TNV - Trong cơn bão nhiễu loạn thông tin hướng nghiệp, 20/3 vừa qua, tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chọn bằng cấp hay chọn việc làm” với dàn khách mời là các chuyên gia, nhà tuyển dụng và nhà giáo dục đã diễn ra, phần nào giải quyết bài toán này cho các bạn học sinh.
Tọa đàm có sự tham gia của thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search, anh Phùng Thái Học - Chủ quán Trà đá, Admin Tâm sự con sen, Founder & CEO TAT Academy và Duy Muối - CEO & Founder DC Media.
Không chỉ là những màn tranh luận căng thẳng về chủ đề nóng xoay quanh sự việc “những ngành học vô dụng”, các vị khách mời còn mang tới những lời giải thích vô cùng thuyết phục đối với việc chọn ngành, chọn nghề và ý nghĩa thực sự của tấm bằng Đại học, Cao đẳng.
Người học là người tạo ra giá trị cho bằng cấp!
Đại diện cho những bạn trẻ hướng tới có công việc tốt và đáp ứng nhu cầu xã hội, thầy Vũ Chí Thành cho rằng: “Mỗi người đều có ước mơ và mong muốn được học tại những ngôi trường và có được tấm bằng danh giá. Thực tế thì không phải ai cũng có thể thực hiện được ước mơ đó, chính vì vậy, ước mơ đó cần được xác định xem có đúng với đam mê của bản thân và liệu mình có năng lực để theo đuổi đam mê đó hay không?”
Theo thầy Thành, người học sẽ đem lại giá trị cho tấm bằng đó, khi thực sự có năng lực bạn sẽ có được những vị trí công việc mơ ước
Không dưng lại ở đó, khi quyết định lựa chọn cơ hội việc làm, các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn đang đứng ở ngưỡng cửa định hướng nghề nghiệp cần phải hiểu rằng, bên cạnh “Đam mê - Năng lực”, các bạn nên tìm hiểu về “Nhu cầu xã hội”. Như vậy các bạn có thể sống được với nghề mình chọn, công việc mình yêu thích.
Màn tranh luận về việc lựa chọn Bằng cấp hay Việc làm của thầy Vũ Chí Thành cùng bà Ngô Thị Ngọc Lan đã thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và học sinh THPT.
Trong khi đó, ở phe đánh giá cao giá trị của tấm bằng, bà Ngô Thị Ngọc Lan nhận định, việc lựa chọn yếu tố bằng cấp trong tuyển dụng dựa vào 4 khía cạnh chính, gồm: Xu hướng tuyển dụng nhân sự trên phạm vi toàn cầu; Mục tiêu phát triển kinh tế tập trung vào công nghiệp hóa, kỹ thuật hóa, số hóa yêu cầu lao động có trình độ cao tại Việt Nam; Nâng cao khả năng thu hút đầu tư FDI bởi khả năng cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao; và tiêu chí tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp đối với các vị trí công việc có tính đặc thù, chuyên biệt.
Năng lực của mỗi người sẽ phù hợp tấm bằng Cao đẳng hoặc Đại học, hãy tham khảo thông tin để xem lựa chọn nào phù hợp với chính mình để đem lại khoản “đầu tư dài hạn”.
Khẳng định vai trò của tấm bằng, bà Ngọc Lan cho biết: “Đầu tư vào việc học có thể xem là là chi phí cơ hội để giúp chúng ta có thể phát triển, thăng tiến trong tương lai. Tuy nhiên điều này không phải bạn trẻ nào cũng hiểu. Tấm bằng sẽ cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn có mức độ hiểu biết và nền tảng chuyên sâu của một chuyên ngành, lĩnh vực. Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng sẽ có kế hoạch đào tạo bổ sung giúp bạn thích nghi tốt hơn với công việc, nâng cao hiệu suất và đem lại giá trị thực tế mà doanh nghiệp kỳ vọng”.
Liệu có học đúng ngành, đúng nghề ngay từ đầu?
Không được định hướng, đi học chỉ vì trường gần nhà, trượt ngành Tài chính - Ngân hàng và phải học Quản trị kinh doanh - Một trong những ngành học được một số Tiktoker hiện nay chia sẻ là “vô dụng” trong thời gian gần đây, anh Phùng Thái Học lại cho rằng: “Nếu trở lại 4 năm học Đại học trước đây, tôi sẽ học say mê hơn nữa, học tốt hơn nữa…”
Theo anh Thái Học, học Đại học sẽ cho chúng ta kiến thức căn bản mà ở ngoài không dạy, còn học Cao đẳng sẽ là những trải nghiệm tốt đối với những những người cần phải kiếm tiền sớm để lo cho gia đình.
Anh Thái Học bộc bạch, việc lựa chọn học Quản trị kinh doanh là “sự cố bất đắc dĩ” và khi buộc phải học thì anh cũng cảm nhận được định kiến không tốt của xã hội về ngành học này như “Học xong mà không được làm sếp thì học làm gì?” hay “Biết mỗi thứ một chút, cũng chẳng thể làm được việc cụ thể gì?” .
Bản thân anh đã mất 5-7 năm để nhận ra giá trị thực sự của tấm bằng cùng những kiến thức được học trên giảng đường: “Ra trường, bắt đầu đi làm thuê, rồi giờ làm chủ, tấm bằng Quản trị kinh doanh mà tôi từng nghĩ là vô giá trị lại khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ, nó thực sự hữu ích trong cả công việc, cuộc sống”.
Là người đánh giá cao vai trò bằng cấp sau nhiều năm làm việc, anh Thái Học kỳ vọng rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh THPT, sinh viên cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các bạn sớm hiểu được nếu theo học ngành đó, mình sẽ học gì, làm gì, công việc sẽ như thế nào…
Đối với Duy Muối - Người chỉ mong ra trường nhanh và có việc làm cho rằng: “Mình không chọn Đại học vì mình biết năng lực lúc đó của mình nên đã lựa chọn Cao đẳng. Thậm chí, việc mình học ngành cũng là nghe theo lời bố mẹ chứ thân cũng không biết đã học đúng chưa? Tuy nhiên, kết quả của ngày hôm nay lại đều đến từ những trải nghiệm khi còn đi học, nếu không có những trải nghiệm đó thì mình cũng không phát hiện được sở thích, đam mê giúp mình phát huy thế mạnh bản thân và đạt được những thành tựu lúc này”.
Duy Muối - Cựu sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic luôn đánh giá cao tính trải nghiệm và những bài học thực tế tại môi trường Cao đẳng.
Chia sẻ thêm với các bạn học sinh THPT, Duy Muối cho rằng, việc định hướng ngành nghề cũng có vai trò vô cùng quan trọng: “Đôi khi chọn theo sở thích thì cũng vẫn chọn sai, chính vì vậy các bạn cứ cứ chọn một ngành học nào đó đi. Nếu sai ở trong trường cũng sẽ an toàn hơn khi sai ở ngoài xã hội. Tư duy độc lập, chính kiến bản thân và trải nghiệm thực tế mới là chiếc chìa khóa chính thay đổi mỗi chúng ta” .
Kết luận, thầy Thành khẳng định giá trị của tấm bằng phụ thuộc vào người học nó rất nhiều: “ Thực tế mọi người cứ nói rằng bằng này có giá trị, bằng kia không có giá trị nhưng thực chất là những người học tấm bằng này sẽ đem lại giá trị cho tấm bằng đó. Những sinh viên của tôi thì tôi rất là tự hào khi các em tốt nghiệp ở FPT Polytechnic, các em ra trường, các em có được việc. Thì chính sự có việc làm của các em đem lại giá trị cho tấm bằng các em đang cầm.”
Chọn bằng cấp hay chọn việc làm? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bối cảnh của mỗi cá nhân và mục tiêu đầu tiên là “tồn tại”. Đứng trước câu hỏi trên, bạn sẽ chọn điều gì vì chính mình?.
PV