Mới đây, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý nhóm trẻ mẫu giáo độc lập trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, đơn vị này yêu cầu các giáo viên, nhân viên ký cam kết với chủ nhóm lớp, ký cam kết với UBND phường tuyệt đối không tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường, nhóm lớp tư thục, nhà riêng của giáo viên, nhân viên trong thời gian thành phố yêu cầu học sinh nghỉ học tại nhà để phòng, chống dịch bệnh; Sẽ xử lý nghiêm với chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập không chấp hành các quy định của cơ quan quản lý về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay sau khi công văn được các chủ trường mầm non tư thục, mầm non độc lập chuyển đến giáo viên, hàng trăm giáo viên mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Xuân đã đồng loạt viết đơn xin chủ trường cho nghỉ việc với mục đích, tiếp tục với công việc dạy nhóm trẻ hiện tại tại nhà để không ảnh hưởng tới nhà trường. Công văn với những quy định như trên đã khiến nhiều giáo viên và phụ huynh có nhu cầu cần người chăm trẻ rất bức xúc.
Cô giáo Lý Hoài Thư (Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho biết, sau khi nhận được công văn số 342 ngày 25/11 vừa qua, cô cảm thấy rất buồn và lo lắng cho những ngày tới.
Các trường mầm non tư thục vẫn phải "cửa đóng, then cài" để phòng, chống dịch Covid-19
Trước đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành mầm non tư thục phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vất vả. Hơn 7 tháng qua, các cô giáo không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía nhà trường, bởi cơ sở làm việc quy mô nhỏ, nhà trường không có nguồn thu trong khi chủ trường vẫn phải gánh tiền thuê nhà trong suốt thời gian nghỉ dịch.
Hiện, cô hiện là mẹ đơn thân, đang nuôi 2 con nhỏ. Bé lớn học lớp 6 do không nuôi được nên đã gửi về quê ở Nam Định nhờ một người anh em nuôi giúp. Bé thứ 2 đang học lớp 3, hai mẹ con thuê nhà sống tại Thanh Xuân. Để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, mới đây, cô đã nhận trông một bé mầm non.
Niềm vui chưa được bao lâu thì nay đã vụt tắt khi cơ hội làm việc cuối cùng của một giáo viên mầm non tư thục cũng bị ngăn cấm. Ngay ngày hôm sau, Thư đành nuốt nước mắt, quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, từ bỏ nghề mình yêu thích và đã gắn bó suốt 10 năm nay để đi tìm đường sống. Hiện giờ cô đang rất bế tắc và chưa biết sẽ làm công việc gì để duy trì cuộc sống.
Cũng có cùng tâm sự buồn, cô giáo Lê Kim Dung, tập thể Kim Giang cho hay, suốt một thời gian dài nghỉ dịch, không nhận được sự hỗ trợ từ bất cứ tổ chức nào, không thể đi làm một công việc khác vì con còn nhỏ. Cô nhận 1, 2 trẻ là học sinh của mình về trông, vừa để cho con có bạn, vừa trông giúp phụ huynh và vừa có thêm chút thu nhập. Thế nhưng khi Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân có công văn như vậy, cô đã quyết định viết đơn xin nghỉ việc ở trường để không làm ảnh hưởng đến chủ trường và vẫn có việc để làm.
“Sau khi cô hiệu trưởng đưa công văn và thông báo tình hình như vậy, tôi đã viết đơn xin nghỉ việc ngay ngày hôm sau. Bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, không biết khi nào có thể đi làm trở lại được. Thời gian tới có thể sẽ phải tính tìm một công việc khác, tôi không thể trụ được nữa vì còn phải duy trì cuộc sống gia đình. Mặc dù đã 8 năm theo nghề, rất yêu nghề nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”, cô giáo Lê Kim Dung chia sẻ.
Sau gần 7 tháng đóng cửa vì dịch bệnh, học sinh mầm non vẫn chưa biết khi nào mới có thể quay trở lại trường, bố mẹ đi làm, nhiều nhà phải gửi con cho các cô giáo mầm non trông giúp tại các nhóm trông trẻ tự phát. Việc làm này vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh mà các giáo viên nhất là giáo viên trường tư thục có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở 183 Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân) cho hay, vợ chồng anh chị có 2 con nhỏ, đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, được nghỉ làm trực tuyến, còn có thể ở nhà để trông con. Sau khi đi làm, chị phải nhờ 2 cô giáo ở trường con học đến trông và nấu ăn cho các con(bé 3 tuổi, bé 5 tuổi và 1 bé hàng xóm).
Theo chị Huyền, phí trông giữ hai bé nhà chị là 200.000/ngày, như vậy, một tháng phải chi gần 10 triệu đồng cho chi phí trông con. Tuy vậy, anh chị vẫn phải cố gắng để yên tâm làm việc.
“Sau khi có văn bản của quận Thanh Xuân, 2 cô giáo đã đến xin nghỉ việc vì nhà trường bắt ký cam kết nên không thể tiếp tục trông trẻ được. Hiện giờ, tôi phải xin nghỉ ở nhà để trông con với lý do con ốm. Tôi rất lo lắng và chưa biết sẽ khắc phục bằng cách nào trong những ngày tới đây”, chị Huyền cho hay.
Trước công văn của Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, bà Chu Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội giáo viên Mầm non Tư thục Thành phố Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Vầng Trăng chia sẻ, sau khi nhà trường nhận được công văn, thông báo đến các giáo viên thì chỉ sau 1 ngày, đồng loạt 20 giáo viên và nhân viên của trường đã viết đơn xin nghỉ việc ở trường để được tiếp tục công việc trông trẻ, nhóm trẻ tại gia đình mà không ảnh hưởng đến nhà trường. Tất cả các giáo viên đã tạo thành một làn sóng nghỉ việc, không chỉ riêng giáo viên của nhà trường mà giáo viên ở mọi nơi trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng đã làm đơn xin nghỉ việc.
Bà Nga băn khoăn, tại sao nội dung của văn bản không đề cập tới việc cấm các giáo viên trường mầm non công lập trông trẻ, nhóm trẻ tại nhà mà lại chỉ cấm giáo viên các trường tư thục?
“Trước thực trạng này, không biết sau dịch, làm thế nào để có lại đội ngũ giáo viên. Các cô giáo nghỉ việc không phải để làm việc khác mà vẫn làm công việc trông trẻ tại nhà và giữ lại công việc cho chính mình. Chúng tôi lo lắng, sẽ lấy đâu ra nhân sự, lấy đâu ra người lao động, lấy đâu ra giáo viên dạy con trẻ khi con trẻ đến trường, bởi khi đó, các cô giáo đã có một công việc ổn định khác”, bà Nga trăn trở.
Bà Nga mong muốn, thời gian tới sẽ có một quyết sách nào đó từ Phòng Giáo dục & Đào tạo quận Thanh Xuân để giải quyết được vấn đề này và giúp giáo viên có thể ổn định cuộc sống, giúp giáo viên vững tinh thần để giữ lại nghề. Bà Nga cũng mong, Chính phủ sẽ có hỗ trợ đối với giáo viên mầm non tư thục để họ không quá lo lắng về cơm, áo, gạo tiền, từ đó có thể cống hiến tốt hơn nữa cho ngành Giáo dục mầm non./.
Chung Thủy/VOV