Giữ gìn cho đảo mãi tươi xanh

Thứ ba, 30/07/2019 - 10:58

TNV - Trung tá, Đồn trưởng Phan Văn Ba chia sẻ: Nhân dân cả nước biết đến Cô Tô và ra với Cô Tô nhiều hơn, đó chính là tình yêu biển đảo, là lòng yêu nước mà nhân dân đã dành cho. Đây là nguồn sức mạnh to lớn để cán bộ chiến sỹ Biên phòng trên đảo nâng cao trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòn đảo mãi tươi xanh – xanh về môi trường trên đảo, xanh về môi trường biển và xanh màu xanh hòa bình.

Vùng biển nhiệt đới có nhiều hệ sinh thái điển hình

Là huyện đảo nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển với nước trong, bờ thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn; Cô Tô còn là vùng biển có đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là ngư trường rộng lớn có trên 50 hòn đảo lớn nhỏ và diện tích mặt biển rộng trên 300 km 2 , phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, mú, mực, san hô sừng...

Huyện đoàn Cô Tô và Đồn Biên phòng thường xuyên phối hợp ra quân dọn vệ sinh
môi trường biển.

Những năm gần đây, nhất là từ khi có điện lưới quốc gia vào năm 2013 trở đi, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã có bước phát triển mạnh mẽ; đời sống nhân dân có nhiều thay đổi và phát triển từng ngày, nhân dân trên đảo từ lao động sản xuất chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản và sản xuất nông nghiệp thuần túy, đã từng bước chuyển sang làm thương mại -dịch vụ và du lịch; đưa thương mại - dịch vụ và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, chiếm 57,8% tổng giá trị kinh tế tính đến tháng 6/2019.

Vui mừng vì du lịch Cô Tô đã có sự phát triển thần kỳ, trở thành trào lưu của giới trẻ và là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của du khách. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm Cô Tô đón gần 300 ngàn lượt du khách ra tham quan nghỉ dưỡng (tính bình quân mỗi người dân đảo đón tiếp khoảng 40 lượt khách mỗi năm), chưa kể tới số lượng tàu thuyền của bà con ngư dân ở nhiều địa phương ven biển đổ về đảo để tiếp nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm và tránh trú bão gió cũng ngày một thêm đông. Nhưng mối lo về quá tải dịch vụ, về rác thải và ô nhiễm môi trường cũng đang hiện hữu rất nghiêm trọng.

Nhận thức rõ tác hại trực tiếp của rác thải và suy giảm môi trường đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn, đồng thời với triển khai thực hiện Kế hoạch số: 20-KHPH/ĐTN-BĐBP, ngày 30/01/2018 giữa Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh về việc phối hợp thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và bảo vệ môi trường năm 2018, Chi đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Cô Tô đã tham mưu cho BCH Đồn phối hợp cùng Huyện đoàn Cô Tô xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện với các yêu cầu, nội dung, tiến độ và phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị.

Tuyên truyền trong khi làm nhiệm vụ và phối hợp tổ chức nhiều đợt ra quân

Theo Bí thư Huyện đoàn Cô Tô Nguyễn Thị Thanh Thái: Phát huy thế mạnh của mình, những nội dung cơ bản của Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản...; tác động của ô nhiễm môi trường đến biến đổi khí hậu toàn cầu, đến chất lượng môi trường tự nhiên và đời sống con người được lực lượng Biên phòng chủ trì đảm nhiệm biên soạn và đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như chú trọng lồng ghép trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ nắm bắt địa bàn, vận động quần chúng đối với bà con trên đảo và ngư dân trên biển.



Ngoài ra, Đồn Biên phòng Cô Tô còn phối hợp với Huyện đoàn và chính quyền địa phương xây dựng các cụm pano, poster mang thông điệp tuyên truyền vận động nhân dân và du khách tích cực tham gia làm sạch biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Mở rộng tương tác trên các diễn đàn mạng, fanpage....để thu hút đông đảo thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về tác hại của chất thải nhựa, phao xốp đối với môi trường biển, sinh vật biển và cuộc sống của mỗi người, từ đó khuyến khích mỗi người hình thành thói quen cắt giảm tối đa các sản phẩm nhựa, túi nilon và không vứt rác bừa bãi.

Trong năm 2018, Đồn Biên phòng Cô Tô và Huyện đoàn Cô Tô đã phối hợp làm nòng cốt tổ chức 21 đợt ra quân làm sạch bờ biển và vệ sinh môi trường, thu hút trên 2.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu niên, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia, thu gom hàng trăm tấn rác thải các loại, trồng trên 100 cây dứa dại dọc bãi biển Nam Hải.

Đồng thời, Đồn còn tích cực phối hợp với xã Đồng Tiến, thị trấn Cô Tô và các thôn, khu tổ chức hàng chục buổi phát quang dọn vệ sinh đường liên thôn, khu, khơi thông cống rãnh, mương máng thoát nước, xóa bỏ các điểm đen về rác thải; trồng gần 2.000 cây xanh trong khuôn viên, tích cực xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, tuyên truyền vận động kết hợp phát hiện, bắt giữ xử lý tổng số 100 vụ/105 phương tiện/105 đối tượng có hành vi khai thác thủy hải sản bằng các phương tiện, công cụ cấm mang tính hủy diệt môi trường biển, phạt tiền gần 600 triệu đồng nộp kho bạc Nhà nước; góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững và đa dạng sinh học môi trường biển.

Tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp “ Hãy làm sạch biển” và bảo vệ môi trường vào cuối năm 2018 giữa Tỉnh đoàn Quảng Ninh và BCH Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Cô Tô được biểu dương và Trung tá Giáp Văn Lâm (Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cô Tô) được vinh danh và nhận Bằng khen.

Dọn dẹp bãi biển sạch sẽ đón chào du khách

Một chiều hè tháng 7/2019, tôi được cựu Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cô Tô Giáp Thế Lâm đưa đi thăm biển Cô Tô. Bãi biển Vàn Chảy xế chiều đông nghịt du khách từ nhiều tỉnh, thành phố đổ về tắm, nhiều dịch vụ tắm tráng, trông giữ xe, cho thuê quần áo tắm và quán ăn đồ biển mọc lên nhộn nhịp, tấp nập khách vào ra khác hẳn vẻ cô tịch, hoang vu 5-7 năm về trước mà tôi từng đến.

Lúc rỗi rãi, bà Bảo đi nhặt rác thải nhựa, vừa có thêm thu nhập vừa sạch đẹp thôn xóm lại
thu hút du khách đến nhiều hơn lên thấy rất vui.

Giữa dòng người vui chơi ấy, tôi chợt gặp bà Lê Thị Bảo  trú tại thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến – người phụ nữ của đảo đã 57 tuổi đời mà vẫn thoăn thoát nhanh nhẹn len lỏi giữa những lùm cây ven biển âm thầm lặng lẽ nhặt nhạnh từng ve chai, túi nhựa... gom đầy các bao chất lại thành đống để bán. Vừa cặm cụi làm bà Bảo vừa mộc mạc chia sẻ, đã 3 năm nay ngoài thời gian phụ bếp cho nhà hàng, lúc rảnh rỗi lại đi nhặt rác để thêm đồng ra vào. Ở thôn có mấy người cũng thường xuyên đi nhặt rác thải nhựa như bà, vừa có thêm thu nhập vừa sạch đẹp thôn xóm lại thu hút du khách đến nhiều hơn lên thấy rất vui – bà Bảo nói tiếp, ánh mắt sáng lên giữa trời nhá nhem tối.

Vào thăm cơ sở dịch vụ tắm tráng, cho thuê quần áo tắm và ăn uống của gia đình ông Đặng Văn Lô (46 tuổi) Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nam Hà và Chủ tịch Mặt trận, Bí thư Đoàn xã Phạm Hữu Quảng.

Sau mỗi tốp khách, gia đình ông Lô lại dọn rác và vỏ đồ ăn uống...

Ông Lô tíu tít rót trà mời khách và rôm rả kể, từ khi đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới nhất là khi có lực lượng Biên phòng tham gia, các cuộc dọn vệ sinh môi trường trong thôn diễn ra thường xuyên hơn, mọi người tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm hơn; mỗi năm bước vào mùa du lịch, Đồn Biên phòng lại cắt cử lực lượng xuống thôn cùng bà con tổng vệ sinh bãi biển mỗi tháng 02 lần để đón khách và nhắc nhở bà con chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường thôn, bãi biển làm sinh kế lâu dài.

... về tải đựng rác, để bãi biển luôn sạch và đón loạt khách mới.

Đến nay, chỉ riêng xã Đồng Tiến đã có 6 khách sạn, 21 nhà nghỉ và 50 Homestay cộng nhà gỗ; cả xã không có hộ nghèo, có 8 hộ cận nghèo, còn lại 479 hộ khá giả đều nhờ du lịch phát triển. Do vậy, giữ gìn môi trường nhất là ở các bãi tắm đã trở thành thói quen tự giác thường ngày của hầu hết các hộ trong thôn, xã, bởi biển và môi trường đã mang lại cho bà con công ăn việc làm và đời sống thu nhập đủ đầy hơn. Cho nên hàng ngày ngoài tổ vệ sinh bãi biển do xã thành lập, các hộ kinh doanh dịch vụ đều bảo nhau dậy sớm thu gom rác trôi dạt vào bờ, dọn dẹp bãi biển sạch sẽ đón chào du khách. Anh Quảng tiếp lời.

Bãi biển Vàn Chảy xế chiều đông nghịt khách du lịch từ nhiều tỉnh, thành phố đổ về tắm,
bởi bãi cát thoải, mịn màng sạch sẽ, nước biển xanh trong.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Cô Tô Trần Như Long: Hình ảnh đẹp về Bộ đội Biên phòng trên đảo không chỉ trong công tác giữ gìn an ninh chủ quyền biển đảo, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ mà còn là lực lượng tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường biển đảo. Rõ nét nhất là khi mỗi cơn bão đi qua, rất nhiều các loại rác được sóng đánh xô vào đảo, cây cối đổ gãy tan hoang thì Bộ đội Biên phòng cùng với các lực lượng vũ trang luôn là lực lượng sẵn sàng có mặt nhanh nhất, quân số đầy đủ nhất để triển khai nhiệm vụ kết hợp với dọn dẹp, khắc phục thiệt hại môi trường có trách nhiệm nhất, sớm lấy lại nhịp sống bình yên sạch đẹp cho đảo.

Phạm Quỳnh