng như phát động các phong trào thi đua, trong đó tập trung hướng đến đối tượng thanh niên tham gia. Cần phát động nhiều cuộc thi với những chủ đề về vai trò của thanh thiếu niên trong học tập, rèn luyện; suy nghĩ của thanh niên về mục tiêu, lý tưởng sống; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Tóm lại, giáo dục toàn dân nói chung và giáo dục thanh niên nói riêng phải được thực hiện theo mục tiêu của giáo dục con người toàn diện hiện nay. Trong phạm vi nghiên cứu về tinh thần lạc quan, ý chí và nghị lực vượt qua mọi hoàn cảnh sống khó khăn của Bác là chủ đề quan trọng góp phần giáo dục thế hệ thanh niên hiện nay. Qua đó, có thể giúp thanh niên hiểu và có được lý tưởng sống cao đẹp cho mình, xứng đáng là “người chủ tưởng lai của đất nước”, tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
------------------------------------------------------------------- TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1.Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tập 4, tr.35
2. Đỗ Hoàng Linh (2015): Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945, Nxb Hồng Bàng, tr.24
3. Đỗ Hoàng Linh (2012): Hồ Chí Minh, Hành trình 79 mùa xuân, Nxb Hồng Bàng, tr.120
4. Theo Nguyễn Thị Thu Hằng: Cuộc sống đời thường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Cao Bằng, https://hochiminh.vn
5. Hồ Chí Minh: (2011) Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr.228
6. Hồ Chí Minh: (2011) Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr.346
7. Hồ Chí Minh: (2011) Toàn tập, Sđd, Tập 4, tr.194
8. Hồ Chí Minh: (2011) Toàn tập, Sđd, Tập 15, tr.622
9. Đảng cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 162
10. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Sđd, Tập 1, tr.263
Th.s Nguyễn Tuấn An - Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang