Giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan góp mặt trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024

Thứ sáu, 08/11/2024 - 09:00

Ngày 07/11, cô Ngô Thị Cẩm Loan, giáo viên Khoa Kinh tế Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) vinh dự được góp mặt trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Theo ban tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 cho biết, mục đích của việc tổ chức hội giảng nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt"; đồng thời, thiết thực động viên các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Qua đó, kịp thời phát hiện, công nhận, tôn vinh các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy giỏi và tiến hành nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần thu hút các thành phần xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sức bật thúc đẩy lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh trong thời đại mới.

Nội dung bài giảng của cô Ngô Thị Cẩm Loan, giáo viên Khoa Kinh tế Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.

Nội dung bài giảng của cô Ngô Thị Cẩm Loan, giáo viên Khoa Kinh tế Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.

Đến với hội giảng toàn quốc năm nay, giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan giới thiệu bài giảng về khái niệm, nguyên tắc và các bước thực hiện ghi sổ kép, thuộc môn học Nguyên lý kế toán trong chương trình đào tạo bậc Trung cấp ngành Kế toán doanh nghiệp của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh.

Tại hội giảng, với hình thức lớp học giả định gồm 04 học sinh được chia thành 02 nhóm, cô Ngô Thị Cẩm Loan đã sử dụng khéo léo phương pháp làm việc nhóm và gợi mở vào tiết giảng thông qua việc giới thiệu chủ đề bài học, tổ chức và thực hiện nội dung bài học, hướng dẫn, chia nhóm, nhận xét và đánh giá, giới thiệu tài liệu tham khảo, giao bài tập về nhà…

Giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan góp mặt trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024- Ảnh 2.

Đoàn công tác Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh tặng hoa chúc mừng giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan hoàn thành bài giảng tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.

Thông qua bài giảng, các học viên có thể nắm vững được khái niệm ghi sổ kép (hay kế toán kép) là dùng để ghi chép số tiền của nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào các tài khoản có liên quan theo đúng mối quan hệ đối ứng của các đối tượng kế toán. Như vậy, mỗi nghiệp vụ kinh tế phát sinh bao giờ cũng được ghi ít nhất vào 2 tài khoản; khi ghi Nợ tài khoản này đối ứng với ghi Có tài khoản kia và ngược lại, theo thứ tự Nợ ghi trước, Có ghi sau, trên nguyên tắc tổng số tiền ghi bên Nợ bằng tổng số tiền ghi bên Có trong cùng 1 định khoản (giản đơn hoặc phức tạp).

Bám sát chủ đề "Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp: Gương mẫu - Sáng tạo - Số hóa - Hội nhập" của Hội giảng toàn quốc năm 2024, giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan đã tập trung khai thác, sử dụng sáng tạo, hiệu quả các phương tiện, đồ dùng, dụng cụ, thiết bị dạy học, phù hợp với nội dung của bài giảng và phương pháp dạy học như: bảng, phấn viết bảng, nam châm, bút lông; máy chiếu, máy vi tính; giáo án, tài liệu phát tay, đề cương chi tiết bài giảng, phiếu học tập, phiếu giao bài về nhà… với các tiêu chí đánh giá kết quả rõ ràng, cụ thể, đo lường được, nhằm giúp đối tượng giảng dạy là những học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học Trung cấp chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, có thể hiểu được các khái niệm, nguyên tắc về ghi sổ kép, trình bày được các bước thực hiện và giải quyết các bài tập về ghi sổ kép một cách cẩn thận, chính xác và mang tính tuân thủ cao đối với các quy định kế toán hiện hành.

Giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan góp mặt trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024- Ảnh 3.

Giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan chụp hình lưu niệm cùng Ban giám khảo, giáo viên huấn luyện và đoàn công tác Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.

Với mục tiêu gia tăng tính thu hút, sinh động, giúp các học viên đạt được yếu tố "3 dễ" trong đào tạo nghề "dễ tương tác, dễ nhớ, dễ thực hiện", giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan đã biên soạn các câu hỏi trắc nghiệm, các bài tập tình huống phong phú để tổ chức bài giảng hợp lý, nhịp nhàng, hiệu quả theo lớp và theo nhóm thảo luận, nhằm tạo cơ hội, khuyến khích người học tham gia học tập tích cực, chủ động, hợp tác trong học tập, theo phương châm "học đi đôi với hành".

Trong quá trình triển khai bài giảng, giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan thường xuyên quan sát, phân tích quá trình thực hiện các yêu cầu nội dung bài học, làm bài tập nhóm, báo cáo kết quả… của các học viên để linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế của lớp học.

Giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan chụp hình lưu niệm cùng gia đình tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.

Giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan chụp hình lưu niệm cùng gia đình tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.

Nhìn chung, bài giảng của giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan cơ bản trình bày chính xác, khoa học các kiến thức lý thuyết và thực tiễn của bài học; gắn kiến thức của bài học với thực tiễn nghề nghiệp; lựa chọn, giới thiệu những ví dụ minh họa thực tế phù hợp, sát với nội dung bài học; đặc biệt, đã tinh tế lồng ghép, kết hợp giữa dạy kiến thức với giáo dục phẩm chất, giá trị, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán đối với các học viên thông qua tiết giảng.

Được vinh dự tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024, giáo viên Ngô Thị Cẩm Loan chia sẻ: "Hội giảng đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều vì có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi, tiếp thu những kinh nghiệm quý báo trong hoạt động giảng dạy từ các đơn vị đào tạo nghề cả nước".

Cô Ngô Thị Cẩm Loan nhận xét: "Tôi nhận thấy hội giảng này thực sự đã mang đến nguồn động lực to lớn cho tôi và các đồng nghiệp, nhằm tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện bản thân, chủ động đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và cùng chung tay đưa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển bền vững trong thời gian tới".

Có thể thấy, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc không những là sân chơi bổ ích, giúp đội ngũ giáo viên dạy nghề không ngừng nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy, ngày càng phát triển, hoàn thiện bản thân mà còn là một giải pháp thiết thực, có ý nghĩa chiến lược của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lê Thanh