Giao lưu trực tuyến “Tài sản trí tuệ: Nguồn lực và dư địa mới để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội”

Thứ tư, 22/12/2021 - 20:04

Vào lúc 13h30, ngày 22/12/2021, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tạp chí KH&CN Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Tài sản trí tuệ: Nguồn lực và dư địa mới để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội”. Khách mời tham gia buổi giao lưu gồm có: Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT, Ông Mai Văn Dũng - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Ông Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT, Ông Trần Văn Hải - Trưởng Bộ môn SHTT - Khoa Khoa học Quản lý - Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Ông Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Ông Đặng Ngọc Bảo - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí.

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí KH&CN Việt Nam nêu rõ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2005 với các mục tiêu: nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ... Đến nay, Chương trình 68 đã triển khai qua 3 giai đoạn (2006-2010, 2011-2015, 2016-2020), góp phần đưa hoạt động SHTT tới mọi miền Tổ quốc, xã hội hóa công tác đầu tư cho hoạt động bảo hộ và phát triển TSTT; nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, người dân; nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp; đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh... Để hiểu rõ hơn về những kết quả đã đạt được của Chương trình giai đoạn trước và tính cấp bách khi thực hiện một số nội dung quan trọng trong giai đoạn mới, Tạp chí KH&CN Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến Tài sản trí tuệ: Nguồn lực và dư địa mới để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

 

Phát biểu báo cáo đề dẫn tại buổi giao lưu, Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn cho biết, với những kết quả đã đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả của Chương trình của các bộ/ngành, địa phương trong cả nước, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030. Trong giai đoạn này, Chương trình sẽ tập trung thực hiện đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình đặt mục tiêu số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8-10%/năm...

Phần Giao lưu, đối thoại giữa bạn đọc và các chuyên gia đã diễn ra sôi nổi, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các vấn đề như: bảo hộ sáng chế; vai trò và năng lực của các tổ chức trung gian tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; tư vấn đối với các bạn trẻ khởi nghiệp về đăng ký sáng chế; giải pháp hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên; phát triển dịch vụ tư vấn về quản trị tài sản trí tuệ… Các chuyên gia cũng chia sẻ với bạn đọc những thông tin về kế hoạch triển khai của Chương trình trong năm 2022. Theo đó, Chương trình sẽ đổi mới cách tiếp cận, triển khai các giải pháp một cách tổng thể, sáng tạo hơn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực từ xã hội đầu tư cho SHTT nhằm hướng tới mục tiêu đưa SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.

Mai Văn Thủy