Giáo dục thẩm mỹ theo quan điểm của mỹ học Mác-Lênin và ý nghĩa của việc giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay

Thứ năm, 31/10/2024 - 22:16

Giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm trang bị cho các em hệ thống tri thức thẩm mỹ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ, đánh giá sáng tạo theo quy luật cái đẹp. Việc giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên sẽ định hình và phát triển nhân cách, năng lực nhận thức thẩm mỹ, năng lực hoạt động thẩm mỹ và năng lực thẩm mỹ nghệ thuật qua đó góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển con người toàn diện ở các mặt đức, trí, thể, mỹ.

1. Bản chất của giáo dục thẩm mỹ theo quan điểm mỹ học Mác - Lênin

Mỹ học Mác - Lênin là một bộ phận hợp thành của triết học Mác - Lênin, dựa trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, nghiên cứu sự vận động của các quan hệ thẩm mỹ, giữa con người và hiện thực, trong đó cái đẹp là trung tâm, hình tượng là khâu cơ bản, nghệ thuật là biểu hiện tập trung nhất(5). Giáo dục thẩm mỹ theo quan điểm mỹ học Mác - Lênin có hai nghĩa: Theo nghĩa hẹp, là giáo dục có tính trường quy về cái đẹp; giáo dục con người biết thụ cảm, đánh giá và sáng tạo cái đẹp; theo nghĩa rộng, là sự giáo dục và tự giáo dục, phát huy mọi năng lực bản chất người theo quy luật của cái đẹp (5). Bản chất của giáo dục thẩm mỹ nhằm hình thành một chủ thể biết hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo trên mọi mặt của cuộc sống theo quy luật của cái đẹp.

Ngoài ra, giáo dục thẩm mỹ còn tham gia phát triển xúc cảm thẩm mỹ ở con người, bồi dưỡng xúc cảm lành mạnh, hướng tri giác của chủ thể thẩm mỹ vào các quan hệ thẩm mỹ đang vận động trong hiện thực. Trên cơ sở xúc cảm thẩm mỹ, hướng tới bồi dưỡng tình cảm thẩm mỹ, tạo nên năng lực thẩm mỹ; giáo dục thẩm mỹ theo quan điểm của mỹ học Mác - Lênin luôn luôn gắn liền tình cảm với lý trí.

C.Mác nhận định: “Súc vật chỉ tái sản xuất ra bản thân mình, còn con người thì sản xuất ra toàn bộ tự nhiên; sản phẩm của súc vật trực tiếp gắn liền với cơ sở vật chất của nó, còn con người thì độc lập một cách tự do với sản phẩm của mình. Súc vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống nào và ở đâu cũng có thể áp dụng thước đo thích dụng cho đối tượng, do đó con người cũng nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp” (1). Tính đặc thù của giáo dục thẩm mỹ khác với mọi phương diện giáo dục khác là ở bản chất của cái thẩm mỹ. Cái đúng phải gắn với cái đẹp, cái tốt cũng phải gắn với cái đẹp, phát triển thể chất cũng phải gắn với cái đẹp.

Giáo dục thẩm mỹ bao gồm cả giáo dục nghệ thuật. Thông qua giáo dục nghệ thuật, con người được tiếp xúc và hiểu biết nhiều về cuộc sống thẩm mỹ và các mô hình thẩm mỹ đã được sáng tạo, giúp cho con người nâng cao năng lực lựa chọn thẩm mỹ, tạo cho con người năng lực tưởng tượng và giúp cho con người hướng tới những hoạt động sống lạc quan, tích cực. Như vậy giáo dục thẩm mỹ và giáo dục nghệ thuật đều hướng tới sự hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ của con người, những nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh, hình thành các thị hiếu thẩm mỹ tốt cho xã hội. Mục đích cuối cùng của giáo dục thẩm mỹ là phát triển con người toàn diện, hài hoà, hình thành nhân cách, năng lực nhận thức, và năng lực thẩm mỹ và năng lực thực tiễn của con người.

2. Nội dung giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên hiện nay

Giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên nhằm hình thành và phát triển ở các em năng lực cảm thụ và nhận thức đúng đắn về cái đẹp trong tự nhiên, trong xã hội và trong nghệ thuật. Giáo dục thanh niên tình yêu cái đẹp và năng lực sáng tạo ra cái đẹp. Giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên bao gồm giáo dục nhận thức thẩm mỹ, giáo dục năng lực hoạt động thẩm mỹ và giáo năng lực thẩm mỹ nghệ thuật.

Thứ nhất, giáo dục nhận thức thẩm mỹ. Giáo dục nhận thức thẩm mỹ góp phần hình thành ở thanh niên tri thức thẩm mỹ lành mạnh. Tri thức thẩm mỹ phải đảm bảo tính khoa học và tính đúng đắn và phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của chủ thể thẩm mỹ, trên cơ sở đó, các em có những hiểu biết đầy đủ và chắt lọc những giá trị cốt lõi của đời sống thẩm mỹ và có cơ sở nhận thức khoa học để tiếp nhận và sáng tạo thẩm mỹ. Đi đôi với giáo dục tri thức thẩm mỹ là giáo dục xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ. Các em cần được bộc lộ xúc cảm chân thành, nồng nhiệt và tự tin phù hợp với nhu cầu và khả năng của các em thông qua đời sống thẩm mỹ trong xã hội và sinh hoạt hàng ngày.

Giáo dục nhận thức thẩm mỹ thực chất là giáo dục cái đẹp, khả năng cảm nhận đúng đắn cái đẹp, có ý chí và tình cảm để góp phần tạo nên cái đẹp trong cuộc sống. Qua đó giáo dục định hướng giúp thanh niên - chủ thể thẩm mỹ có đủ sức mạnh, niềm tin và ý chí kiên định để loại bỏ cái xấu, cái thấp hèn; tự ý thức, tự giáo dục hướng tới thừa nhận cái đẹp chân chính. Các em cần được trang bị toàn diện cái đẹp trong thiên nhiên, trong cuộc sống, trong xã hội và thực hiện nó trong ứng xử, trong giao tiếp sinh hoạt, trong học tập, lao động và vui chơi.

Thứ hai, giáo dục năng lực hoạt động thẩm mỹ. Giáo dục năng lực hoạt động thẩm mỹ là hình thành ở thanh niên năng lực thực tiễn hoá tri thức thẩm mỹ và tình cảm thẩm mỹ trong đời sống thẩm mỹ, trong quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Quá trình hướng việc giáo dục thẩm mỹ vào các hoạt động cụ thể hàng ngày là tạo ra các khả năng tiếp nhận và sáng tạo thẩm mỹ, tạo ra nhân cách có phẩm chất thẩm mỹ.

Giáo dục năng lực hoạt động thẩm mỹ cần đưa các em vào các lĩnh vực hoạt động có quan hệ đến các em như hoạt động trong nhà trường, hoạt động ở gia đình và ngoài xã hội. Giáo dục thẩm mỹ trong hoạt động học tập và lao động của thanh niên giữ vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách người lao động mới trong xã hội. Giáo dục trí tuệ, giáo dục lao động không tách rời với giáo dục đạo đức và giáo dục thẩm mỹ và là việc làm rất cần thiết nhằm hình thành ở thanh niên ý thức, thái độ và thói quen học tập, lao động theo cái đẹp và tạo ra những sản phẩm đẹp. C.Mác nhận định: “Chỉ nhờ có lao động…mà bàn tay con người mới đạt được trình độ hoàn thiện rất cao, khiến nó có thể, như một sức mạnh thần kỳ, sáng tạo ra các bức tranh của Raphaen, các pho tượng của Tôvanxen và các điệu nhạc của Paganini” (2) .

Giáo dục năng lực hoạt động thẩm mỹ trong sinh hoạt đời thường trong ứng xử và nếp sống là một phương diện thiết yếu của giáo dục lối sống có văn hoá thẩm mỹ. Để giáo dục lối sống có văn hoá, thẩm mỹ cho thanh niên có hiệu quả cần phải giúp các em có ý thức đúng đắn về cái đẹp trong giao tiếp, ứng xử, trong trang phục và đồ dùng sinh hoạt… Qua đó hình thành ở các em thái độ đúng đắn đối với lối sống đẹp, lối sống lành mạnh và tự điều chỉnh hành vi, lối sống của mình theo tiêu chuẩn của cái đẹp, lên án lối sống buông thả, đua đòi, chạy theo mốt một cách lố bịch.

Thứ ba, giáo dục năng lực thẩm mỹ nghệ thuật. Giáo dục cho thanh niên năng lực thẩm mỹ nghệ thuật nhằm chuẩn bị và hướng dẫn thưởng thức, cảm thụ nghệ thuật, nhận thức tác phẩm nghệ thuật sao cho hợp lý và có giá trị tích cực nhất. Đồng thời, giáo dục tiếp nhận nghệ thuật là phương tiện để làm giàu khả năng nhận thức thẩm mỹ, sáng tạo thẩm mỹ nói chung, nó là điều kiện không thể thiếu để bồi dưỡng, kích thích tiềm năng sáng tạo thẩm mỹ, sáng tạo cuộc sống trong mỗi người.

Giáo dục năng lực thẩm mỹ nghệ thuật cho thanh niên đòi hỏi phải luôn tìm kiếm, xác định những nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật tương ứng, thích hợp. Để cung cấp cho các em những tri thức về nghệ thuật và khả năng tiếp nhận nghệ thuật cần tạo cho các em những tri thức có tính định hướng như những tri thức chung về nghệ thuật, một số phương thức tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật, một số chuẩn mực tiêu biểu để cảm nhận, đánh giá nghệ thuật cũng như xác định giá trị thẩm mỹ xã hội của tác phẩm nghệ thuật, mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật với nghệ sỹ sáng tạo tác phẩm (6).

3. Ý nghĩa của việc giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay

Xuất phát từ chiến lược phát triển con người toàn diện, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định tầm quan trọng của việc giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ: “Nâng cao vai trò văn hoá, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo, trong hoạt động văn hoá nghệ thuật của mỗi người dân và của cộng đồng…” (3). Đồng thời phải không ngừng: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ” (3).

Thế hệ thanh niên hiện nay với đặc điểm tâm sinh lý năng động, sáng tạo, nhạy cảm trước cái mới, thích thể hiện và khẳng định mình, tuy nhiên các em chưa đủ nhận thức sâu sắc và đa chiều về những biến động của thời cuộc. Các em cần được trang bị tri thức thẩm mỹ, và năng lực hoạt động thẩm mỹ, năng lực thẩm mỹ nghệ thuật để có thể nhìn nhận và đánh giá cái đẹp, cái xấu đang tồn tại trong thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, mặt trái nền kinh tế thị trường, sự du nhập của văn hoá và lối sống phương Tây, những trào lưu đi ngược lại với giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống của dân tộc được lan truyền mạnh mẽ thông qua phim ảnh, mạng xã hội thẩm thấu vào đời sống thẩm mỹ của thanh niên. Bản thân các em còn bồng bột, dễ dao động và chưa phân biệt đâu là những hành vi, thái độ lệch chuẩn, không phù hợp với giá trị thẩm mỹ. Do đó, việc trang bị những tri thức mỹ học Mác - Lênin có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần định hướng đúng đắn cho hoạt động nhận thức thẩm mỹ, hướng tới sáng tạo thẩm mỹ, sáng tạo theo quy luật cái đẹp.

Trong quá trình biến đổi không ngừng của thực tiễn, hoà nhập với xu hướng biến đổi của thế giới, chúng ta cần định hướng để các em có thể chắt lọc những xu hướng nào là phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trên cơ sở đó, sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật có chất lượng và có xu hướng quảng bá sâu rộng đến đông đảo khán giả có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Để giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên có hiệu quả, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, giáo dục thẩm mỹ phải hướng đến giáo dục thông qua lao động và trong lao động. Mỹ học Mác - Lênin khẳng định rằng, mọi niềm vui, khát vọng và những đam mê của con người trong cuộc sống đều gắn liền với hoạt động lao động và thực tiễn xã hội của con người. Lao động góp phần tạo ra giá trị vật chất và giá trị tinh thần, trong đó có giá trị thẩm mỹ. Lao động là nguồn gốc của nghệ thuật. Chính lao động đã hình thành nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu nghệ thuật và sáng tạo ra những sản phẩm có tính nghệ thuật và nghệ thuật thật sự. Trong quá trình lao động và sáng tạo ra các sản phẩm có tính nghệ thuật các em sẽ yêu quý và trân trọng chính thành quả lao động của mình và của mọi người. Từ đó tạo động lực tiếp tục hăng say sáng tạo các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao.

Thứ hai, giáo dục thẩm mỹ bằng những hoạt động hàng ngày. Chẳng hạn, giáo dục các em biết yêu quý môi trường xung quanh, bao gồm cả môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Môi trường thiên nhiên tươi đẹp xung quanh sẽ là kích thích tố quan trọng gợi lên trí tưởng tượng, những rung động thẩm mỹ, hướng đến sáng tạo các giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Chẳng hạn đứng trước khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp các em có thể sáng tạo ra những bức tranh mang tính nghệ thuật, sáng tác những bài văn, bài thơ, những ca khúc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên… Trước môi trường xã hội lành mạnh, những tác động của cái tốt, cái cao cả, cái đẹp sẽ là ngọn nguồn khơi gợi những xúc cảm thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ, giúp các em tạo ra những hình tượng thẩm mỹ cao đẹp trong các tác phẩm nghệ thuật.

Giáo dục thẩm mỹ thông qua những hoạt động hàng ngày còn hướng đến giáo dục các em trong giao tiếp, lời nói, trong cách đi đứng, cư xử đúng mực, mang giá trị thẩm mỹ. Chẳng hạn, nói như thế nào cho hoa mỹ, lịch sự; cách giao tiếp lịch thiệp, trang nhã; trang phục vừa phù hợp với độ tuổi vừa thể hiện sự sáng tạo, đa dạng về màu sắc, tươi trẻ, yêu đời; đi đứng khoan thai, khí chất, tạo thiện cảm cho người đối diện, không vội vã, không văng tục, thô lỗ trong cư xử, trong giao tiếp…

Thứ ba, giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật. Nghệ thuật là một trong trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội. Nghệ thuật phản ánh cuộc sống, gắn liền với cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật chỉ có giá trị khi phản ánh hơi thở của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu cảm thụ thẩm mỹ, thưởng thức nghệ thuật.

Để giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật đạt hiệu quả, cần trang bị cho chủ thể thẩm mỹ - thanh niên những tri thức cơ bản về mỹ thuật và nghệ thuật thông qua chương trình giáo dục và đào tạo, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động triển lãm, thưởng thức nghệ thuật, tạo điều kiện cho thanh niên thường xuyên tiếp xúc cái đẹp tại địa phương, quê hương thông qua các sản phẩm lao động, các phong cảnh tự nhiên và xã hội. Việc đưa mỹ thuật, nghệ thuật vào cuộc sống, góp phần lan toả tình yêu cái đẹp, định hướng năng lực thẩm mỹ nghệ thuật, năng lực sáng tạo cái đẹp. Ngoài ra cần tạo môi trường văn hoá và môi trường thẩm mỹ kết hợp không gian tự nhiên phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, tâm lý, giới tính, nhu cầu, thị hiếu, tính cách của các em.

4. Kết luận

Như vậy, giáo dục thẩm mỹ là một bộ phận của sự nghiệp giáo dục toàn diện. Mục tiêu phổ quát của giáo dục thẩm mỹ là nhằm phát triển toàn diện các mặt đời sống xã hội và con người. Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm đào tạo thế hệ thanh niên có tri thức thẩm mỹ, năng lực hoạt động thẩm mỹ và năng lực thẩm mỹ nghệ thuật. Trên cơ sở tri thức thẩm mỹ, các em sẽ vận dụng vào thực tiễn để tiến hành các hoạt động thẩm mỹ lành mạnh, phân biệt cái đẹp và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn trong thực tiễn cuộc sống; xây dựng thị hiếu thẩm mỹ, cảm xúc thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp, trong sáng. Nền tảng đời sống tinh thần phong phú sẽ là nguồn khích lệ thanh niên hăng say sáng tạo thẩm mỹ, sáng tạo nghệ thuật vì con người. Những tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ cảm hoá con người bằng cái đẹp, sức mạnh của tinh thần nhân đạo, cảm hoá con người thông qua hình tượng chân - thiện mỹ, thể hiện khát vọng, niềm tự hào hăng say sáng tạo cái đẹp chạm đến mọi ngóc ngách của đời sống tinh thần của cộng đồng người trong xã hội.

-----------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, trang 137.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, trang 643.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, trang 263 - 264, trang 168.

(4) Đỗ Huy, Giáo dục thẩm mỹ - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Thông tin ký luận, Hà Nội, 1987.

(5) Đỗ Huy, Mỹ học Mác - Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2026, trang 73, trang 408

(6) Phan Việt Hoa, Nguyễn Thị Hoàng Yến, Mỹ học và giáo dục thẩm mỹ, Nxb Đại học Sư phạm, 2005, trang 106 - 110.

TS. Tôn Việt Thảo - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành