Giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề bảo tồn động vật hoang dã

Thứ ba, 19/10/2021 - 14:35

TNV - Sáng 17/10, tại Hà Nội đã diễn ra vòng chung kết Cuộc thi tranh biện online về chủ đề "Bảo tồn động vật hoang dã" với sự tham gia của 4 đội nhóm đến từ các tỉnh thành khác nhau. Thông qua chương trình, các bạn trẻ học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích, bày tỏ quan điểm và giành cho mình những giải thưởng có ý nghĩa.

Cuộc thi tranh biện về "Bảo tồn động vật hoang dã" là một hoạt động truyền thông trong khuôn khổ dự án ‘Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam’ (Dự án WLP) do đơn vị tư vấn của dự án tổ chức. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các bạn học sinh tại các trường THPT về bảo vệ môi trường sống xung quanh, cũng như trang bị cho các bạn kiến thức về kỹ năng về môi trường, về đa dạng sinh học và bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Anh Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trưởng Ban tổ chức chương trình chia sẻ "Cuộc thi dành cho các bạn trẻ ở độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi đang theo học tại các trường THPT trên cả nước có tư duy tranh biện và hùng biện, đặc biệt quan tâm và mong muốn thể hiện quan điểm, tinh thần trách nhiệm của giới trẻ với vấn đề "Bảo tồn động vật hoang dã".

Ngay sau khi phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 200 video dự thi từ các bạn học sinh trên khắp cả nước. Đặc biệt, nhiều thí sinh đang sống tại các vùng dịch COVID-19 như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương hoặc tại vùng sâu vùng xa. Điều đó cho thấy, thế hệ trẻ đã có sự quan tâm cũng như kiến thức và tiếng nói riêng về vấn đề bảo tồn động vật hoang dã"

Sau nhiều vòng thi căng thẳng, chỉ có 4 đội xuất sắc nhất tiến vào vòng chung kết bao gồm Xando, The Brotherhood, BDPD, By no name. Tại vòng chung kết, bốn đội cùng thể hiện khả năng tranh biện, hùng biện dựa trên chủ đề tranh biện về "Bảo tồn động vật hoang dã".

Với lý lẽ sắc xảo, xác đáng dựa trên những nguồn thông tin đa dạng, đội THE BROTHERHOOD đã xuất sắc trở thành nhà vô địch của cuộc thi. Các độilần lượt nhận giải Nhì, Ba và Khuyến Khích: BDBD; BY NO NAME; XANDO.

Đội giải nhất THE BROTHERHOOD gồm thí sinh: Đinh Khánh Duy (Quốc Học Quy Nhơn - Đại học Nguyễn Tất Thành) và Phạm Trần Hoài Như (Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng)

Đội giải nhì BDPD gồm thí sinh: Nguyễn Trang Phương Minh (THPT Chuyên Lê Hồng Phong) và Đỗ Ngọc Phương Nam (THPT Chuyên Lê Hồng Phong)

Đội giải ba BY NO NAME gồm thí sinh: Nguyễn Thị Hạ Uyên (THPT Phan Châu Trinh) và Nguyễn Đào Gia Hùng (THPT Phan Châu Trinh), tỉnh Bình Định

Đội giải khuyến khích dành cho đội XANDO, gồm: Nguyễn Thảo Hương Ly và Đinh Hồng Ngọc (THPT Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)

Các đội thi khác trong Top 16 đội cũng sẽ được ban tổ chức trao giấy chứng nhận đã tham gia cuộc thi.

Vòng chung kết cuộc thi tranh biện online về "Bảo tồn động vật hoang dã" được sử dụng với hình thức mới mẻ, hấp dẫn, phát huy tính sáng tạo, tư duy phản biện, cách thức lập luận, hùng biện, tranh biện về việc bảo tồn động vật hoang dã, thiên nhiên môi trường của các bạn trẻ. Với phần thi khởi động: Tư duy liên kết. trong vòng thi này, mỗi đội sẽ chọn 1 từ ngữ liên quan tới chủ đề "Bảo tồn động vật hoang dã" và trình bày 1 bài hùng biện ngắn trong thời gian 07 phút để nói về từ mà mình đã chọn. Điểm của phần thi này sẽ chiếm 30% tổng số điểm. Phần thi tranh biện chính: Theo luật tranh biện.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam – Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng cao hàng đầu thế giới, trong đó bao gồm sự đa dạng và phong phú về các loài động, thực vật. Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước đa dạng sinh học (2019), Việt Nam có khoảng loài 51.400 sinh vật được xác định, bao gồm khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng, nạn săn bắt, tiêu thụ trái phép đã khiến sinh cảnh tự nhiên bị thu hẹp và nhiều quần thể động vật hoang dã dần biến mất. Tính đến năm 2019, IUCN đã liệt kê khoảng hơn 30.000 loài có nguy cơ biến mất khỏi Trái Đất. Do đó, bảo vệ động vật hoang dã là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết và là nhiệm vụ chung của toàn cầu.Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự suy giảm này là hành vi tiêu thụ không bền vững do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học nói chung và động vật hoang dã nói riêng còn chưa cao. Việc thay đổi nhận thức cho công chúng nói chung cần phải hướng đến nhiều đối tượng, trong đó, giới trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước cần phải được giáo dục và nâng cao nhận thức từ sớm về tầm quan trọng của công tác bảo tồn động vật hoang dã.

HÀ DUNG